Những điều cần biết về sinh thiết tinh hoàn

Kết quả của quá trình sinh thiết tinh hoàn giúp phục vụ cho các phương pháp hỗ trợ sinh sản, xác định những bất thường khác như viêm hoặc ung thư tinh hoàn, nang tinh dịch,... Vậy sinh thiết tinh hoàn là gì? Trường hợp nào cần tiến hành phương pháp này? Hãy cùng tìm ra đáp án ở phần nội dung sau.

Sinh thiết tinh hoàn là gì?

Sinh thiết tinh hoàn là kỹ thuật được các bác sĩ áp dụng để lấy mẫu mô nhỏ ở một hoặc 2 bên tinh hoàn nhằm kiểm tra, giải phẫu bệnh, từ đó xác định sự tồn tại của những bệnh lý ác tính.

Những điều cần biết về sinh thiết tinh hoàn 1 Sinh thiết tinh hoàn giúp xác định sự tồn tại của những bệnh lý ác tính

Kết quả của phương pháp sinh thiết tinh hoàn sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây ra bệnh vô sinh ở nam hoặc áp dụng trong việc hỗ trợ sinh sản.

Vì sao phải thực hiện sinh thiết tinh hoàn?

Sinh thiết tinh hoàn sẽ được thực hiện dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể với nhiều mục đích khác nhau. Cụ thể là:

  • Xác định bản chất những khối u bất thường ở tinh hoàn hoặc sự tồn tại của căn bệnh ung thư tinh hoàn.
  • Tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh vô sinh ở phái nam.
  • Lấy tinh trùng để phục vụ cho việc áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Các kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn

Sinh thiết tinh hoàn có thể tiến hành theo các kỹ thuật sau:

Sinh thiết mở

Kỹ thuật này được thực hiện dưới dạng gây mê hoặc gây tê. Bác sĩ sẽ tiến hành mở bìu để lấy mẫu mô tinh hoàn phục vụ cho quá trình sinh thiết. 

Đây được xem là kỹ thuật đảm bảo được độ chính xác cao nhất nếu cần tìm hiểu nguyên nhân gây vô sinh hoặc các căn bệnh ung thư. Quá trình thực hiện sinh thiết mở cũng giúp các bác sĩ lấy tinh trùng phục vụ trong việc áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Sinh thiết qua da

Kỹ thuật sinh thiết qua da sử dụng kim cắt hoặc kim hút nhỏ để lấy mẫu mô tinh hoàn. Sinh thiết qua da có ưu điểm không dùng đến các trang bị phẫu thuật, chỉ gây tê mà chẳng cần gây mê, quá trình chuẩn bị cũng như chăm sóc sau khi thực hiện vô cùng đơn giản. 

Tuy nhiên, sinh thiết bằng kim hút nhỏ cũng có những mặt hạn chế như độ chính xác của việc phát hiện ung thư tinh hoàn tại chỗ vẫn chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ, số lượng tinh trùng lấy ra sẽ ít hơn so với sinh thiết mở.

Những rủi ro có thể xảy ra khi tiến hành sinh thiết tinh hoàn

Cũng giống như những kỹ thuật khác, sinh thiết tinh hoàn cũng có thể xảy ra các rủi ro nhất định trong quá trình thực hiện, đơn cử là: Gây chảy máu, nhiễm trùng, làm tổn thương tinh hoàn hoặc cấu trúc xung quanh.

Kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn sẽ không gây ra tình trạng rối loạn cương dương hoặc các vấn đề liên quan tới sinh sản sau khi thực hiện.

Những điều cần biết về sinh thiết tinh hoàn 2 Mẫu mô lấy ra sau quá trình sinh thiết tinh hoàn sẽ được mang đi kiểm tra giải phẫu bệnh

Cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành sinh thiết tinh hoàn?

  • Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, đồng thời nhờ họ giải đáp những điều còn thắc mắc, chưa hiểu. Người bệnh cũng cần ký cam kết đồng ý thực hiện kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn.
  • Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ những vấn đề liên quan tới tiền sử bệnh lý của bản thân cũng như các loại thuốc, thực phẩm chức năng đã và đang sử dụng, nhất là thuốc chống đông.
  • Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu bản thân bị mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần, yếu tố nào.
  • Kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn sẽ được thực hiện dựa trên từng tình trạng cụ thể của mỗi người.

Cách chăm sóc sau khi tiến hành kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn

Tùy thuộc vào kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn mà bạn đã được thực hiện cũng như tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp.

Bệnh nhân thường sẽ được các bác sĩ khuyến cáo không nên quan hệ tình dục sau khi thực hiện sinh thiết tinh hoàn từ 1 - 2 tuần. Đau sau sinh thiết là hiện tượng thường thấy, hãy uống thuốc giảm đau dựa theo sự chỉ định của chuyên gia. Người bệnh cũng có thể dùng đá lạnh để giảm sưng đau trong ngày đầu tiên.

Cảm giác sưng đau, bất tiện sẽ dần biến mất sau vài ngày. Nếu có xuất hiện 1 trong các dấu hiệu dưới đây thì người bệnh cần liên hệ ngay bác sĩ để kịp thời điều trị:

  • Lượng máu tại vị trí thực hiện sinh thiết chảy ra ngày một nhiều.
  • Xuất hiện khối máu tụ tại khu vực tiến hành sinh thiết tinh hoàn.
  • Tình trạng sưng, đau ngày càng diễn biến nặng hơn.
  • Cơ thể bị sốt hoặc rét run.

Nhận kết quả sinh thiết tinh hoàn

Mẫu mô lấy ra thông qua kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn sẽ được mang đi kiểm tra giải phẫu bệnh hoặc dùng để phục vụ các biện pháp hỗ trợ sinh sản, tùy thuộc vào mục đích thực hiện.

Tùy theo từng kết quả mà bác sĩ sẽ giải thích, tư vấn và đưa ra những phương án điều trị tiếp theo cho bệnh nhân. Người bệnh cũng có thể được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm nếu cần thiết.

Những điều cần biết về sinh thiết tinh hoàn 3 Tùy vào kết quả mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân

Bệnh nhân cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ, đồng thời tái khám định kỳ đầy đủ và đúng hẹn để mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Nên thực hiện sinh thiết tinh hoàn tại những cơ sở y tế uy tín, chất lượng nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài viết trên đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn. Mặc dù ngày nay máy móc, công nghệ đã phát triển vượt bậc, tuy nhiên bạn cũng cần phải cân nhắc chọn lựa cơ sở y tế lớn, có tiếng trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư để tránh gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của mình nhé!

Minh Hạnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo