Tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không?
Sầu riêng là trái cây có hương vị thơm ngon đặc biệt và dễ gây “nghiện”. Mẹ bầu “nghiện” sầu riêng có thể yên tâm thưởng thức vì trái cây này vừa ngon, vừa lành lại vừa bổ dưỡng. Nhưng sầu riêng cũng có lượng đường không nhỏ. Vì vậy nếu bị đái tháo đường mẹ bầu nên tìm hiểu kỹ tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không?
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Lối sống hiện đại kéo theo vô vàn căn bệnh về rối loạn chuyển hóa. Một trong số đó là bệnh tiểu đường hay đái tháo đường. Bệnh tiểu đường có nhiều dạng như:
- Tiểu đường tuýp 1.
- Tiểu đường tuýp 2.
- Tiểu đường thứ phát.
- Tiểu đường thai kỳ.
Trong đó, bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ phát triển ở nữ giới và phát triển trong thời gian họ mang thai. Những phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang bầu không được gọi là tiểu đường thai kỳ.
Bệnh lý tiểu đường thai kỳ thường phát triển trong giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Với những thai phụ chưa có tiền sử tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm đường huyết vào khoảng tuần thai thứ 24 đến tuần thai thứ 28. Việc này sẽ được làm sớm hơn với những thai phụ từng có tiền sử mắc bất cứ dạng tiểu đường nào.
![tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_sau_rieng_duoc_khong_4_dd1b295d78.jpg)
Theo các các sĩ, ngưỡng đường huyết để chẩn đoán thai phụ có bị mắc tiểu đường thai kỳ hay không thấp hơn nhiều so với người không mang bầu. Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, mẹ bầu được chẩn đoán đái tháo đường khi:
- Chỉ số glucose đói từ 5,1 mmol/l trở lên.
- Chỉ số glucose sau 1h từ 10 mmol/l trở lên.
- Chỉ số glucose sau 2h từ 8,5 mmol/l trở lên.
Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng và hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cả mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, khi biết mình mắc căn bệnh này, mẹ bầu cần áp dụng cách điều trị tiểu đường thai kỳ càng sớm càng tốt. Một trong số đó là ăn có chọn lọc. Vậy tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không?
Lợi ích của sầu riêng với sức khỏe
Cơm trái sầu riêng chín cung cấp nhiều protein, chất béo, chất xơ, chất bột đường, natri, vitamin A, canxi, photpho... Loại trái cây này tốt cho sức khỏe mọi người nói chung và sức khỏe bà bầu nói riêng. Có thể kể đến những lợi ích nổi bật nhất của trái sầu riêng như:
- Chất béo không bão hòa đơn trong cơm sầu riêng là loại chất béo lành mạnh. Nó có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Từ đó, nó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Kali trong sầu riêng giúp ổn định và cân bằng huyết áp. Nguyên tố vi lượng này có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ cho các mẹ bầu.
- Hoạt chất tryptophan có trong sầu riêng khi vào cơ thể được chuyển hóa thành serotonin. Đây là hoạt chất có tác dụng giảm stress, cải thiện tâm trạng hiệu quả. Tryptophan cũng giúp hình thành hormone melatonin có tác dụng giảm triệu chứng khó ngủ, mất ngủ ở mẹ bầu.
- Hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú của sầu riêng cùng với các chất chống oxy hóa có tác dụng tăng cường miễn dịch cơ thể.
- Chất xơ trong sầu riêng hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Vitamin B1 và B3 giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Với mẹ bầu bị giảm cân trong thai kỳ, các chất này có tác dụng kích thích ăn ngon miệng.
- Photpho, các vitamin nhóm B và canxi trong sầu riêng giúp phòng ngừa loãng xương ở mẹ. Đồng thời các chất này cũng rất có lợi cho quá trình phát triển hệ xương, răng của trẻ.
- Trong cơm sầu riêng cũng có chất Thiamin và niacin giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy hơi và táo bón - tình trạng khá thường gặp ở mẹ bầu.
![tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_sau_rieng_duoc_khong_1_155c17774b.jpg)
Tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không?
Tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không? Câu trả lời là có, nhưng mẹ bầu phải cực kỳ lưu ý việc kiểm soát về lượng. Tuy có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng ăn nhiều sầu riêng không tốt cho mẹ bầu đang bị tăng cân quá mức hoặc mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Lý do là:
- Sầu riêng cung cấp khá nhiều năng lượng. 600g Sầu riêng có thể cung cấp khoảng 900 calo (trong khi lượng calo khuyến nghị của cơ thể từ 1200 - 2400 calo đối với người tiểu đường).
- Lượng đường glucose và fructose trong sầu riêng khá cao. Chỉ số đường huyết của loại thực phẩm này lên đến 70 (trên thang 100). Khi ăn sầu riêng, đường huyết trong cơ thể mẹ bầu có thể gia tăng đột ngột.
- Sầu riêng có tính nóng, ăn nhiều sầu có thể gây táo bón, nhiệt miệng do nóng trong.
- Sầu riêng kết hợp các loại đồ uống có cồn dễ gây cảm giác nôn nao, đầy hơi, khó tiêu...
Bị tiểu đường thai kỳ không nên ăn nhiều sầu riêng
Tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng thế nào cho an toàn?
Ngoài việc tìm hiểu tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không, mẹ bầu cũng nên tìm hiểu cách ăn sầu riêng an toàn. Các bác sĩ thường lưu ý mẹ bầu bị đái tháo thường những điều sau:
- Mẹ bầu bị tiểu đường chỉ nên tiêu thụ khoảng 100g sầu riêng mỗi tuần. Nếu ăn nhiều hơn, đường huyết của mẹ sẽ khó kiểm soát.
- Khi ăn sầu riêng, mẹ bầu nên tránh ăn cùng các loại trái cây hay thực phẩm có nhiều đường và tinh bột khác.
- Những ngày ăn sầu riêng, mẹ bầu nên cắt giảm lượng calo và đường từ những thực phẩm còn lại trong thực đơn.
- Sầu riêng nên được ăn vào các bữa phụ, cách bữa chính khoảng 2 tiếng. Nếu có thể mẹ nên ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa một lượng nhỏ. Việc này sẽ giúp giảm tình trạng tăng đường huyết đột ngột.
- Sau khi ăn sầu riêng, mẹ bầu có thể kiểm tra đường huyết. Nếu thấy đường huyết tăng nhanh chóng, mẹ bầu cần điều chỉnh lại cách ăn của mình sao cho khoa học.
Với câu hỏi tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không, câu trả lời của chuyên gia dinh dưỡng là có nhưng cần hạn chế. Ngoài lựa chọn thực phẩm và điều chỉnh chế độ ăn, mẹ bầu có thể tham vấn ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các thực phẩm chức năng hỗ trợ tiểu đường. Chúc mẹ bầu và bé yêu khỏe mạnh trong suốt thai kỳ!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp