Thắc mắc: Bị ù tai uống thuốc gì thì hiệu quả?
Một số trường hợp bị ù tai sẽ có thể tự khỏi, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, việc dùng thuốc để trị ù tai cũng cần phải được cân nhắc và tốt nhất là nên đọc kĩ thông tin và uống theo chỉ định của bác sĩ.
Khi nào nên dùng thuốc trị ù tai?
Ù tai đôi khi không phải bệnh lý mà chỉ là triệu chứng báo hiệu một vấn đề sức khỏe nào đó. Trong một số trường hợp, căng thẳng, mệt mỏi cũng có thể gây ù tai. Lúc này chỉ cần người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống điều độ thì ù tai sẽ tự khỏi sau vài ngày.
Tuy nhiên, đa số các trường hợp ù tai thường kéo dài liên tục, tiếng kêu còn to và rõ hơn khi về đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tâm lý và cuộc sống. Trong những tình huống như vậy, người bị ù tai cần sử dụng thuốc và tìm cách điều trị, khắc phục bệnh càng sớm càng tốt.
Lưu ý rằng không được phép tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị ù tai khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Vì trong một số trường hợp, nếu bạn dùng thuốc không đúng cách thì bạn có thể bị ù tai nặng hơn.
Các loại thuốc tây y trị ù tai hiện nay
Thực tế, không có một loại thuốc cụ thể nào điều trị chính xác chứng ù tai mà chỉ điều trị nguyên nhân gây ù tai. Các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giúp làm giảm nhẹ tình trạng này của bệnh nhân. Thuốc trị ù tai trong tây y được dùng phổ biến hiện nay gồm:
Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu
Các loại thuốc thường được sử dụng để giảm triệu chứng ù tai do người bệnh bị căng thẳng. Đây là những thuốc thần kinh điều trị các vấn đề hành vi liên quan đến chứng ù tai. Những loại thuốc này sẽ hỗ trợ làm bệnh nhân giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm, từ đó giảm gánh nặng tâm lý, triệu chứng ù tai cũng dần được cải thiện.
Bởi vì có một vòng tròn liên kết giữa cảm xúc tiêu cực và chứng ù tai (ù tai gây mất ngủ lo lắng và lo lắng làm nặng thêm tình trạng ù tai). Vậy bị ù tai dùng thuốc gì?
Các loại thuốc tây y phổ biến được sử dụng liên quan đến chứng ù tai do stress như:
- Clomipramine (Anafranil);
- Desipramine (Norpramin);
- Imipramine (Tofranil);
- Nortriptyline (Pamelor);
- Protriptyline (Vivactil).
Thuốc chống lo âu thường được dùng là:
- Alprazolam (Xanax);
- Clonazepam (Klonopin);
- Diazepam (Valium);
- Lorazepam (Ativan).
Một số thuốc khác dùng để trị ù tai
Bên cạnh các loại thuốc chống trầm cảm và lo lắng nói trên, trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê thêm các thuốc kháng histamin, thuốc chống co giật, thuốc gây mê và thậm chí cả thuốc chống rượu để điều trị triệu chứng ù tai.
Trị ù tai bằng những bài thuốc Đông y
Bên cạnh thuốc trị ù tai tây y thì chữa ù tai bằng những bài thuốc Đông y cũng có tác dụng nhất định. Một số bài thuốc Đông y trị ù tai bạn có thể tham khảo như:
- Bài 1: 12g liên kiều, 12g tang diệp, 8g chi tử, 8g cúc hoa, 8g mẫu đơn bì, 8g xuyên tiêu, 10g quả lâu bì, sắc lấy nước uống. Bài thuốc này trị tai ù ở người bị ù tai mất ngủ, miệng đắng, rêu lưỡi vàng.
- Bài 2: 8g xương bồ, 12g sài hồ, 12g mộc hương, 12g xuyên khung, 12g tô diệp, 10g ô dược, 10g thanh bì, 10g đại phúc bì, sắc lấy nước uống. Bài thuốc phù hợp với người thỉnh thoảng ù tai, cơ thể mệt mỏi , hơi thở ngắn và thính lực suy yếu.
- Bài 3: 6g lộc nhung, 6g từ thạch, 12g ba kích, 12g bạch thược, 12g đương quy, 12g độc hoạt, nhục thung dung, nhục quế, ngũ vĩ mỗi thứ 8g, đỗ trọng 16g và mẫu lệ 10g. Đem tán bột tất cả nguyên liệu rồi luyện thành viên hoàn để uống. Bài thuốc phù hợp với người bị ù tai lâu năm, thính lực giảm, cơ thể mệt mỏi, chân tay lạnh, đau lưng mỏi gối,...
Thuốc trị ù tai có gây ra tác dụng phụ không?
Bên cạnh tác dụng có ích cho sức khoẻ thì một số loại thuốc cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, tuỳ cơ địa mỗi người mà ảnh hưởng do tác dụng phụ không giống nhau và nếu bạn dùng thuốc quá lâu cũng sẽ gặp một số tác dụng bất lợi. Một trong số các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc trị ù tai như: Mệt mỏi, cảm thấy buồn nôn, khô miệng.
Hơn nữa, bị ù tai nên uống thuốc gì cũng tuỳ thuộc vào cơ địa của bạn. Bạn cũng có thể gặp tương tác thuốc trong quá trình dùng thuốc trị ù tai từ nhẹ cho đến nặng. Do đó người bệnh không được tự ý mua và sử dụng thuốc mà phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, cần dùng thuốc được kê toa và phù hợp tình trạng bệnh lý bản thân.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị ù tai
Khi sử dụng thuốc trị ù tai người bệnh nên chú ý một số điều sau:
- Không tự tiện mua và dùng thuốc.
- Dùng đúng thuốc, đúng liều và tuân theo thời gian điều trị được bác sĩ chỉ định.
- Thường xuyên theo dõi những phản ứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc. Nếu có dấu hiệu lạ phải đến gặp bác sĩ ngay.
- Xây dựng thực đơn đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình uống thuốc.
- Uống đủ nước mỗi ngày. Chăm tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
- Tránh xa các chất kích thích như cà phê, bia rượu,...
- Hạn chế stress, lo âu và nên học cách thư giãn, thả lỏng bản thân.
- Hạn chế đến nơi có tiếng ồn lớn.
Trên đây là một số thông tin về những loại thuốc có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu triệu chứng ù tai cũng như một số lưu ý khi dùng thuốc. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên, quý độc giả có thể biết được bị ù tai thì uống thuốc gì cũng như biện pháp dùng thuốc đúng đắn.
Tóm lại, muốn dùng thuốc trị ù tai thì phải cần có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị vì có thể không khỏi mà còn khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Như Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp