Sơ cứu vết thương ở đầu và những điều cần biết

Khoa phẫu thuật thần kinh luôn là một trong những khoa điều trị bệnh nhân đông nhất. Thống kê này để cho thấy số ca vào viện vì vết thương vùng đầu, chấn thương sọ não rất nhiều. Khi tiếp cận một bệnh nhân có vết thương vùng đầu, có thể chảy máu hoặc không, điều đầu tiên chúng ta có thể làm là nhận định vết thương, sơ cứu và gọi cấp cứu. 

Vết thương vùng đầu rất khó để đánh giá là có đi kèm với chấn thương hay không, bởi vậy tốt nhất là chúng ta hãy cẩn thận từ bước đầu tiên, đừng nên chủ quan bạn nhé!

Vết thương ở đầu là gì?

Vết thương ở đầu là những tổn thương liên quan tới da đầu, hộp sọ và não bộ của bạn. Chúng bao gồm những vết thương mức độ nhẹ như vết sưng, bầm tím, vết rách da tới mức độ nguy hiểm hơn như chấn thương sọ não, chấn động não, dập não, chảy máu não. Hậu quả và cách điều trị mỗi loại vết thương ở đầu là rất khác nhau, chúng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chấn thương cũng như mức độ nghiêm trọng của nó.

Vết thương ở đầu có thể là vết thương kín hoặc hở. Chấn thương đầu kín được định nghĩa là chấn thương mà không vỡ hộp sọ. Vết thương ở đầu hở là khi có một tai nạn trong đó làm rách da đầu, có máu, dịch não tủy hoặc tổ chức não hiển hiện ra bên ngoài.

Sơ cứu vết thương ở đầu 1 Vết thương, chấn thương vùng đầu thường xảy ra trong tình huống tai nạn giao thông

Nguyên nhân gây vết thương ở đầu

Về tổng quan, vết thương ở đầu có thể được chia ra làm hai loại dựa vào nguyên nhân gây ra chúng. Đó có thể là chấn thương ở đầu bởi các tác động lực vào khu vực đó hoặc nguyên nhân là sự rung lắc mạnh.

Chấn thương đầu do rung lắc mạnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ xảy ra đối với người lớn nếu mức độ rung lắc quá dữ dội.

Vết thương ở đầu do tác động lực thường phổ biến trong các trường hợp:

  • Tai nạn giao thông;
  • Ngã;
  • Tấn công vật lý;
  • Tai nạn trong hoạt động thể thao.

Nhận định vết thương vùng đầu 

Đầu là bộ phận chứa số lượng mạch máu lớn hơn bất kỳ khu vực nào của cơ thể, chính vì thế việc chảy máu trên bề mặt hoặc bên trong não đều cần được quan tâm. Dĩ nhiên, không phải vết thương ở đầu nào cũng gây ra hiện tượng chảy máu.

Nhiều triệu chứng gây ra do vết thương ở đầu có thể sẽ không biểu hiện ngay lập tức vậy nên chúng ta cần theo dõi tình trạng cơ thể vài ngày sau khi gặp tai nạn. Một số triệu chứng của vết thương ở đầu nhẹ bao gồm: 

  • Chảy máu da đầu ít, vết thương xây xước nhẹ.
  • Bệnh nhân có cảm giác lâng lâng.
  • Người bệnh đau đầu, có những cảm giác quay cuồng chóng mặt.
  • Buồn nôn, ù tai tạm thời.

Với những vết thương ở đầu nặng hơn, vết thương thường đi kèm với chấn thương sọ não, ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân có thể sẽ có những triệu chứng như:

  • Mất ý thức, co giật, nôn mửa.
  • Khó khăn trong việc giữ thăng bằng cơ thể hoặc thực hiện các hành động phối hợp.
  • Mất phương hướng khi đi lại.
  • Mắt không thể tập trung hoặc có những chuyển động không bình thường.
  • Mất hoặc giảm khả năng kiểm soát cơ bắp.
  • Mất trí nhớ thoáng qua.
  • Đau đầu dai dẳng và dữ dội.
  • Có sự rò rỉ chất lỏng trong suốt từ mũi hoặc tai của bệnh nhân. 
Sơ cứu vết thương ở đầu 2 Điều khó nhất khi sơ cứu vết thương ở đầu là phải nhận định được chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương cổ đi kèm

Sơ cứu vết thương ở đầu 

Chúng ta cần bình tĩnh thực hiện sơ cứu vết thương ở đầu trong trường hợp bắt gặp các tai nạn như sau: 

  • Bước 1: Giữ nạn nhân bất động. Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân trừ khi phải đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Khi di chuyển cần tránh gây di động cổ. Tốt nhất hãy dùng nẹp hoặc kê cân đối 2 vật chẹn lại 2 bên cổ bệnh nhân để cố định. Nếu tổn thương tủy cổ bệnh nhân có thể bị liệt hoàn toàn, khi đó dù can thiệp y tế cũng đã muộn.
  • Bước 2: Gọi cấp cứu ngay lập tức. Những chấn thương tại ở đầu đôi khi nhỏ nhưng cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường. Vết thương bên ngoài nhiều khi rất nhỏ nhưng bên trong có thể chấn thương sọ não, chảy máu nội sọ, khó đánh giá chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng.
  • Bước 3: Cầm máu nếu trong trường hợp có tình trạng chảy máu khu vực đầu. Sử dụng gạc vô trùng và vải sạch để băng ép lên vùng vết thương ở đầu. Nếu có những nghi ngờ về việc nứt vỡ xương sọ thì không được băng ép trực tiếp lên đó.
  • Bước 4: Tiếp tục theo dõi sự thay đổi nhịp thở và ý thức của nạn nhân cho tới khi có sự hỗ trợ của các đơn vị y tế tới.

Lưu ý:

  • Tuyệt đối không tháo bỏ mũ bảo hiểm nếu nạn nhân đang đội chúng.
  • Nếu vết thương ở đầu gây ra do dị vật và vật đó vẫn chưa được loại bỏ thì không được phép tự ý rút chúng ra.
  • Trong trường hợp có vết thương ở đầu, bệnh nhân không nên dùng thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) bởi chúng có thể khiến tình trạng chảy máu nặng hơn.
Sơ cứu vết thương ở đầuv3 Xử trí thế nào khi gặp một trường hợp tai nạn giao thông có vết thương ở đầu?

Tổn thương vùng đầu hay gặp

Vết thương ở đầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí là ảnh hướng tới tính mạng của bệnh nhân. Các biến chứng bao gồm:

  • Tụ máu não: Là sự chảy máu hoặc đông máu ngoài mạch máu, nó sẽ càng nguy hiểm nếu điều này xảy ra ở trong bộ não của bệnh nhân. Sự đông máu dẫn tới áp lực ngày càng lớn được tích tụ bên trong hộp sọ khiến nạn nhân bất tỉnh hoặc gặp những tổn thương vĩnh viễn tại não.
  • Xuất huyết não: Đây là tình trạng chảy máu không thể kiểm soát được. Bệnh nhân có vết thương ở đầu có thể sẽ bị xuất huyết dưới nhện (chảy máu khoảng không gian xung quanh não) hoặc xuất huyết trong não. Mức độ nghiêm trọng trong trường hợp xuất huyết tùy thuộc vào thể tích và thời gian máu chảy. 
  • Phù não: Hầu hết các vết thương ở đầu đều có thể dẫn tới tình trạng sưng tấy, phù nề. Điều này nếu xảy ra ở bên ngoài da đầu thì sẽ không quá nguy hiểm nhưng nó sẽ rất nghiêm trọng nếu tình trạng này xuất hiện trong não của bệnh nhân. Hộp sọ của chúng ta không thể giãn thể tích để thích ứng với hiện tượng phù nề. Kết quả sẽ khiến áp lực trong hộp sọ tăng lên, các tổ chức não bị chèn ép gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
  • Vỡ hộp sọ: Trong những trường hợp tai nạn mà hộp sọ phải chịu một tác động mạnh mẽ, chúng có thể bị nứt, vỡ mặc dù xương sọ rất chắc. Vỡ hộp sọ sẽ khiến não bộ của bệnh nhân dễ dàng bị chấn thương hơn khi gặp các tác động khác thậm chí chỉ là rung lắc nhẹ.

Ngoài ra, còn rất nhiều các biến chứng nguy hiểm khác ở bệnh nhân có vết thương ở đầu. Do đó, học cách phòng tránh tai nạn và bảo vệ đầu là điều mà chúng ta nên làm.

Sơ cứu vết thương ở đầu 4 Tốt nhất hãy xử trí cơ bản theo hướng dẫn và gọi cấp cứu để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân

Các cách phòng tránh tai nạn gây ra vết thương ở đầu

Để giảm bớt nguy cơ gây ra vết thương ở đầu, chúng ta nên:

  • Tuân thủ luật lệ giao thông, đặc biệt phải luôn nhớ đội mũ bảo hiểm chất lượng tốt khi lái xe máy, xe đạp. Không sử dụng rượu, bia hay các đồ uống chứa cồn khác khi tham gia giao thông.
  • Đội mũ bảo hộ khi làm việc ở những nơi có nguy cơ cao gây chấn thương đầu như khu vực công trường.
  • Khi tham gia vào các hoạt động thể thao như đạp xe, bóng chày… chúng ta cũng cần đội mũ bảo hiểm.
  • Tránh xa các cuộc xung đột bạo lực, đánh lộn bởi nhiều khi chúng ta không phải đối tượng bị nhắm tới nhưng không may vẫn có thể bị dính líu.
Sơ cứu vết thương ở đầu 5 Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vô cùng cần thiết

Những vết thương ở đầu mặc dù trong trường hợp nhẹ vẫn có thể để lại hậu quả khôn lường khi chúng ta xử trí muộn hoặc nhận định không đúng tổn thương. Trên đây là những kiến thức cơ bản về cách sơ cứu vết thương ở đầu và các chú ý liên quan, hi vọng đã mang lại thông tin hữu ích tới đọc giả!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo