Những điều bạn cần biết khi bị đổ mồ hôi sau sinh
Đổ mồ hôi nhiều ở phụ nữ sau sinh là hiện tượng thường gặp trong vài tuần đầu sau sinh, đặc biệt là vào ban đêm. Hiện tượng đổ mồ hôi sau sinh không chỉ gây ra nhiều rắc rối mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe mẹ bầu đang gặp vấn đề.
Nguyên nhân khiến phụ nữ bị đổ mồ hôi sau sinh
Cơ thể người phụ nữ trải qua những thay đổi to lớn trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh con, trong đó có hiện tượng đổ nhiều mồ hôi. Hiện tượng này có thể xảy ra vì những nguyên nhân sau:
Thay đổi chức năng tuyến giáp
Sau khi sinh, chức năng tuyến giáp của sản phụ cao hơn người bình thường và chưa phục hồi trở lại trạng thái ban đầu, quá trình chuyển hóa lipid, glucose và protein diễn ra mạnh, do đó cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, uống nhiều nước cũng là một trong những nguyên nhân gây đổ mồ hôi sau sinh.
Đổ mồ hôi sau sinh là hiện tượng thường gặp trong vài tuần đầu sau sinh
Lượng máu tăng đáng kể khi mang thai
Ở phụ nữ mang thai, thành phần nước trong cơ thể tích tụ, lượng máu cũng tăng khoảng 30%. Thể tích máu của người bình thường bằng 1/10 thể trọng, tức 4000 - 5000ml. Nhưng khi mang thai, sản phụ tăng 1000ml và sau khi sinh, dịch thể này trở thành một phần lượng nước dư thừa trong cơ thể. Đổ mồ hôi chính là một cách để cơ thể loại bỏ lượng nước dư thừa này.
Suy giảm nội tiết tố và thiếu vi chất dinh dưỡng
Nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ sau khi sinh thường thấp hơn nhiều lần so với khi mang thai và đây cũng là nguyên nhân gây ra các cơn bốc hỏa sau sinh, kích thích tiết nhiều mồ hôi. Thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là trong thời kỳ cho con bú cũng là nguyên nhân gây đổ mồ hôi sau sinh.
Phổi yếu
Các lỗ chân lông chịu sự quản lý bởi phổi (còn gọi là Phế trong Đông y). Khi phổi khỏe mạnh, lỗ chân lông hoạt động tốt, điều hòa lượng mồ hôi ra vào cơ thể. Khi phổi suy yếu, các lỗ chân lông hoạt động kém hơn, mồ hôi điều tiết kém dẫn đến đổ mồ hôi nhiều nơi trên cơ thể.
Đổ mồ hôi sau sinh có thể kéo dài bao lâu?
Theo một nghiên cứu năm 2013, thời điểm đổ mồ hôi đêm sau sinh nặng nhất là trong hai tuần đầu sau sinh. Sau giai đoạn này, các triệu chứng sẽ giảm dần.
Các chuyên gia y tế cũng xác nhận rằng thời kỳ hậu sản thường kéo dài 6 tuần, mặc dù một số triệu chứng có thể kéo dài hơn. Trong thời gian này, cơ thể người phụ nữ phải trải qua nhiều thay đổi và các triệu chứng không mong muốn như đổ mồ hôi ban đêm, táo bón, mệt mỏi là những triệu chứng thường gặp.
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ có thể giảm các triệu chứng bằng các biện pháp khắc phục tại nhà được đề cập dưới đây. Nếu tình trạng đổ mồ hôi ban đêm không cải thiện, chị em nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị.
Cách phòng tránh đổ mồ hôi sau sinh
Để phòng tránh hiện tượng đổ mồ hôi sau sinh ở phụ nữ, chị em có thể thực hiện theo hướng dẫn chi tiết dưới đây:
- Uống nhiều nước lọc và các loại đồ uống không cồn (sữa, nước ép trái cây…) sẽ đẩy nhanh quá trình đào thải chất lỏng dư thừa sau sinh. Đổ mồ hôi nhiều làm cơ thể mất nước, vì vậy hãy uống đủ lượng nước, đặc biệt là khi đang cho con bú.
- Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, nhẹ nhàng để tránh đổ mồ hôi đêm sau sinh. Bộ đồ ngủ bằng cotton hoặc sợi tự nhiên có thể là một gợi ý tốt hơn so với sợi tổng hợp để giữ cho cơ thể sạch sẽ và mát mẻ.
- Làm thoáng mát phòng và chỗ ngủ sẽ làm giảm mồ hôi sau sinh.
- Phụ nữ đang cho con bú cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có thể bổ sung thêm vitamin tổng hợp để giảm đổ mồ hôi sau sinh.
![Những điều bạn cần biết khi bị đổ mồ hôi sau sinh 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhung_dieu_ban_can_biet_khi_bi_do_mo_hoi_sau_sinh_2_5ee3840dfd.jpg)
Cách kiểm soát tình trạng đổ mồ hôi nhiều sau sinh
Đổ mồ hôi sau sinh là hiện tượng tạm thời nên bạn đừng quá lo lắng. Dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý một số biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm các triệu chứng đổ mồ hôi đêm sau sinh:
Giữ cơ thể được mát mẻ
Làm mát cơ thể có thể giảm tiết mồ hôi. Vào ban đêm, phụ nữ có thể thử một số biện pháp khắc phục, bao gồm:
- Mở cửa sổ để thông gió tốt hơn.
- Đặt quạt gần giường.
- Sử dụng điều hòa phòng ngủ.
- Sử dụng ga giường có trọng lượng nhẹ và trải giường nhiều lớp.
Uống nước
Sau khi sinh, đặc biệt là khi bị đổ mồ hôi đêm sau sinh, cơ thể người phụ nữ có thể cần nhiều nước hơn bình thường vì chất lỏng được đào thải ra khỏi cơ thể dưới dạng mồ hôi và nước tiểu.
Uống nước bất cứ khi nào bạn cảm thấy khát sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, giữ cho cơ thể hoạt động bình thường và giúp bạn phục hồi sau khi mang thai.
![Những điều bạn cần biết khi bị đổ mồ hôi sau sinh 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhung_dieu_ban_can_biet_khi_bi_do_mo_hoi_sau_sinh_3_ca4cf143d1.jpg)
Ăn nhiều đậu nành
Mặc dù hiện tại có rất ít nghiên cứu về bốc hỏa khi mang thai và sau khi sinh con, nhưng một nghiên cứu năm 2017 trên 50 phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh cho thấy, việc bổ sung đậu nành có khả năng cải thiện các triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người tham gia được bổ sung isoflavone đậu nành trong 12 tuần đã cải thiện đáng kể các triệu chứng bốc hỏa. Bạn có thể tăng lượng đậu nành bằng cách sử dụng thực phẩm chức năng hoặc ăn những thực phẩm giàu đậu nành như:
- Đậu hũ.
- Tương miso.
- Natto.
Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn uống hoặc sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.
Mặc các loại vải rộng rãi, tự nhiên
Quần áo được may từ các loại sợi tự nhiên như bông, vải lanh và lụa giúp cơ thể bạn thoát nhiệt dễ dàng. Nếu có thể, hãy sử dụng ga trải giường bằng vải cotton hoặc vải lanh để đi ngủ.
Cố gắng tránh các loại vải tổng hợp như polyester và lycra, cũng như quần áo bó sát khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn do ngăn cơ thể thoát nhiệt.
Hạn chế các loại thực phẩm gây kích thích
Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm ở một số trường hợp sau sinh.
Phụ nữ có thể theo dõi các triệu chứng của mình để xem mồ hôi ban đêm có xuất hiện hay trở nên trầm trọng hơn sau khi ăn một số loại thực phẩm nhất định nào hay không để biết và tránh ăn những loại thức ăn đó. Các tác nhân phổ biến gây ra các cơn bốc hỏa là:
- Thực phẩm cay.
- Caffeine.
- Rượu bia.
- Thức ăn nóng hoặc chất lỏng nóng.
Thử thư giãn, kỹ thuật thở hoặc thôi miên
Căng thẳng có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe. Học cách quản lý căng thẳng hiệu quả có thể mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ đối với hiện tượng đổ mồ hôi sau sinh.
Một nghiên cứu đánh giá năm 2014 cho thấy các bài tập thư giãn, thở nhịp nhàng và thôi miên có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa.
Khi cố gắng đi vào giấc ngủ hoặc khi đổ mồ hôi đêm, phụ nữ có thể thử các kỹ thuật thư giãn sau:
- Thư giãn cơ liên tục, hoặc tập trung thư giãn cơ ở từng bộ phận trên cơ thể, từ ngón chân đến đầu.
- Thiền.
- Hình dung hoặc suy nghĩ tích cực.
- Hít thở sâu.
Ăn uống điều độ và thường xuyên tập thể dục
Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thường xuyên giúp tăng khả năng phục hồi của cơ thể sau khi mang thai và là một công cụ hữu hiệu để cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Để tăng cường sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm chủ yếu là rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh.
Tập pilates hoặc mát xa
Đổ mồ hôi ban đêm và các nguyên nhân gây khó chịu khác vào ban đêm khiến phụ nữ sau sinh khó ngủ đủ giấc. Theo một nghiên cứu năm 2013, có một số bằng chứng cho thấy những điều sau đây có thể giúp cải thiện giấc ngủ của phụ nữ sau sinh:
- Tập pilates.
- Mát xa lưng.
- Bấm huyệt bàn chân.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) điều trị mất ngủ.
![Những điều bạn cần biết khi bị đổ mồ hôi sau sinh 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhung_dieu_ban_can_biet_khi_bi_do_mo_hoi_sau_sinh_4_f213760749.jpg)
Khi nào cần đi khám bác sĩ vì bị đổ mồ hôi sau sinh?
Nếu đổ mồ hôi ban đêm kéo dài hơn một vài tuần sau khi sinh hoặc nếu đổ mồ hôi kèm theo sốt hoặc các triệu chứng khác, hãy đi khám bác sĩ ngay bạn nhé! Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, vì vậy nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Hãy chắc chắn gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt trên 38°C ~ 100,4°F.
- Âm đạo tiết dịch bất thường hoặc có mùi hôi.
- Cục máu đông lớn hoặc chảy máu đỏ tươi kéo dài hơn 3 ngày sau khi sinh.
- Đau hoặc rát khi đi tiểu.
- Đau, đỏ hoặc tiết dịch ở vết mổ hoặc vết khâu.
- Chuột rút nghiêm trọng.
- Khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Cảm thấy đặc biệt chán nản hoặc lo lắng.
Bạn cũng nên đi tái khám sau khi sinh 6 tuần để bác sĩ kiểm tra và đảm bảo các vết thương vẫn đang trong quá trình hồi phục tốt.
Phụ nữ bị đổ mồ hôi sau sinh là hiện tượng bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài cùng với các triệu chứng khác, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời để ngăn chặn hiện tượng này gây ra các phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp