6 câu hỏi quan trọng về khám sàng lọc sức khỏe được chuyên gia giải đáp
Việc khám sàng lọc sức khỏe sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe thông qua việc dự phòng, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các tình trạng sức khỏe có vấn đề, khả năng xảy ra những bất lợi về sức khỏe của bạn nếu không được dự báo sớm. Trong bài viết dưới đây, Hà An Pharmacy sẽ giúp bạn giải đáp một số vấn đề bạn quan tâm, liên quan đến việc khám sàng lọc sức khỏe nhé!
Có một số bệnh lý không có biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, thoáng qua mà bạn không nhận thấy được mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe và chỉ phát hiện khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn. Tuy nhiên, bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, bạn có thể phát hiện sớm những vấn đề này và chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như có biện pháp điều trị kịp thời.
Nếu bạn chưa quen với việc khám sức khỏe, có thể tham khảo các câu hỏi dưới đây để biết cách bắt đầu và quyết định chọn gói phù hợp.
Hiện nay có rất nhiều gói khám sức khỏe, làm cách nào để chọn gói phù hợp?
Các gói khám sức khỏe thường được chia thành hai loại - gói khám cơ bản và gói khám toàn diện. Các gói khám sức khỏe cơ bản sẽ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì và mức cholesterol cao. Gói khám này sẽ là lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân trẻ tuổi và những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền.
![6 câu hỏi quan trọng về khám sàng lọc sức khỏe được chuyên gia giải đáp 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/6_cau_hoi_quan_trong_ve_kham_sang_loc_suc_khoe_duoc_chuyen_gia_giai_dap_4_908f4369a2.jpg)
Các gói khám sức khỏe toàn diện là các gói chuyên sâu hơn nhằm sàng lọc nhiều tình trạng bệnh lý hơn, thông thường sau khi tư vấn tình trạng sức khỏe của bạn sau gói khám sức khỏe cơ bản. Bạn sẽ cùng bác sĩ tương tác để chọn gói khám sức khỏe toàn diện phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn hiện có.
Việc lựa chọn gói khám sức khỏe phù hợp phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thăm khám sức khỏe của bạn. Một số yếu tố cần tính đến sẽ giúp bạn cân nhắc các lựa chọn của mình bao gồm:
- Độ tuổi của bạn.
- Lịch sử y tế gia đình.
- Lịch sử y tế cá nhân.
Bạn không cần quá lo lắng vì sẽ không có chuyện chọn sai gói khám, nhưng nếu bạn cần trợ giúp trong việc đưa ra quyết định, có thể tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ.
Tôi vừa bước vào tuổi 30, tôi có thực sự cần phải đi khám sức khỏe một cách kỹ lưỡng không?
Những người khỏe mạnh dưới 40 tuổi có thể chọn gói khám sức khỏe cơ bản, trừ khi bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc được chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên làm khác.
Các gói khám sức khỏe có đôi chút khác nhau đối với nam và nữ. Dưới đây là một số đề xuất để cung cấp cho bạn có cái nhìn tổng quan hơn:
- Đối với nam và nữ dưới 40 tuổi: Các loại sàng lọc được đề xuất bao gồm mức đường huyết lúc đói/HbA1c, hàm lượng cholesterol, huyết áp, chỉ số BMI cơ thể, chức năng thận, chức năng gan, chức năng tuyến giáp, sàng lọc viêm gan A & B, ECG lúc không gắng sức và gắng sức, phân tích nước tiểu và chụp X-quang ngực.
- Đối với phụ nữ trên 25 tuổi và đã quan hệ tình dục: Thực hiện thêm xét nghiệm Pap Smear hoặc Thinprep kết hợp với HPV DNA.
Tôi chưa bao giờ đi khám sức khỏe và tôi đã ngoài 40 tuổi, tôi nên bắt đầu từ đâu?
Không bao giờ là quá muộn để lên lịch khám sức khỏe, đây là một số thông tin về việc khám sức khỏe bạn nên cân nhắc ở độ tuổi này.
Gói khám sức khỏe toàn diện hơn được khuyến nghị dành cho những người trên 40 tuổi. Các lựa chọn sàng lọc bổ sung bao gồm:
- Xét nghiệm Tumour markers: Hay còn được biết đến với tên gọi là chất chỉ điểm ung thư. Đây là dấu ấn sinh học được tìm thấy trong máu, nước tiểu và mô dùng để đánh dấu sự có mặt của các loại ung thư. Kỹ thuật này sẽ giúp xác định nguy cơ mắc một số ung thư như gan, tuyến tụy, ruột kết, vú và buồng trứng, tiền liệt tuyến ở nam giới.
- Kiểm tra sức khỏe tim mạch: Việc sàng lọc này có thể phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến sức khỏe tim mạch của bạn. Khám sức khỏe tim mạch sẽ bao gồm điện tâm đồ (ECG) để đo hoạt động điện của tim khi bạn không gắng sức và tham gia các hoạt động gắng sức.
- Xét nghiệm mật độ khoáng xương (BMD): Xét nghiệm BMD đánh giá sức khỏe xương. Khi già đi, nguy cơ xương xốp cũng sẽ tăng lên và cuối cùng dẫn đến chứng loãng xương. Với sự trợ giúp của xét nghiệm BMD, bạn sẽ có thể kiểm soát được sức khỏe xương của mình, điều này rất quan trọng để duy trì chất lượng sức khỏe của bạn khi bạn già đi.
- Khám sức khỏe vú: Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ ở Singapore. Siêu âm vú và chụp nhũ ảnh được khuyến nghị cho phụ nữ trên 40 tuổi. Kiểm tra sức khỏe vú sẽ có thể xác định và phân biệt các khối u ung thư và lành tính ở vú của bạn. Nên khám sức khỏe vú hàng năm cho phụ nữ trong độ tuổi từ 40 - 49 và nên khám sàng lọc 2 năm một lần cho những người trên 50 tuổi.
Có các xét nghiệm siêu âm và MRI bổ sung mà bạn có thể lựa chọn. Nguy cơ mắc một số bệnh nội khoa tăng tỉ lệ thuận theo tuổi tác và một trong những cách tốt nhất để theo dõi sức khỏe của bạn là đi khám sức khỏe định kỳ. Đây cũng là lý do tại sao nên sử dụng một gói toàn diện hơn.
![6 câu hỏi quan trọng về khám sàng lọc sức khỏe được chuyên gia giải đáp 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/6_cau_hoi_quan_trong_ve_kham_sang_loc_suc_khoe_duoc_chuyen_gia_giai_dap_2_a2415d6a74.jpg)
Nếu không phát hiện mối lo ngại nào về sức khỏe trong lần khám sức khỏe đầu tiên, tôi có cần lên lịch khám định kỳ không?
Sẽ thật tuyệt vời và yên tâm nếu bạn biết chắc chắn rằng mình khỏe mạnh. Sau khi nhận được kết quả khám định kỳ này, bạn có thể thấy việc kiểm tra sức khỏe là rất quan trọng để bạn hiểu rõ hơn về sức khỏe của mình. Đây là lý do tại sao việc khám sức khỏe định kỳ luôn được các chuyên gia khuyến khích. Trong quá trình xem xét kiểm tra sức khỏe của mình, bạn có thể tận dụng cơ hội để thảo luận, trao đổi thông tin, nhận được sự tư vấn cần thiết để có kế hoạch sắp xếp thời gian thích hợp cho lần kiểm tra sức khỏe tiếp theo với bác sĩ của mình.
![6 câu hỏi quan trọng về khám sàng lọc sức khỏe được chuyên gia giải đáp 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/6_cau_hoi_quan_trong_ve_kham_sang_loc_suc_khoe_duoc_chuyen_gia_giai_dap_3_a8d1752d71.png)
Tôi cần chuẩn bị như thế nào cho lần khám sức khỏe đầu tiên?
Chuẩn bị tốt cho lần khám sức khỏe đầu tiên sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh. Dưới đây là một số mẹo giúp quá trình kiểm tra sức khỏe của mình suôn sẻ hơn:
- Hãy nghỉ ngơi đầy đủ vào đêm hôm trước, vì thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp tim của bạn.
- Hãy kiêng tất cả đồ uống có cồn ít nhất 24 giờ trước khi khám sức khỏe theo lịch trình của bạn.
- Nhịn ăn là bắt buộc khi thực hiện một số xét nghiệm sức khỏe như siêu âm bụng và xét nghiệm máu. Nếu bạn buộc phải nhịn ăn, hãy kiêng ăn và uống (trừ nước lọc) ít nhất 8 - 10 giờ trước cuộc hẹn.
- Tùy thuộc vào gói khám sức khỏe mà bạn đã chọn, thời gian có thể mất tới cả ngày để hoàn thành loạt xét nghiệm. Bạn hãy dự phòng trước tình huống này để chuẩn bị tâm lý.
- Nếu bạn đang có kinh hoặc đang mang thai, vui lòng thông báo cho nhân viên hoặc bác sĩ trực tiếp thực hiện gói sức khỏe mà bạn đã đặt dịch vụ khám.
- Cuối cùng, hãy chuẩn bị các giấy tờ cá nhân để đăng ký như Căn cước công dân, thư giới thiệu từ công ty hoặc thẻ nhân viên của bạn. Bạn có thể làm điều này vào đêm hôm trước để tránh mọi rắc rối vào buổi sáng của cuộc hẹn.
Bác sĩ có trao đổi với tôi về kết quả xét nghiệm không?
Có, bạn có thể yêu cầu bác sĩ đánh giá sau khi có kết quả các xét nghiệm khám sàng lọc. Trong quá trình đánh giá, đừng ngần ngại đặt câu hỏi hoặc làm rõ với bác sĩ để hiểu rõ hơn về kết quả của bạn. Một số câu hỏi bạn có thể muốn cân nhắc hỏi là:
- Kết quả xét nghiệm có bình thường không?
- Tôi có cần xét nghiệm bổ sung gì không?
- Tôi có thể làm gì để giữ sức khỏe?
- Khi nào tôi nên đi khám sức khỏe lần tiếp theo?
![6 câu hỏi quan trọng về khám sàng lọc sức khỏe được chuyên gia giải đáp 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/6_cau_hoi_quan_trong_ve_kham_sang_loc_suc_khoe_duoc_chuyen_gia_giai_dap_1_fd35417a76.jpg)
Nếu phát hiện mối lo ngại về sức khỏe trong quá trình kiểm tra sức khỏe của bạn, đừng lo lắng, bạn sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng, tận tình về các bước cần thực hiện. Bạn có thể được bác sĩ tư vấn sự quan trọng và cần thiết các xét nghiệm bổ sung hoặc được giới thiệu đến một chuyên gia để cùng bạn giải quyết vấn đề.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sức khỏe của mình và phát hiện sớm các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bạn. Sẽ không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu lịch thăm khám sức khỏe định kỳ của bạn. Đây cũng là bước đầu tiên giúp bạn luôn duy trì tình trạng sức khỏe tốt của chính bản thân mình. Hãy chọn lựa cho mình gói kiểm tra sức khỏe phù hợp!