Tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không?
Lựu là một loại trái cây dinh dưỡng tốt cho sức khỏe mọi người nói chung và bà bầu nói riêng. Các bà bầu còn “rỉ tai” nhau thông tin ăn lựu để em bé có má lúm đồng tiền. Thông tin dù không có cơ sở khoa học nhưng vì trái lựu chín vừa ngon lại vừa lành nên chẳng ai muốn từ chối. Nhưng lựu có vị ngọt thanh, bị tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không là thắc mắc của nhiều mẹ bầu.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Các dạng bệnh tiểu đường
Tiểu đường thai kỳ là một trong 4 dạng của bệnh tiểu đường gồm:
- Tiểu đường tuýp 1: Là bệnh tiểu đường gây ra bởi nguyên nhân thiếu hụt insulin tuyệt đối do tế bào beta tụy - tế bào sản xuất insulin - bị phá hủy.
- Tiểu đường tuýp 2: Là bệnh tiểu đường gây ra do tế bào beta tuyến tụy bị giảm chức năng. Bệnh tiến triển từ việc đề kháng insulin.
- Tiểu đường thứ cấp: Là dạng bệnh tiểu đường sơ sinh, tiểu đường phát.
- Tiểu đường thai kỳ: Là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai, trước đó thai phụ chưa từng bị tiểu đường.
Tiểu đường thai kỳ khác các dạng tiểu đường còn lại ở chỗ:
- Bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ.
- Bệnh chỉ phát triển trong giai đoạn mang thai (thường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa đến 3 tháng cuối thai kỳ).
- Bệnh có thể tự khỏi sau sinh 1 - 3 tháng hoặc diễn tiến thành tiểu đường tuýp 2.
Tuy nhiên, điểm giống của đái tháo đường thai kỳ so với những loại còn lại là những biến chứng khó lường cho mẹ bầu và thai nhi. Thậm chí, biến chứng tiểu đường có thể xuất hiện khi em bé trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, con có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 khi 17 tuổi - 29 tuổi.
![tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_luu_duoc_khong_2_a201dcdb69.jpg)
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường nói chung và tiểu đường thai kỳ nói riêng là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Nguyên nhân gây ra do cơ thể sản xuất không đủ insulin để chuyển hóa hết đường trong máu thành năng lượng, dẫn đến dư thừa đường huyết.
Dù tiểu đường thai kỳ có thể tự khỏi sau sinh, nhưng 2% - 10% phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ tiếp tục bị tiểu đường tuýp 2 sau sinh. Khoảng 50% phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ bị tiểu đường tuýp 2 sau 5 - 10 năm. Trong quá trình mang thai, mẹ bầu và thai nhi phải đối mặt với nhiều nguy cơ thường trực.
Để phòng ngừa biến chứng trong thai kỳ và nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 trong tương lai, mẹ bầu nên tìm hiểu tiểu đường thai kỳ nên kiêng ăn gì để xây dựng thực đơn khoa học. Là một loại trái cây được nhiều mẹ bầu yêu thích nhưng lựu lại có vị ngọt. Vì vậy, nhiều mẹ bầu muốn biết tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không?
Lợi ích của trái lựu với sức khỏe bà bầu
Lợi ích của lựu với mẹ bầu
Một số lợi ích của trái lưu đối với mẹ bầu như sau:
- Lựu giúp ổn định huyết áp, phòng ngừa chứng cao huyết áp thai kỳ thường gặp ở phụ nữ mang bầu. Lựu được mệnh danh là một trong những loại trái cây tốt nhất cho bệnh nhân cao huyết áp.
- Lượng vitamin C dồi dào trong trái lựu hỗ trợ hấp thu chất sắt từ các nguồn thực phẩm khác. Vitamin C cũng giúp nâng cao miễn dịch của mẹ.
- Các chất chống oxy hóa trong lựu bảo vệ mẹ khỏi nhiễm nấm, nhiễm trùng, bệnh tim mạch và cải thiện làn da bị thâm sạm hay bị rạn.
- Tình trạng táo bón rất thường gặp ở bà bầu. Chỉ cần ăn nửa chén lựu là mẹ bầu có thể đáp ứng 1/5 nhu cầu chất xơ mỗi ngày và không còn lo táo bón.
- Lựu giàu chất sắt nên có thể giúp mẹ bầu phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt.
- Nhiều nghiên cứu cho thấy nước ép lựu có tác dụng ngăn ngừa biến chứng sinh non hoặc tiền sản giật.
- Chất chống oxy hóa punicalagins trong lựu được chứng minh có tác dụng làm giảm viêm đường tiêu hóa, ung thư đại tràng và ung thư vú.
- Lựu cũng có tác dụng giúp mẹ bầu cải thiện trí nhớ, phòng chống bệnh Alzheimer.
- Kali có khá nhiều trong lựu. Vi chất này ngoài điều chỉnh huyết áp còn có thể giảm tình trạng chuột rút rất thường gặp ở mẹ bầu.
![tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_luu_duoc_khong_1_098cc63e05.jpg)
Lợi ích của lựu với thai nhi
Nhiều mẹ bầu quan tâm tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không còn bởi loại trái cây này rất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Cụ thể là:
- Các chất chống oxy hóa có trong trái lựu có thể bảo vệ mô não trẻ, giảm nguy cơ trẻ gặp phải các vấn đề liên quan đến não bộ do giảm cung cấp oxy.
- Mẹ bầu ăn lựu cũng giúp giảm nguy cơ trẻ bị nhẹ cân khi sinh hoặc bị sinh non.
- Lựu có những hoạt chất giúp đường kính động mạch tăng lên. Vì thế việc cung cấp dưỡng chất cho thai nhi qua máu thuận lợi hơn.
- Một cốc nước ép lựu cung cấp 60mg folate tự nhiên. Chất này giúp phòng ngừa dị tật bẩm sinh và khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi.
- Một cốc nước lựu cung cấp 26,1 mcg vitamin K - cực có ích trong quá trình phát triển hệ xương và răng của bé.
Tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không?
Với câu hỏi tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không? Câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng là có. Lý do là:
- Lựu là thực phẩm có chỉ số đường huyết 18, rất lý tưởng để bổ sung vào thực đơn của mọi bà bầu. Lựu có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate. Vì thế, nó làm giảm đường hấp thụ vào máu và không làm đường huyết tăng đột ngột.
- Chất chống oxy hóa thuộc nhóm ellagitannin có trong trái lựu được các nhà khoa học chứng minh có tác dụng làm giảm đường trong máu.
- Các hoạt chất có trong lựu cải thiện chức năng của các tế bào beta tụy - các tế bào có nhiệm vụ sản sinh insulin. Lựu cũng làm giảm tình trạng kháng insulin, giúp tế bào sử dụng insulin hiệu quả hơn. Từ đó, đường huyết được sử dụng tốt hơn.
- Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, các hợp chất (acid punicalagin, gallic, uallic, ellagic, ursolic, oleanolic) và các chất chống oxy hóa (anthocyanin, tanin) trong lựu có thể kiểm soát tốt tiểu đường tuýp 2. Vì thế nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mẹ bầu mắc tiểu đường tuýp 2 sau khi mắc tiểu đường thai kỳ.
- Các vấn đề về huyết áp và tim mạch thường là biến chứng dễ gặp ở mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhận thấy lựu có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu LDL. Nhờ đó, nó giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch hiệu quả.
![tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_luu_duoc_khong_3_96dc6951f2.jpg)
Tiểu đường thai kỳ cần lưu ý gì khi ăn lựu?
Không những có thể ăn lựu, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể ăn loại trái cây này vào bất cứ thời điểm nào khi mang thai. Tuy nhiên, có một số lưu ý mẹ cần nhớ như:
- Nếu ăn lựu, mẹ cần điều chỉnh thực đơn để đảm bảo lượng Carbohydrate nạp vào cơ thể mỗi bữa chỉ khoảng 45 - 60g. Bởi lựu cũng cung cấp Carbohydrate.
- Trong ngày, lượng ăn lựu phù hợp cho mẹ bầu là từ 1 - 2 trái hoặc 50ml nước ép lựu.
- Thời điểm tốt nhất để ăn lựu là sau bữa chính khoảng 1 - 2 tiếng để cơ thể hấp thu tốt nhất.
- Mẹ bầu đang sử dụng các thuốc giảm loãng máu, thuốc trị huyết áp, statin hay thuốc ức chế ACE cần lưu ý khi ăn lựu. Lựu có thể tương tác với các loại thuốc này.
- Mẹ bầu có thể ăn hạt lựu. Nhưng việc này có thể gây nguy cơ tắc ruột với những mẹ bầu bị táo bón nặng. Cách ăn phù hợp nhất là bỏ hạt mẹ nhé!
Bài viết trên hy vọng giúp các bạn giải đáp được câu hỏi "Tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không?". Qua đó, có thể thấy được các lợi ích mà lựu mang đến cho sức khỏe, mẹ bầu có thể yên tâm chế biến nhiều món ăn với lựu như: Ăn trực tiếp, nước ép lựu, làm salad, làm bánh với lựu... Chúc mẹ và bé luôn khỏe với loại trái cây ngon và lành này!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp