Tìm hiểu tật nói lắp có di truyền không?
Nói lắp là bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nghiên cứu cho thấy cứ 100 người lớn thì có khoảng 1 người nói lắp và tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em, có khoảng 1/10 trẻ nói lắp ở độ tuổi từ 3-4 tuổi. Câu hỏi được đặt ra là: Nói lắp có di truyền không? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Nói lắp là gì?
Nói lắp là một chứng rối loạn ngôn ngữ phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng nói lưu loát và nhịp điệu nói. Rối loạn này thường phát sinh trong thời thơ ấu, thường trong độ tuổi học và phát triển ngôn ngữ. Tình trạng này có thể tự khỏi trong hầu hết các trường hợp, cần sự hỗ trợ của liệu pháp ngôn ngữ can thiệp, hoặc số ít các trường hợp không khỏi, dẫn đến tình trạng dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày.
Có hai loại nói lắp: Do chậm phát triển hoặc do thần kinh. Nguyên nhân thần kinh được hiểu cơ bản là sự rối loạn dẫn truyền thông tin từ não tới các cơ tham gia vào động tác nói. Nguyên nhân di truyền cũng được xem xét bởi một số nghiên cứu liên kết gen nhằm tìm hiểu về chứng rối loạn này. Nguyên nhân do chậm phát triển thường xảy ra ở trẻ nhỏ khi chúng học kỹ năng ngôn ngữ.
![Tìm hiểu tật nói lắp có di truyền không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Noi_lap_co_di_truyen_khong_1_68cfa14150.jpg)
Đặc điểm triệu chứng nói lắp
- Sự lặp lại của âm thanh, âm tiết hoặc từ nào đó.
- Sự kéo dài của âm thanh trong từ hoặc ngắt quãng trong khi nói một câu, từ hoàn chỉnh.
- Khó bắt đầu nói một từ, cụm từ hoặc câu.
- Thêm các từ bổ sung vào câu nói như từ “ừm, à, ừ,…”.
- Căng thẳng, căng cứng khi chuyển động khuôn mặt hoặc phần trên của cơ thể để bắt đầu phát âm ra một từ.
- Lo lắng, không có khả năng giao tiếp hiệu quả, nắm chặt tay vào nhau, căng da mặt, giật mắt, giật đầu, run môi,… khi tham gia cuộc trò chuyện với ai đó.
- Tình trạng nói lắp có thể tăng lên, trầm trọng hơn khi người bệnh căng thẳng, mệt mỏi, mất tự tin, bị kích thích, áp lực, vội vã, hoặc giảm đi, biến mất trong khi nói chuyện một mình, nói chuyện trong gương, nói chuyện với người thân, đọc, hát đồng thanh,…
Nói lắp ảnh hưởng tới tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Nếu xảy ra trong giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ từ 2-6 tuổi, hầu hết có thể khỏi nói lắp, trẻ lớn hơn 6 tuổi mà vẫn tiếp tục nói lắp kéo dài được coi như một rối loạn giao tiếp.
Nói lắp có di truyền không?
Nói lắp có thể xảy ra trong các thành viên trong gia đình, điều này ám chỉ nguyên nhân di truyền cơ bản được tìm thấy trong các nghiên cứu. Trên thế giới, có tới gần 70% người lớn nói lắp cho biết, tình trạng của họ có liên quan tới tiền sử gia đình có người mắc chứng rối loạn này.
Các nhà nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu gen liên quan tới chứng nói lắp trong một số gia đình có nhiều thành viên mắc tật nói lắp. Bằng chứng hiện tại cho thấy biểu hiện gen trên người nói lắp có đặc điểm phức tạp, nó có thể có nhiều gen chi phối cùng một lúc hoặc có thể có sự tương tác giữa gen và môi trường.
![Tìm hiểu tật nói lắp có di truyền không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Noi_lap_co_di_truyen_khong_2_abf4fc9b67.jpg)
Giới tính cũng được chỉ ra là một trong những yếu tố gây bệnh nói lắp. Theo thống kê, tỷ lệ các trẻ trai bị nói lắp cao hơn từ 2 đến 5 lần so với các trẻ gái, và tỷ lệ hồi phục của các trẻ trai là ít hơn nếu không được điều trị.
Để phát triển các phương pháp điều trị nói lắp dựa vào nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học hiện đã và đang không ngừng thử nghiệm và xác định các gen gây ra chứng nói lắp.
Cách biện pháp chẩn đoán nói lắp
Hỏi bệnh về quá trình xảy ra nói lắp, các yếu tố tác động khởi phát tình trạng trên, tiền sử gia đình người thân có triệu chứng tương tự, thói quen sinh hoạt và sự tương tác với những người xung quanh. Nếu trẻ nói lắp kéo dài, có thể cần tới gặp ngay bác sĩ hoặc chuyên gia ngữ âm để làm các biện pháp hỗ trợ chẩn đoán nói lắp. Các lượng giá về ngôn ngữ sẽ được thực hiện để chẩn đoán nói lắp như là:
- Cho người bệnh đọc to các âm, từ, câu văn, đoạn văn.
- Quay phim, ghi hình lại những lúc trẻ gặp tình trạng nói lắp khi giao tiếp.
- Lượng giá trực tiếp bằng cuộc trò chuyện của người bệnh với chuyên gia ngôn ngữ nhằm xác định mức độ bệnh.
- Đánh giá tổn thương nói lắp có nguyên nhân từ thần kinh.
- Ngoại trừ tình trạng sức khỏe ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ, như là các vấn đề về thính giác.
Nói lắp có khỏi được không?
Khi bị nói lắp, người bệnh có thể dẫn tới những khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày như: Gặp phải các vấn đề khi giao tiếp với người khác, lo lắng, căng thẳng khi bắt đầu cuộc trò chuyện, tránh những tình huống cần phải nói, mất khả năng giao tiếp xã hội, có thể bị xa lánh và chỉ trích của những người xung quanh,… Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là nói lắp có khỏi được không?
![Tìm hiểu tật nói lắp có di truyền không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Noi_lap_co_di_truyen_khong_3_c626ed9ad2.jpg)
Khi trẻ còn nhỏ trong quá trình học và hoàn thiện ngôn ngữ, tình trạng nói lắp xảy ra ở hầu hết các trẻ do khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ không thể đáp ứng nhu cầu bằng lời nói của trẻ, trẻ không thể diễn đạt được ngôn ngữ của mình dẫn đến tình trạng ấp úng, nói lắp. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp kể trên thì nói lắp có thể khỏi hoàn toàn mà không cần can thiệp. Nói lắp có thể phát triển và kéo dài, muốn giải quyết được tình trạng này, cần can thiệp của chuyên gia ngôn ngữ.
Nói lắp thần kinh có thể xảy ra sau một tổn thương não như: Sau đột quỵ, sau viêm não, màng não, sau u não, tổn thương dẫn truyền thần kinh, chấn thương não,… Khi đó, não gặp khó khăn trong việc điều phối các hoạt động tạo ra lời nói. Tùy vào vùng não bị tổn thương, mức độ tổn thương và khả năng trị liệu ngôn ngữ mà tình trạng nói lắp có thể cải thiện hay không. Quá trình cải thiện nói lắp trong trường hợp này thường phải can thiệp kéo dài và có thể không hồi phục hoàn toàn.
Điều trị nói lắp di truyền hiệu quả
Có rất nhiều phương pháp điều trị nói lắp cho trẻ khác nhau, tùy vào độ tuổi, mục đích giao tiếp và các yếu tố chi phối nói lắp mà bác sĩ, chuyên gia ngôn ngữ học sẽ quyết định lựa chọn ra các phương pháp điều trị nói lắp di truyền hiệu quả.
Ngôn ngữ trị liệu: Đối với trẻ nhỏ, việc can thiệp sớm ngôn ngữ trong trị liệu có thể ngăn ngừa tình trạng nói lắp phát triển, kéo dài tới suốt đời. Một số biện pháp dạy trẻ nói trôi chảy, nói chậm rãi và chuẩn bị nội dung giao tiếp sẽ có tác động tích cực cho các cuộc đối thoại. Can thiệp các biện pháp hướng dẫn cách lấy hơi, cách điều chỉnh nhịp thở, nói từng từ, từng câu đơn giản một cách lưu loát đến các câu phức tạp hơn.
Sửu dụng thiết bị điện tử hỗ trợ: Một số thiết bị điện tử được biết đến với chức năng năng hỗ trợ giao tiếp cho người bệnh nói lắp. Thiết bị này khá giống với máy trợ thính, người bệnh được đeo vào tai, khi phát ra lời nói sẽ được thiết bị ghi âm và thay đổi một chút giọng nói rồi phát lại. Khi đó, người bệnh sẽ cảm giác như mình đang nói đồng thanh với người khác, cải thiện sự trôi chảy khi giao tiếp.
![Tìm hiểu tật nói lắp có di truyền không? 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Noi_lap_co_di_truyen_khong_4_98c41f72e7.png)
Điều trị thuốc: Thực tế không loại thuốc nào được chứng minh là có thể điều trị khỏi nói lắp. Các loại thuốc được chấp thuận điều trị chủ yếu để cải thiện sức khỏe về mặt tâm thần như: Chống lo âu, trầm cảm, chống động kinh.
Qua bài viết trên đây, Nhà Thuốc Hà An hi vọng đã giải đáp được cụ thể câu hỏi "Nói lắp có di truyền không?" và giúp gia đình, phụ huynh biết được hướng điều trị tiếp theo nếu con nói lắp. Nhà Thuốc Hà An kính chúc toàn thể gia đình nhiều sức khỏe!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp