Rối loạn tiêu hóa có sốt không, xử lý thế nào cho đúng?
Rối loạn tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng khác nhau với đa dạng các triệu chứng. Trong đó sốt cao là một trong các triệu chứng làm nhiều người lo lắng và thắc mắc rằng thông thường rối loạn tiêu hóa có sốt không? Nếu bạn hay người thân đang rơi vào tình trạng này, hãy theo dõi bài viết sau đây để được giải đáp thắc mắc nhé!
Rối loạn tiêu hóa có sốt không?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến ở cả trẻ em và người lớn với các triệu chứng điển hình như: Ợ chua, ợ hơi, đau bụng đi ngoài, tiêu chảy và táo bón,... Bên cạnh đó thì ở một số người rối loạn tiêu hóa còn kèm theo sốt nhẹ hoặc sốt cao, làm cho toàn thân mệt mỏi.
Vậy nên để trả lời cho câu hỏi “rối loạn tiêu hóa có sốt không” là có. Tuy nhiên, đây không phải là một triệu chứng thông thường của rối loạn tiêu hóa mà thường là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa hoặc cơ thể đang bị viêm.
Khi xuất hiện viêm, cơ thể sẽ tăng nhiệt độ để có phản ứng chống lại quá trình viêm này. Vì vậy, nếu bị rối loạn tiêu hóa có kèm sốt, bạn tuyệt đối không nên xem thường mà cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Rối loạn tiêu hóa kèm sốt có nguy hiểm không?
Bên cạnh câu hỏi “rối loạn tiêu hóa có sốt không” thì tiếp theo mọi người đều lo lắng tình trạng này có nguy hiểm không. Nếu trường hợp sốt nhẹ hay người bệnh là người lớn có sức đề kháng tốt, rối loạn tiêu hóa kèm sốt có thể khỏi sau 2 - 3 ngày và không để lại di chứng.
Nhưng đối với trẻ nhỏ hay với những người có sức đề kháng kém, rối loạn tiêu hóa kèm sốt có thể kéo dài và người bệnh có nguy cơ tụt huyết áp, ngất xỉu hay suy thận,... do mất nước và rối loạn điện giải.
Đặc biệt đối với trẻ em tình trạng rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy và sốt kéo dài có thể khiến trẻ lên cơn sốt cao và co giật.
Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa có kèm theo sốt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nhưng với chứng rối loạn tiêu hóa có kèm sốt thì rất có thể là do nhiễm trùng. Dưới đây là một số tác nhân gây rối loạn tiêu hóa kèm sốt:
Nhiễm khuẩn
Salmonella, E. Coli, Campylobacter, vi khuẩn tả… là những tác nhân gây rối loạn tiêu hóa phổ biến. Chúng sẽ có điều kiện xâm nhập vào cơ thể khi bạn tiếp xúc với nguồn nước bẩn hay ăn các loại thức ăn chưa được chế biến kỹ. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa có sốt do vi khuẩn nhất. Đặc biệt là những bé trong độ tuổi thích gặm, mút tay và đồ vật.
Nhiễm virus
Virus mà thường gặp nhất là rotavirus cũng là các tác nhân hàng đầu gây rối loạn tiêu hóa. Đối tượng thường bị rối loạn tiêu hóa do virus nhất phải kể đến là trẻ em. Bởi hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu và dễ dàng bị virus sẵn có trong nước, thức ăn và phân tấn công gây tiêu chảy và nôn ói.
Rối loạn tiêu hóa kèm theo sốt phải xử lý như thế nào?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà rối loạn tiêu hóa kèm theo sốt ở mỗi người cần có cách xử trí khác nhau. Dưới đây là một số cách điều trị tại nhà bạn có thể tham khảo áp dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ.
Cách để hạ sốt tại nhà
Để hạ sốt tại nhà, bạn có thể dùng một số loại thuốc hạ sốt không kê đơn như acetaminophen hay aspirin. Lưu ý với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng. Ngoài ra, bạn cũng có thể hạ sốt thông qua các phương pháp làm mát cơ thể như:
- Chườm khăn ấm hay lau cơ thể bằng khăn ấm;
- Mặc quần áo mỏng nhẹ và rộng rãi, thoải mái. Không mặc trang phục dày hay bó sát;
- Tránh để gió lùa, tránh bật quạt khiến cho cơ thể bị lạnh làm kéo dài tình trạng sốt hơn.
Cách để xử lý rối loạn tiêu hóa tại nhà
Một số thuốc cầm tiêu chảy hay thuốc hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa có thể được dùng tại nhà. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Song đó, bạn có thể kiểm soát và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa nhờ vào những phương pháp tại nhà sau:
- Cân đối thực đơn cho người rối loạn tiêu hóa giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.
- Kiêng tuyệt đối rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác khi đang bị rối loạn tiêu hóa có sốt.
- Hình thành và duy trì thói quen ăn uống đúng giờ. Không nên để cơ thể quá đói mới ăn hoặc ăn xong nằm ngay.
- Đảm bảo vệ sinh thực phẩm và tuân thủ ăn chín - uống sôi.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và luôn rửa tay trước khi ăn.
Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung vào chế độ ăn một số loại thực phẩm hay món ăn được dùng như vị thuốc chữa các bệnh tiêu hóa - dạ dày như: Trà hoa cúc, gừng, đu đủ,...
Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn giải đáp được thắc mắc đầu bài “rối loạn tiêu hóa có sốt không” và có cách xử trí tình trạng này phù hợp nhé!
Vi Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp