Suy dinh dưỡng bào thai: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai còn cao ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ này vào khoảng 10 - 20% và đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Bài viết này sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng quan và hiểu biết đúng về suy dinh dưỡng bào thai.

Suy dinh dưỡng bào thai là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, suy dinh dưỡng bào thai được định nghĩa là những trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng dưới 2500g. Một trẻ sơ sinh bình dưỡng thường có cân nặng >3000g, trung bình khoảng 3300g. Cân nặng là một chỉ số nhân trắc học được đo thường quy ở trẻ sơ sinh, vì vậy việc phát hiện suy dinh dưỡng bào thai khi trẻ chào đời là không khó.

Suy dinh dưỡng bào thai: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 1
Trẻ suy dinh dưỡng bào thai

Nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng bào thai

Sự phát triển tối đa về chiều cao và cân nặng trong tử cung của thai nhi chủ yếu trong tam cá nguyệt thứ 3. Vì vậy, những yếu tố ảnh hưởng đến dinh dưỡng của mẹ, sự trao đổi chất giữa mẹ và thai trong thai kỳ đặc biệt là 3 tháng cuối có tác động không nhỏ tới cân nặng lúc sinh của trẻ.

Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ mang thai đóng vai trò quyết định tình trạng dinh dưỡng của thai, vì các chất cần cho sự phát triển của bào thai đều được lấy từ bà mẹ qua nhau thai. Nhờ mối liên hệ đó,người ta có thể theo dõi tốc độ phát triển trong bào thai thông qua mức tăng cân của mẹ. Trung bình trong thai kỳ đơn thai một bà mẹ thường tăng từ 9 đến 11kg, nêu mức tăng này dưới 9 kg thì nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân sẽ cao hơn.

Làm các công việc chân tay nặng nhọc hoặc nghỉ ngơi không hợp lý trong thai kỳ cũng tác động không tốt tới tốc độ tăng trưởng của thai.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như tuổi mẹ quá trẻ (dưới 20) hay quá lớn (trên 35), số lần sinh nhiều, khoảng cách giữa các lần sinh ngắn, số lần khám thai ít và những bệnh lý của mẹ cũng là nguy cơ của suy dinh dưỡng bào thai. Một số bệnh lý của mẹ ảnh hưởng đến cân nặng lúc sinh được biết đến như nhiễm virus Rubella, sởi, thủy đậu, viêm gan C, mắc bệnh giang mai, viêm âm đạo do E. coli. Những bệnh lý này ngoài gây ảnh hưởng tới cân nặng lúc sinh còn gây ảnh hưởng tới các sự phát triển và chức năng các cơ quan khác của trẻ.

Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng bào thai

Cân nặng lúc sinh thấp gây ảnh hưởng đến trẻ không chỉ ở những năm đầu của sự sống mà đôi khi là tất cả các giai đoạn của cuộc đời.

Trong giai đoạn sớm, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như: Hạ oxy máu, hạ thân nhiệt, khó khăn trong việc cho ăn, dễ nhiễm trùng, suy hô hấp, xuất huyết não, rối loạn tiêu hóa... Đây là những tình trạng xảy ra cấp tính có thể để lại di chứng nặng nề về lâu dài nên cần theo dõi sát và phát hiện kịp thời, đặc biệt ở những trẻ với cân nặng rất thấp.

Phần lớn trẻ em có cân nặng khi sinh thấp dễ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn nhũ nhi và mắc các bệnh nhiễm trùng.

Ở giai đoạn sau, suy dinh dưỡng bào thai có thể gây ra các bệnh về nội tiết - chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì. Trẻ nhẹ cân còn dễ mắc các bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính. Ở tuổi trưởng thành, cân nặng lúc sinh thấp có thể gây ra chậm phát triển trí tuệ, giảm khả năng học tập và lao động, vì vậy suy dinh dưỡng bào thai gây ảnh hưởng lâu dài tới kinh tế và đời sống tinh thần của trẻ, gia đình và đôi khi tăng gánh nặng của xã hội.

Làm thế nào để chẩn đoán suy dinh dưỡng bào thai

Suy dinh dưỡng bào thai có thể được phát hiện sớm trong thai kỳ qua các lần khám thai. Bằng các chỉ số bề cao tử cung, vòng bụng, tuổi thai, sự tăng cân của bà mẹ và đo trọng lượng thai bằng siêu âm, các bác sĩ sản khoa có thể biết được liệu sự phát triển về thể chất của trẻ có đảm bảo không. Vì vậy khám thai định kỳ là hết sức cần thiết giúp phát hiện sớm các thai kỳ chậm phát triển và các vấn đề khác để có biện pháp can thiệp kịp thời. Việc phát hiện sớm tình trạng chậm phát triển của thai cùng với các biện pháp điều trị kịp thời đôi khi giúp cho trẻ khi ra đời không còn suy dinh dưỡng nữa.

Suy dinh dưỡng bào thai được chẩn đoán và phân loại mức độ nặng dựa vào chủ yếu 3 chỉ số: Cân nặng, chiều cao, vòng đầu. Tất cả các trẻ sinh ra tại bệnh viện đều được đo các chỉ số này và đánh giá tình trạng dinh dưỡng sau khi chào đời.

Suy dinh dưỡng bào thai: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 2
Chẩn đoán suy dinh dưỡng bào thai

Chế độ điều trị và chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai

Khi phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, các bác sĩ sẽ thiết lập một chế độ chăm sóc và điều trị toàn diện cho trẻ, chế độ này sẽ được cá nhân hóa cho phù hợp với từng trẻ.

Chế độ điều trị có thể bao gồm:

  • Ủ ấm, da kề da đặc biệt theo phương pháp Kangaroo.
  • Giữ vệ sinh cho trẻ đặc biệt vùng rốn, giữ vệ sinh khi chăm sóc trẻ, khi nuôi ăn, cho bú.
  • Cho trẻ bú mẹ sớm <1 giờ, tốt nhất, 30 phút sau sinh và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
  • Bổ sung thêm các vitamin A, D, khoáng chất.
  • Phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng như hạ đường huyết, hạ canxi máu, hạ thân nhiệt vì đây là những tình trạng nặng đôi khi để lại di chứng suốt đời.

Bà mẹ cần kiên trì và tuân thủ đúng theo chế độ điều trị mà các bác sĩ đưa ra để đạt được kết quả tốt.

Suy dinh dưỡng bào thai: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 3
Phương pháp ủ ấm kangaroo

Suy dinh dưỡng bào thai là một bệnh có thể dự phòng được. Trong thai kỳ, bà mẹ cần ăn uống đủ và cân đối các nhóm chất, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng. Các bà mẹ nên thường xuyên theo dõi cân nặng trong thai kỳ, cần tăng ít nhất 9kg đối với trường hợp đơn thai. Bên cạnh việc bổ sung đủ sắt, acid folic, canxi, trong thai kỳ bà mẹ cần tránh sử dụng các chất kích thích, tránh các căng thẳng mệt mỏi. Đi khám thai định kỳ đúng theo lịch trình là một trong những biện pháp đơn giản và hiệu quả trong phát hiện thai chậm phát triển.



Chat with Zalo