Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không? Cách phòng tránh như thế nào?
Người mẹ lúc mang thai vì không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất nên sức khỏe thai kỳ yếu hơn bình thường. Cùng tìm hiểu xem suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không qua bài viết dưới đây nhé.
Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng thiếu dưỡng chất xảy ra sớm nhất, ngay trong giai đoạn mang thai của người mẹ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sự trưởng thành và phát triển của bé sau này.
Bạn cũng nên biết rằng, cấu trúc và chức năng não bộ của bé phát triển mạnh trong tháng 3 tháng cuối thai kỳ đến khi hoàn thiện hoàn toàn vào năm 3 tuổi. Vì vậy, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ trong đoạn này giúp hỗ trợ bé phát triển trí não, nhanh nhẹn và thông minh hơn.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai
Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không, cùng điểm qua một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp:
Tuổi tác và sức khỏe của người mẹ
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và tỷ lệ sinh con ra khỏe mạnh ở phụ nữ. Khi tuổi mẹ quá cao, khả năng vận chuyển cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi bị yếu, làm tăng nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi.
Nếu khi mang thai người mẹ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, sẽ cực kỳ nguy hiểm do đây là giai đoạn hình thành các cơ quan trong cơ thể. Các tác nhân có hại có từ cơ thể người mẹ xâm nhập đến thai nhi qua nhau thai, gây ra các khuyết tật bẩm sinh và suy dinh dưỡng thai kỳ.
Dinh dưỡng của người mẹ
Nhau thai trực tiếp kết nối, cung cấp dinh dưỡng và oxy từ mẹ nuôi dưỡng bé. Do đó, chế độ ăn của mẹ trong lúc mang thai là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Giai đoạn mang thai người mẹ nên ăn đa dạng các chất dinh dưỡng như tinh bột, protein, chất béo. Bổ sung thêm các yếu tố vi lượng như vitamin và khoáng chất, dùng chỉ một lượng nhỏ thôi như đây đều là những yếu tố rất quan trọng.
- Thiếu axit folic: Bé sinh ra mắc dị tật ống thần kinh, tật hở hàm ếch và phát triển não bộ không toàn diện.
- Thiếu vitamin D: Dễ sinh non, hệ xương khớp của bé yếu, mọc răng chậm, chu vi vòng đầu nhỏ và hệ miễn dịch hoạt động kém.
- Thiếu sắt: Cả mẹ và trẻ sẽ bị thiếu máu, không đủ các tế bào máu cung cấp oxy nuôi bào thai nên trẻ sẽ càng bị suy dinh dưỡng thai kỳ nặng hơn.
- Thiếu canxi: Khiến mẹ và bé có nguy cơ cao bị tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, trẻ chậm phát triển răng và xương khớp.
- Thiếu i-ốt: Khiến triển dễ bị rối loạn nội tiết tố tuyến giáp, nguy cơ suy giáp, chậm phát triển trí tuệ.
- Thiếu DHA: Ảnh hưởng đến thị lực và chức năng não bộ của bé, trẻ kém phát triển trong khả năng ghi nhớ và học tập.
![Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không 02](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/suy_dinh_duong_bao_thai_co_nguy_hiem_khong_02_fcdac0bf5d.jpg)
Mẹ lao động nặng nhọc khi mang thai
Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ phải dành phần lớn năng lượng cho thai nhi tăng trưởng, cũng như tích lũy sữa cho con bú. Vì thế, trong quá trình mang thai mẹ không nên lao động nặng nhọc, mà nên dành thời gian nghỉ ngơi hoặc chỉ hoạt động những bài tập nhẹ nhàng.
Nhận biết các dấu hiệu của suy dinh dưỡng trong thai kỳ
Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng thai nhi sinh ra với cân nặng nhẹ hơn 2,5 kg với bé trai và nhẹ hơn 2,4 kg với bé gái, có thể phát hiện sớm các dấu hiệu thiếu dưỡng chất thông qua khám thai định kỳ bằng các phương pháp dưới đây.
Phương pháp siêu âm thai nhi
Các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ thực hiện siêu âm để đo các chỉ số về chiều dài và trọng lượng ước tính của thai nhi. Sau đó, các bác sĩ sẽ đối chiếu các chỉ số cân nặng và chiều cao với bảng tăng trưởng thai nhi chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp. Nếu trọng lượng và kích thước thai nhỏ hơn các số trung bình được ghi trong bảng, có nghĩa là thai nhi có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thai kỳ.
Phương pháp đo khoảng cách giữa tử cung đến xương mu
Sau tuần thai kỳ thứ 20, nếu khoảng cách từ giữa đỉnh tử cung của người mẹ đến xương mu (tính bằng đơn vị cm) bằng với số tuần của thai kỳ, đây là dấu hiệu cho thấy một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu ghi nhận được số đo thấp hơn với dự kiến, đây có thể là một dấu hiệu của suy dinh dưỡng.
![Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không 03](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/suy_dinh_duong_bao_thai_co_nguy_hiem_khong_03_86581aaf7c.jpg)
Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không?
Để trả lời cho câu hỏi "suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không?" thì đây là tình trạng suy dinh dưỡng rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe cho bé sau này.
Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hơn
Chức năng hệ miễn dịch của trẻ không được hoàn thiện trong bào thai có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch ở trẻ. Từ đó trẻ sẽ nhạy cảm hơn trước các đợt tấn công của vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng. Chức năng bảo vệ của da và hệ hô hấp cũng giảm sút. Tất cả những điều trên dẫn đến trẻ dễ mắc phải các bệnh như quáng gà, khô mắt, nhiễm trùng hô hấp và rối loạn tiêu hóa.
Trẻ sẽ chậm phát triển cân nặng và chiều cao
Trẻ em bị suy dinh dưỡng thai kỳ khi sinh ra thường trông ốm yếu, cơ thể gầy gò và phát triển chiều cao rất chậm. Bạn có thể đối chiếu cân nặng và chiều cao của trẻ qua công thức tính suy dinh dưỡng để xác định mức độ suy dinh dưỡng của trẻ.
Để phần nào thay đổi tình trạng này ở trẻ, tốt nhất là người mẹ nên bổ sung đầy đủ và đa dạng các dưỡng chất nhằm cung cấp dinh dưỡng qua sữa cho trẻ. Mẹ cần nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, bú nhiều lần trong cả ngày và đêm. Đến tháng thứ 7, trẻ bắt đầu tập ăn dặm nhưng phải có một lộ trình thực đơn khoa học được xây dựng từ các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, nhưng vẫn tiếp tục cho việc bú sữa mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Trẻ có thể chịu các biến chứng thần kinh
Một số trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng thể nhẹ, với chế độ ăn uống và chăm sóc tốt thì trẻ hoàn toàn có thể phục hồi và phát triển bình thường sau 1 - 2 năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị chậm phát triển về khả năng học tập và xuất hiện các di chứng tâm thần. Người mẹ cần phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường ở trẻ và phối hợp với bác sĩ để có cách điều trị thích hợp.
![Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không 04](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/suy_dinh_duong_bao_thai_co_nguy_hiem_khong_04_e41a03e9c4.jpg)
Cách phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai
Vậy là bạn đã biết được suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không. Suy dinh dưỡng bào thai chủ yếu đến từ việc người mẹ không bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Để phòng ngừa trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, các mẹ bầu hãy lưu ý các điều sau đây:
- Có kế hoạch sinh nở cụ thể và tái khám thai thường xuyên theo lịch hẹn.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng trước khi mang thai, trong thai kỳ và sau khi sinh đẻ.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh các căng thẳng không cần thiết.
- Tránh xa các chất kích thích, môi trường độc hại để bảo vệ mẹ và bé.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc "suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không?". Để phòng ngừa các biến chứng của tình trạng này, tất cả nhờ vào việc bố mẹ chủ động tìm hiểu các kiến thức về dinh dưỡng trong lúc mang thai và sau khi người mẹ sinh nở. Đảm bảo xây dựng một lộ trình dinh dưỡng khoa học để bé có thể phát triển thể chất và trí tuệ toàn diện nhất.