Nhược thị có mổ được không?
Nhược thị là một tật khúc xạ có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng tỷ lệ mắc ở trẻ em cao hơn. Dưới 7 tuổi chính là thời gian vàng điều trị nhược thị cho bệnh nhân, là thời gian điều trị đạt kết quả tốt nhất. Việc hiểu về nhược thị để chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời là rất quan trọng. Trước khi trả lời câu hỏi nhược thị có mổ được không? Chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi nhược thị là gì, các triệu chứng của nhược thị và chẩn đoán nhược thị như thế nào bạn nhé!
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhuoc_thi_co_mo_duoc_khong_5_4852e6c1a3.jpg)
Nhược thị là gì?
Nhược thị (Amblyopia) hay còn gọi là mắt lười là tình trạng giảm thị lực ở một hoặc hai mắt hoặc có sự khác biệt thị lực giữa hai mắt trên 2 dòng sau khi đã được điều chỉnh kính tối ưu hoặc điều trị được nguyên nhân.
Bản chất của nhược thị là do bất thường trong việc dẫn truyền thần kinh từ võng mạc lên trung khu thần kinh thị giác khiến cho não từ chối nhận tín hiệu thị giác từ 1 mắt có thị lực yếu hơn. Lâu dần mắt giảm thị lực nhanh chóng và trở nên nhược thị. Mức độ thị lực chẩn đoán nhược thị: < 20/30.
Các triệu chứng của nhược thị
- Nhìn mờ, mỏi mắt, có thể kèm theo lác, sụp mi.
- Hình ảnh vật trên võng mạc không rõ nét khiến trẻ nheo mắt, nhắm mắt, nghiêng đầu để nhìn rõ vật.
- Giảm thị lực: Mức thị lực chẩn đoán là < 20/30. Có thể thử thị lực bằng bảng thị lực hoặc chọn hình ảnh theo yêu cầu đối với trẻ nhỏ chưa biết chữ.
- Độ nhạy cảm tương phản giảm, không phân biệt được nông sâu, không phân biệt được vật ở xa hay gần.
- Hiện tượng đám đông: Khả năng đọc từng chữ rời rạc tốt hơn đọc một dòng chữ liên tục.
- Cận lâm sàng: Mục đích tìm nguyên nhân nhược thị bằng phương pháp siêu âm nhãn cầu, điện võng mạc.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Nhuoc_thi_co_mo_duoc_khong_2_728c534ec1.jpg)
Khi nào được chẩn đoán nhược thị
Chẩn đoán xác định nhược thị khi có các dấu hiệu như giảm thị lực ở một hoặc hai mắt sau khi chỉnh kính, thị lực < 20/30 hoặc chênh lệch thị lực hai mắt lớn hơn hoặc bằng 2 hàng (tính theo bảng đo thị lực tiêu chuẩn).
Chẩn đoán mức độ:
- Nhược thị nhẹ có thị lực từ 20/40 đến 20/30.
- Nhược thị trung bình có thị lực từ 20/100 đến 20/40.
- Nhược thị nặng có thị lực nhỏ hơn 20/100.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhuoc_thi_co_mo_duoc_khong_6_9d11a09693.jpg)
Nhược thị có mổ được không?
Phẫu thuật không phải là phương pháp trực tiếp điều trị nhược thị mà là phương pháp điều trị căn nguyên dẫn đến nhược thị. Việc nhược thị có mổ được không phụ thuộc vào căn nguyên dẫn đến nhược thị là gì và tuổi của bệnh nhân có phù hợp để mổ hay không.
Đối với trường hợp nhược thị cơ năng, tức là không tìm được nguyên nhân gây bệnh thì cách điều trị nhược thị cho bệnh nhân là hạn chế sử dụng mắt lành bằng cách bịt mắt và kích thích sử dụng mắt nhược thị bằng cách cấp kính tối đa. Trường hợp này chỉ phẫu thuật khi nhược thị gây nên triệu chứng lác mắt. Và việc phẫu thuật chỉnh mắt lác nhằm mục đích thẩm mỹ chứ không phải điều trị bệnh.
Đối với nhược thị thực thể: Tìm được các nguyên nhân gây nhược thị như sụp mi, lác mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh hay các tật khúc xạ thì phẫu thuật chính là phương pháp để điều trị triệt để các nguyên nhân này.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhuoc_thi_co_mo_duoc_khong_1_4b188aad0b.jpg)
Các phẫu thuật cụ thể được sử dụng:
- Phẫu thuật sụp mi nặng: Cần can thiệp phẫu thuật kéo mi mắt lên nếu sụp mi ảnh hưởng nặng đến thị giác.
- Phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh: Đục thủy tinh thể một bên gây nặng hơn hai bên. Do đó khuyến cáo thời gian tiến hành phẫu thuật cũng khác nhau. Đối với đục thủy tinh thể một mắt có chỉ định phẫu thuật xử trí đục thủy tinh thể khi trẻ từ 4-6 tuần tuổi. Đục thủy tinh thể hai mắt có chỉ định phẫu thuật khi trẻ từ 8-10 tuần tuổi.
Với những phẫu thuật đục thủy tinh thể cho trẻ từ 1-6 tháng tuổi, phương pháp mổ là nhỏ giãn đồng tử rồi cắt một lớp rất nhỏ trên giác mạc để lấy thủy tinh thể bị đục và thay vào đó là thấu kính. Còn đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, bắt buộc phải cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo cho trẻ.
- Phẫu thuật điều chỉnh lác mắt: Phẫu thuật xử trí mắt lác, chỉnh lại trục nhãn cầu. Thời điểm phẫu thuật lác mắt càng sớm càng tốt. Thời điểm tối ưu là nhỏ hơn 4 tuổi. Phẫu thuật lác cần gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ xác định cơ nào cần nới lỏng, cần siết chặt để tiến hành điều chỉnh chúng.
Tuy nhiên với người trưởng thành hoặc người mắc nhược thị cơ năng mà lác mắt là triệu chứng thì phẫu thuật chỉnh lác mắt chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ.
- Phẫu thuật điều trị các tật khúc xạ, lệch xạ: Khi bệnh nhân bị tật khúc xạ, lệch khúc xạ nếu đáp ứng các yêu cầu của phẫu thuật như trên 18 tuổi, độ cận hoặc viễn ổn định, giác mạc có kích thước dày có thể phẫu thuật để chỉnh lại mắt bị tật khúc xạ, giúp ảnh của vật xuất hiện rõ nét trên võng mạc.
- Chỉ định phẫu thuật cấp cứu dựa vào kết quả test Bruckner cho bệnh nhân. Trong môi trường tối chiếu ánh sáng vào mắt bệnh nhân, nếu ánh hồng đồng tử tương đương nhau, độ sáng 2 mắt như nhau là bình thường. Còn nếu đồng tử trắng phải mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Khi đó thị giác của trẻ đã bị ảnh hưởng quá nặng có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Nhuoc_thi_co_mo_duoc_khong_3_9186d7aac2.jpg)
Nhược thị nên ăn gì và kiêng gì?
Người nhược thị nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không nên kiêng thức ăn gì cả. Nên ăn nhiều hơn những thực phẩm màu đỏ chứa vitamin A tốt cho mắt như cà rốt, cà chua, ớt chuông, bí ngô, gan động vật, khoai lang, rau lá xanh.
Cách tập mắt cho người nhược thị
Tập mắt cho bệnh nhân nhược thị chính là việc kích thích bên mắt bị nhược thị cho bệnh nhân. Đó là các việc như xâu hạt cườm, tập đồ hình, tập trên máy Synoptophore…
Ngoài ra có thể tập những bài tập thư giãn mắt như: Massage mắt, học tập làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng, chớp mắt khi làm việc với điện thoại liên tục, để mắt nghỉ ngơi khoảng 30 giây mỗi 20 phút làm việc với máy tính…
Đến đây chắc hẳn các bạn đã có thể giải đáp thắc mắc nhược thị có mổ được không rồi đúng không nào! Nhà Thuốc Hà An mong rằng bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích cho quý bạn đọc. Và đừng quên theo dõi trang web của Hà An Pharmacy để tiếp tục cập nhật những kiến thức y học hữu ích nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp