Sỏi thận gây tiểu buốt: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh
Trong số những biến chứng về sỏi tiết niệu thì tình trạng sỏi thận gây tiểu buốt là rất nguy hiểm, chúng gây ảnh hưởng đến chức năng của thận dần bị suy giảm. Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh cần phải có sự can thiệp điều trị kịp thời.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận hay còn được biết đến với tên gọi sạn thận, là một tình trạng bệnh khi các chất khoáng trong nước tiểu tạo thành những tinh thể rắn và lắng đọng tại các vùng như thận, bàng quang, niệu quản... Tinh thể Calci thường là loại tinh thể phổ biến nhất trong sỏi thận. Sỏi thường có kích thước đa dạng, có thể lên tới vài cm.
Sỏi thận thường hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ các chất khoáng tăng trong thận. Khi một hoặc cả hai yếu tố này kéo dài trong thời gian dài, nguy cơ hình thành sỏi thận tăng lên.
![Cách điều trị sỏi thận gây tiểu buốt ở người bệnh 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_dieu_tri_soi_than_gay_tieu_buot_o_nguoi_benh_1_dac80b4cab.jpg)
Với những viên sỏi thận nhỏ, chúng có thể tự thoát ra ngoài cơ thể khi người bệnh đi tiểu. Tuy nhiên, sỏi thận lớn khi di chuyển qua các vùng như thận, niệu quản, bàng quang có thể gây sự cọ xát và tổn thương, thậm chí có thể tắc đường dẫn nước tiểu. Điều này có thể gây ra những tác động không mong muốn và hậu quả không lường trước.
Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt, tiểu rắt?
Các khoáng chất có trong nước tiểu có thể lắng đọng và kết tinh trong hệ tiết niệu trong thời gian dài, tạo thành những viên sỏi có kích thước lớn. Những viên sỏi này thường hình thành trong đường tiết niệu và trở thành nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn.
Khi các viên sỏi này di chuyển trong đường tiết niệu, đặc biệt là những viên sỏi có bề mặt gồ ghề, chúng có thể gây cọ xát và gây tổn thương cho niêm mạc của đường tiết niệu ở nhiều vị trí, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, khiến bạn cảm thấy đau buốt khi đi tiểu.
Các dấu hiệu nhận biết sỏi thận gây viêm đường tiết niệu bao gồm: Cảm giác đau khi tiểu, tiểu rắt, đau ở vùng lưng, tiểu có máu, sốt, và cảm giác ớn lạnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, sỏi có thể gây viêm nhiễm đến thận, gây tình trạng ứ mủ trong thận.
Cách điều trị sỏi thận gây tiểu buốt, tiểu rắt
Hiện tượng sỏi thận gây tiểu buốt, tiểu rắt khiến nhiều bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Do đó, bạn cần phải đi khám ngay để các bác sĩ tiến hành xác định đây có phải là tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu gây ra bởi sỏi thận hay không để có hướng điều trị kịp thời.
Dùng kháng sinh
Kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, và trong quá trình điều trị, việc duy trì vệ sinh cá nhân đúng cách là rất quan trọng. Nếu người bệnh không tuân thủ vệ sinh đúng cách, bệnh có thể tái phát và trở nên nặng hơn, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
![Cách điều trị sỏi thận gây tiểu buốt ở người bệnh 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_dieu_tri_soi_than_gay_tieu_buot_o_nguoi_benh_2_c124e14913.jpg)
Tuy nhiên, việc chọn loại kháng sinh nào, liều lượng và thời gian điều trị sẽ tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể. Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định về việc kê đơn kháng sinh dựa trên đánh giá toàn diện về tình trạng sức khỏe và kết quả xét nghiệm của người bệnh. Vì thế nên, bệnh nhân không tự ý sử dụng kháng sinh mà cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và tránh tình trạng kháng thuốc.
Điều trị sỏi thận
Viêm đường tiết niệu do sỏi yêu cầu điều trị đầy đủ để ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm tái phát nhiều lần. Cách tiếp cận điều trị phụ thuộc vào kích thước của sỏi và có thể bao gồm:
- Đối với sỏi thận có kích thước dưới 2cm: Một phương pháp hiệu quả là tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ mà không cần thực hiện phẫu thuật.
- Đối với sỏi thận lớn hơn 2cm: Phương pháp là sử dụng tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser để phá vỡ và loại bỏ sỏi.
- Đối với sỏi thận ở mọi vị trí và kích thước: Phương pháp tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser là một lựa chọn thường được áp dụng.
Cách phòng ngừa sỏi thận gây tiểu buốt, tiểu rắt
Nhằm giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận và phòng ngừa viêm, nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, người bệnh cần chú ý đến các điều sau:
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để tầm soát các vấn đề liên quan đến sỏi thận cũng như viêm, nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận.
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày để ngăn ngừa sự tạo thành sỏi, tránh tình trạng các chất tạo sỏi tập trung, và ngăn chặn sự phát triển của các mầm bệnh.
- Tuân thủ chế độ ăn uống cân đối và hợp lý, tránh ăn quá nhiều muối, chất béo, đạm động vật và các thực phẩm chứa nhiều oxalat, nhằm ngăn chặn quá trình hình thành sỏi thận.
- Duy trì vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, vệ sinh từ phía trước ra phía sau để tránh vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu, và vệ sinh sau quan hệ tình dục.
- Không nên nhịn tiểu, vì việc này có thể dẫn đến sự ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, gây nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng.
- Thực hiện vận động thể chất hàng ngày để giúp việc đi tiểu dễ dàng hơn, ngăn ngừa sự tạo thành sỏi.
![Cách điều trị sỏi thận gây tiểu buốt ở người bệnh 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_dieu_tri_soi_than_gay_tieu_buot_o_nguoi_benh_3_ab037eb13b.jpg)
Bài viết trên đây là những chia sẻ của Hà An Pharmacy về nội dung tổng quát liên quan đến tình trạng sỏi thận gây tiểu buốt ở người bệnh. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cần thiết hơn về hướng điều trị tình trạng này hiệu quả nhé.