Tìm hiểu về tác dụng huyệt Ân Môn trong điều trị bệnh
Huyệt Ân Môn là huyệt vị thuộc kinh Bàng Quang, có công dụng điều trị hiệu quả các chứng đau vùng lưng, đùi, chữa thoát vị đĩa đệm, chi dưới tê liệt,... Vậy huyệt Ân Môn có vị trí, công dụng và cách tác động lên huyệt như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Huyệt Ân Môn là gì?
Huyệt Ân Môn (hay Yìn Mén) là huyệt đạo thứ 37 của đường kinh Bàng Quang, có xuất xứ từ quyển Giáp Ất Kinh. Trong tên huyệt, “Ân” có nghĩa là đầy đủ, thịnh vượng, dày và sâu, hoặc nằm ở vị trí chính giữa; còn “Môn” có nghĩa là cổng, là cửa.
Huyệt nằm ở vùng nhiều thịt, lại là cửa nối giữa huyệt Ủy Trung và huyệt Thừa Phò nên được gọi là huyệt Ân Môn (theo cuốn Trung Y Cương Mục).
Vị trí huyệt Ân Môn
Huyệt Ân Môn nằm ở mặt sau của đùi, nơi mà bắp thịt nhiều và dày dặn. Xác định vị trí huyệt Ân Môn bằng cách lấy dưới nếp mông 6 thốn, huyệt ở giữa khe của cơ bán gân và cơ nhị đầu đùi (hoặc đo dưới huyệt Thừa Phù 6 thốn). Trong đó, thốn là đơn vị đo thường dùng trong Đông y, được quy ước bằng chiều dài đốt giữa ngón thứ 3 của chính cơ thể người bệnh.
Xét về mặt giải phẫu, dưới da huyệt là bờ trong cơ hai đầu đùi, bờ ngoài cơ bán gân, cơ bán mạc, cơ khép lớn và mặt sau đùi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh bịt và nhánh của dây thần kinh hông. Da vùng huyệt chịu chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S2.
Tác dụng của huyệt Ân Môn trong trị liệu
Theo y thư cổ, huyệt Ân Môn có công dụng chủ trị nhiều chứng bệnh theo từng vùng, cụ thể là:
- Tại chỗ: Khi kích thích huyệt đúng cách, tại vị trí huyệt sẽ được thư giãn, làm giảm các cơn đau nhức vùng đùi, mông.
- Theo kinh: Huyệt nằm trên đường kinh Bàng Quang nên khi tác động sẽ giúp trị đau vùng thắt lưng, đau lưng do ứ huyết, đau thần kinh tọa, đau sau đầu,...
- Toàn thân: Huyệt cũng hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, chi dưới tê bại, bại liệt,...
Ngoài sử dụng độc lập còn có thể phối hợp huyệt Ân Môn với các huyệt vị khác để mở rộng tác dụng và tăng hiệu quả điều trị bệnh như:
- Kết hợp với huyệt Ủy Dương giúp trị đau lưng không cúi ngửa được.
- Phối huyệt Giáp Tích ở thắt lưng 4 - 5 để trị thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng.
- Phối hợp với huyệt Thận Du và Ủy Dương giúp trị đau lưng không xoay trở được.
Cách châm cứu huyệt Ân Môn hiệu quả
Việc tác động vào huyệt đạo sẽ giúp khơi thông kinh mạch, cân bằng khí huyết, thúc đẩy khả năng hồi phục của cơ thể. Đối với huyệt Ân Môn, thầy thuốc Đông y thường tác động vào huyệt bằng liệu pháp châm cứu cổ truyền. Đây là phương pháp đòi hỏi người có chuyên môn và tay nghề cao, người bệnh không nên tự ý thực hiện để tránh xảy ra sai sót.
Cách châm cứu Ân Môn huyệt như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị các dụng cụ châm cứu chuyên dụng đã được sát trùng đầy đủ.
- Bước 2: Để bệnh nhân nằm sấp và xác định chính xác vị trí của huyệt.
- Bước 3: Sát khuẩn vùng da huyệt bằng cồn 70 độ.
- Bước 4: Tiến hành châm cứu: Châm thẳng vào huyệt vị, độ sâu khoảng 1 - 1,5 thốn. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác như có luồng điện giật xuống mông, chân.
- Bước 5: Thời gian ôn cứu từ 5 - 15 phút. Tùy vào tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người mà thời gian châm cứu và lộ trình thực hiện cũng sẽ khác nhau.
- Bước 6: Rút kim và sát khuẩn các y cụ.
Tài liệu tham khảo huyệt Ân Môn
Một số thông tin về huyệt Ân Môn được ghi chép lại như sau:
- “Tô Vấn - Thích Yếu Thống Thiên” có ghi rằng: “Mạch hoành lạc làm cho đau thắt lưng, không thể cúi ngẩng được, ngẩng lên thì sợ té, hoành lạc tuyệt làm huyết xấu quy tụ vào, thì châm vào giữa khe gân ở Ân Môn”.
- “Giáp Ất”, quyển thứ 9 ghi rằng: “Đau thắt lưng không cúi ngẩng được, ngẩng lên sợ té, ngẩng lên như có vật nặng, huyết dơ quy tụ vào, dùng huyệt Ân Môn làm chủ”.
- “Đại Thành”, quyển thứ 6 ghi rằng: “Ân Môn chủ trị đau cột sống thắt lưng không cúi ngẩng được, ngẩng lên rất nặng, sưng ngoài đùi”.
Huyệt Ân Môn là huyệt đạo được đánh giá cao nhờ công dụng chữa trị các bệnh lý vùng lưng hiệu quả, đồng thời giúp điều hòa kinh mạch và lưu thông khí huyết rất tốt. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về huyệt vị này cũng như có cách sử dụng huyệt để trị bệnh hiệu quả nhất.
Cẩm Ly
Nguồn: Tổng hợp