Thuốc tiêm Eprex Prefill 2000IU Janssen điều trị thiếu máu (6 ống)
Danh mục
Thuốc trị thiếu máu
Quy cách
Dung dịch để tiêm trong bơm tiêm đóng sẵn - Hộp 6 Ống
Thành phần
Epoetin alfa
Thương hiệu
Janssen - CILAG AG
Xuất xứ
Thụy Sĩ
Thuốc cần kê toa
Có
Số đăng kí
QLSP-971-16
0 ₫/Hộp
(giá tham khảo)Thuốc Eprex Prefill 2000 được sản xuất bởi công ty Janssen - Thái Lan, có thành phần chính là epoetin alfa. Thuốc Eprex Prefill 2000 được chỉ định trong trường hợp điều trị thiếu máu có triệu chứng liên quan đến suy thận mạn (CRF).
Thuốc Eprex Prefill 2000 được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm đóng sẵn trong bơm tiêm. Mỗi ống 0,5 ml chứa epoetin alfa 2.000 IU.
Cách dùng
Dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
Tiêm tĩnh mạch
Tiêm tĩnh mạch trong thời gian tối thiểu từ 1 đến 5 phút tùy thuộc vào tổng liều. Trên bệnh nhân thẩm tách máu, có thể tiêm bolus tĩnh mạch trong quá trình thẩm tách qua một kênh thích hợp trên đường thẩm tách. Ngoài ra, có thể tiêm vào cuối giai đoạn thẩm tách qua ống luồn tĩnh mạch, sau đó thêm 10 ml nước muối đẳng trương để rửa ống và đảm bảo thuốc vào được tuần hoàn hoàn toàn.
Trên bệnh nhân có phản ứng thuốc với các triệu chứng “giả cúm”, cần tiêm chậm hơn.
Không dùng epoetin alfa để truyền tĩnh mạch hoặc kết hợp với các sản phẩm thuốc khác.
Tiêm dưới da
Nhìn chung, không nên tiêm vượt quá thể tích tối đa 1ml tại mỗi vị trí tiêm. Trong trường hợp tiêm với thể tích lớn hơn, nên chọn tiêm tại nhiều vị trí.
Tiêm ở vị trí các chi hoặc thành bụng trước
Trong các trường hợp bác sĩ nhận thấy bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân có thể dùng đường tiêm dưới da hiệu quả và an toàn, cần hướng dẫn bệnh nhân về liều lượng và cách dùng thuốc.
Liều dùng
Cần đánh giá và điều trị tất cả các nguyên nhân gây thiếu máu khác (thiếu sắt, vitamin B12 hoặc folat, nhiễm độc nhôm, nhiễm trùng hoặc viêm, mất máu, tan máu và xơ hóa tủy xương do bất kì căn nguyên nào) trước khi bắt đầu sử dụng epoetin alfa và khi quyết định tăng liều. Để đảm bảo đáp ứng tối ưu với epoetin alfa, cần có đủ lượng sắt dự trữ và bổ sung sắt nếu cần thiết.
Người lớn
Điều trị thiếu máu có triệu chứng trên bệnh nhân suy thận mạn trưởng thành
Chỉ nên dùng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân suy thận mạn tính.
Triệu chứng và di chứng của thiếu máu có thể thay đổi theo tuổi, giới tính và các bệnh mắc kèm; cần phải thăm khám lâm sàng để đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân.
Nồng độ hemoglobin mục tiêu được khuyến cáo là từ 10 g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L). Cần dùng epoetin alfa để hemoglobin tăng không vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L). Nên tránh để mức tăng hemoglobin vượt quá 2 g/dL (1,25 mmol/L) trong thời gian 4 tuần. Nếu điều này xảy ra, cần tiến hành hiệu chỉnh liều theo khuyến cáo.
Do có sự dao động cá thể giữa các bệnh nhân, giá trị hemoglobin trên từng bệnh nhân đôi khi có thể ở trên hoặc dưới khoảng nồng độ hemoglobin mục tiêu. Sự biến thiên hemoglobin có thể được giải quyết bằng cách thay đổi liều để đạt được nồng độ hemoglobin đích trong khoảng từ 10 g/dL (6,2 mmol/L) đến 12 g/dL (7,5 mmol/L).
Cần tránh để nồng độ hemoglobin duy trì vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L). Nếu nồng độ hemoglobin tăng > 2 g/dL (1,25 mmol/L) mỗi tháng, hoặc nồng độ hemoglobin duy trì vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L), giảm 25% liều epoetin alfa. Nếu nồng độ hemoglobin vượt quá 13 g/dL (8,1 mmol/L), ngừng điều trị cho đến khi nồng độ này xuống dưới 12 g/dL (7,5 mmol/L) và sau đó dùng lại epoetin alfa với liều thấp hơn liều ban đầu 25%.
Bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo liều epoetin alfa được sử dụng là liều thấp nhất trong khoảng liều khuyến cáo có khả năng kiểm soát tốt các triệu chứng thiếu máu trong khi duy trì nồng độ hemoglobin nhỏ hơn hoặc bằng 12 g/dL (7,5 mmol/L).
Cần thận trọng khi tăng liều epoetin alfa trên bệnh nhân suy thận mạn tính. Đối với những bệnh nhân có đáp ứng tăng hemoglobin kém khi dùng epoetin alfa, cần xem xét các nguyên nhân khác gây ra đáp ứng kém.
Điều trị với epoetin alfa được chia làm hai giai đoạn – giai đoạn chỉnh liều và giai đoạn duy trì.
Bệnh nhân trưởng thành phải thẩm tách máu
Trên các bệnh nhân đang thẩm tách máu có sẵn đường tiêm tĩnh mạch, ưu tiên sử dụng đường tiêm tĩnh mạch.
Giai đoạn hiệu chỉnh: Liều khởi đầu là 50 IU/kg, 3 lần/tuần. Khi cần, có thể hiệu chỉnh liều tăng hoặc giảm 25 IU/kg (3 lần/tuần) cho đến khi đạt được nồng độ hemoglobin trong khoảng mục tiêu từ 10 g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L) (việc hiệu chỉnh liều này nên được thực hiện từng bước với khoảng cách tối thiểu 4 tuần/lần).
Giai đoạn duy trì: Tổng liều được khuyến cáo mỗi tuần từ 75 IU/kg đến 300 IU/kg. Cần hiệu chỉnh liều thích hợp để duy trì nồng độ hemoglobin trong khoảng mục tiêu từ 10g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L). Bệnh nhân có nồng độ hemoglobin ban đầu rất thấp (< 6 g/dL hoặc < 3,75 mmol/L) có thể cần mức liều duy trì cao hơn mức liều dùng cho bệnh nhân có mức độ thiếu máu ít nghiêm trọng hơn (> 8 g/dL hoặc > 5 mmol/L).
Bệnh nhân suy thận trưởng thành chưa phải thẩm tách
Trường hợp không có sẵn đường tiêm tĩnh mạch, epoetin alfa có thể được tiêm dưới da.
Giai đoạn hiệu chỉnh: Liều khởi đầu 50 IU/kg, 3 lần/tuần, sau đó nếu cần, tăng dần liều mỗi 25 IU/kg (3 lần/tuần) cho đến khi đạt được nồng độ haemoglobin trong khoảng mục tiêu (việc hiệu chỉnh liều cần được thực hiện từng bước với khoảng cách tối thiểu 4 tuần/lần).
Giai đoạn duy trì: Trong giai đoạn duy trì, epoetin alfa có thể dùng 3 lần/tuần, và trong trường hợp tiêm dưới da có thể dùng mỗi tuần 1 lần hoặc 2 tuần 1 lần. Cần hiệu chỉnh liều thích hợp để duy trì nồng độ hemoglobin trong khoảng mục tiêu từ 10 đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L). Có thể cần phải tăng liều khi sử dụng khoảng liều giãn cách. Liều tối đa không nên vượt quá 150 IU/kg 3 lần/tuần, 240 IU/kg (tối đa 20000 IU) 1 lần/tuần, hoặc 480 IU/kg (tối đa 40000 IU) 1 lần/2 tuần.
Bệnh nhân trưởng thành phải thẩm phân phúc mạc
Trường hợp không có sẵn đường tiêm tĩnh mạch, epoetin alfa có thể được tiêm dưới da.
Giai đoạn hiệu chỉnh: Liều khởi đầu 50 IU/kg, 2 lần/tuần.
Giai đoạn duy trì: Liều duy trì khuyến cáo từ 25 IU/kg đến 50 IU/kg, 2 lần/tuần. Cần hiệu chỉnh liều thích hợp để duy trì nồng độ hemoglobin trong khoảng mục tiêu từ 10 g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L).
Điều trị cho các bệnh nhân trưởng thành thiếu máu do dùng hóa trị liệu
Triệu chứng và di chứng của thiếu máu có thể thay đổi theo tuổi, giới tính và bệnh mắc kèm; cần thăm khám lâm sàng để đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân.
Nên dùng epoetin alfa theo đường tiêm dưới da cho bệnh nhân thiếu máu (ví dụ nồng độ hemoglobin ≤ 10 g/dL (6,2 mmol/L)). Liều khởi đầu 150 IU/kg tiêm dưới da 3 lần/tuần.
Ngoài ra, có thể dùng liều epoetin khởi đầu 450 IU/kg tiêm dưới da mỗi tuần một lần.
Cần hiệu chỉnh liều thích hợp để duy trì nồng độ hemoglobin trong khoảng mục tiêu từ 10 g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L).
Do có sự dao động cá thể giữa các bệnh nhân, giá trị hemoglobin trên từng bệnh nhân đôi khi có thể ở trên hoặc dưới khoảng nồng độ hemoglobin mục tiêu. Sự biến thiên nồng độ hemoglobin có thể được giải quyết bằng cách thay đổi liều để đạt được nồng độ hemoglobin mục tiêu trong khoảng từ 10 g/dL (6,2 mmol/L) đến 12 g/dL (7,5 mmol/L). Cần tránh để nồng độ hemoglobin duy trì vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L); hướng dẫn hiệu chỉnh liều khi nồng độ hemoglobin vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L) được đưa ra trong phần dưới đây.
Nếu nồng độ hemoglobin tăng ít nhất 1 g/dL (0,62 mmol/L) hoặc số lượng hồng cầu lưới tăng ≥ 40.000 tế bào/µL so với ban đầu sau 4 tuần điều trị, nên duy trì mức liều ở 150 IU/kg 3 lần/tuần hoặc 450 IU/kg mỗi tuần một lần. Nếu nồng độ hemoglobin tăng < 1 g/dL (< 0,62 mmol/L) và số lượng hồng cầu lưới tăng < 40.000 tế bào/µL so với ban đầu, tăng liều lên 300 IU/kg 3 lần/tuần. Nếu sau 4 tuần điều trị với mức liều 300 IU/kg 3 lần/tuần, nồng độ hemoglobin tăng ≥ 1 g/dL (≥ 0,62 mmol/L) hoặc số lượng hồng cầu lưới tăng ≥ 40.000 tế bào/µL, nên duy trì ở mức liều 300 IU/kg 3 lần/tuần.
Nếu nồng độ hemoglobin tăng < 1 g/dL (< 0,62 mmol/L) và số lượng hồng cầu lưới tăng < 40.000 tế bào/µL so với ban đầu, bệnh nhân hầu như không đáp ứng với epoetin alfa và nên dừng điều trị.
Hiệu chỉnh liều để duy trì nồng độ haemoglobin từ 10 g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L)
Nếu nồng độ hemoglobin tăng quá 2 g/dL (1,25 mmol/L) mỗi tháng, hoặc nồng độ hemoglobin vượt quá 12 g/dL (7,5 mmol/L), giảm liều epoetin alfa từ 25 đến 50%. Nếu nồng độ hemoglobin vượt quá 13 g/dL (8,1 mmol/L), dừng điều trị cho đến khi nồng độ này xuống dưới 12 g/dL (7,5 mmol/L) và tiếp tục điều trị bằng epoetin alfa ở mức liều giảm 25% so với liều dùng trước đó.
Bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo mức liều được sử dụng là mức liều thấp nhất trong khoảng liều khuyến cáo của thuốc kích thích tạo hồng cầu (ESA) có khả năng kiểm soát được đầy đủ các triệu chứng thiếu máu.
Nên tiếp tục dùng epoetin alfa trong vòng một tháng sau khi kết thúc hóa trị liệu.
Điều trị cho các bệnh nhân trưởng thành phải phẫu thuật và có kế hoạch truyền máu tự thân
Bệnh nhân thiếu máu mức độ nhẹ (haematocrit 33 - 39%) cần dự trữ ít nhất 4 đơn vị máu nên được điều trị bằng epoetin alfa ở liều 600 IU/kg đường tiêm tĩnh mạch, 2 lần mỗi tuần trong vòng 3 tuần trước khi phẫu thuật.
Nên dùng epoetin alfa sau khi đã hoàn tất quy trình lấy máu dự trữ.
Điều trị cho bệnh nhân trưởng thành có kế hoạch đại phẫu thuật chỉnh hình
Mức liều được khuyến cáo là 600 IU/kg epoetin alfa, tiêm dưới da, dùng hàng tuần trong 3 tuần (vào các ngày 21, 14 và 7) trước khi phẫu thuật và vào ngày phẫu thuật (ngày 0).
Trong trường hợp thời gian trước phẫu thuật dưới 3 tuần, nên dùng epoetin alfa hàng ngày với liều 300 IU/kg theo đường tiêm dưới da trong 10 ngày liên tiếp trước khi phẫu thuật, vào ngày phẫu thuật và 4 ngày ngay sau đó.
Nếu nồng độ hemoglobin đạt đến 15 g/dL (9,38 mmol/L) hoặc cao hơn, nên ngừng dùng epoetin alfa và không nên tái sử dụng thuốc sau đó.
Bệnh nhân nhi
Điều trị thiếu máu có triệu chứng trên bệnh nhân suy thận mạn tính phải thẩm tách máu
Triệu chứng và di chứng của thiếu máu có thể thay đổi theo tuổi, giới tính và bệnh mắc kèm; cần thăm khám lâm sàng để đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân.
Trên bệnh nhân nhi, khoảng nồng độ hemoglobin khuyến cáo là từ 9,5 g/dL đến 11 g/dL (5,9 đến 6,8 mmol/L). Nên dùng epoetin alfa để tăng nồng độ hemoglobin nhưng không vượt quá 11 g/dL (6,8 mmol/L). Nên tránh để nồng độ hemoglobin tăng quá 2 g/dL (1,25 mmol/L) trong vòng 4 tuần. Nếu điều này xảy ra, cần phải điều chỉnh liều theo khuyến cáo.
Bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo liều epoetin alfa được sử dụng là liều thấp nhất trong khoảng liều khuyến cáo có khả năng kiểm soát tốt thiếu máu và các triệu chứng của thiếu máu.
Điều trị với epoetin alfa được chia làm hai giai đoạn – giai đoạn hiệu chỉnh liều và giai đoạn duy trì: Trên bệnh nhân nhi phải thẩm tách máu có sẵn đường tiêm tĩnh mạch, ưu tiên sử dụng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch.
Giai đoạn hiệu chỉnh:
Liều khởi đầu 50 IU/kg tiêm tĩnh mạch, 3 lần/tuần.
Khi cần, có thể tăng hoặc giảm liều mỗi 25 IU/kg (3 lần/tuần) cho đến khi đạt được nồng độ haemoglobin mục tiêu từ 10 g/dL đến 12 g/dL (6,2 đến 7,5 mmol/L) (việc hiệu chỉnh liều cần được thực hiện với khoảng cách tối thiểu là 4 tuần).
Giai đoạn duy trì:
Cần hiệu chỉnh liều thích hợp để duy trì nồng độ hemoglobin trong khoảng mục tiêu từ 9,5 đến 11 g/dL (5,9 6,8 mmol/L).
Nhìn chung, trẻ em dưới 30 kg cần liều duy trì cao hơn so với trẻ em trên 30 kg và người lớn.
Bệnh nhân nhi có nồng độ hemoglobin ban đầu rất thấp (< 6,8 g/dL hoặc < 4,25 mmol/L) có thể cần dùng mức liều duy trì cao hơn so với các bệnh nhân có nồng độ hemoglobin ban đầu cao hơn (> 6,8 g/dL hoặc > 4,25 mmol/L).
Thiếu máu trên các bệnh nhân suy thận mạn trước khi bắt đầu thẩm tách máu hoặc đang thẩm phân phúc mạc
Độ an toàn và hiệu quả của epoetin alfa trên bệnh nhân suy thận mạn kèm thiếu máu trước khi bắt đầu thẩm tách hoặc đang thẩm phân phúc mạc chưa được thiết lập.
Dữ liệu hiện có với epoetin alfa đường tiêm dưới da trên nhóm bệnh nhân này được mô tả trong mục dược lực học nhưng chưa có khuyến cáo về liều.
Điều trị cho bệnh nhân nhi thiếu máu do dùng hóa trị liệu
Độ an toàn và hiệu quả của epoetin alfa chưa được thiết lập trên bệnh nhi thiếu máu đang dùng hóa trị liệu.
Điều trị cho bệnh nhân nhi phải phẫu thuật và có kế hoạch truyền máu tự thân
Độ an toàn và hiệu quả của epoetin alfa chưa được thiết lập. Hiện tại chưa có dữ liệu.
Điều trị cho bệnh nhân nhi có kế hoạch đại phẫu chỉnh hình
Độ an toàn và hiệu quả của epoetin alfa chưa được thiết lập. Hiện tại chưa có dữ liệu.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Khoảng điều trị của epoetin alfa rất rộng. Quá liều epoetin alfa có thể gây ra những tác dụng dược lý quá mức của hormon này. Có thể mở tĩnh mạch nếu hemoglobin máu quá cao. Có thể sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ khi cần thiết.
Làm gì khi quên 1 liều?
Thuốc chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế, với sự giám sát và theo dõi bởi nhân viên y tế nên hiếm khi xảy ra tình trạng quên liều.
Khi sử dụng thuốc Eprex Prefill 2000, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Rối loạn máu và hệ bạch huyết
-
Hiếm gặp: Bất sản hồng cầu đơn thuần qua trung gian kháng thể kháng erythropoietin, tăng tiểu cầu.
Rối loạn hệ miễn dịch
-
Chưa biết rõ: Phản ứng phản vệ, quá mẫn.
Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng
-
Ít gặp: Tăng kali máu.
Rối loạn hệ thần kinh
-
Thường gặp: Đau đầu.
-
Ít gặp: Co giật.
Rối loạn hệ mạch
-
Thường gặp: Huyết khối tĩnh mạch và động mạch, tăng huyết áp.
-
Chưa biết rõ: Cơn tăng huyết áp kịch phát.
Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất
-
Thường gặp: Ho.
-
Ít gặp: Tắc nghẽn đường hô hấp.
Rối loạn hệ tiêu hóa
-
Rất phổ biến: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
Rối loạn da và mô dưới da
-
Thường gặp: Phát ban.
-
Chưa biết rõ: Phù mạch thần kinh, nổi mề đay.
Rối loạn cơ xương và mô liên kết
-
Thường gặp: Đau khớp, đau xương, đau cơ, đau các chi.
Rối loạn bẩm sinh, gia đình và di truyền
-
Chưa biết rõ: Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Rối loạn toàn thân và tại vị trí dùng thuốc
-
Rất phổ biến: Sốt.
-
Thường gặp: Ớn lạnh, triệu chứng giả cúm, phản ứng tại chỗ tiêm, phù ngoại biên.
-
Chưa biết rõ: Thuốc không hiệu quả.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.