Nhịp tim trên 100: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Theo bác sĩ chuyên khoa, nếu nhịp tim của một người trên 100 lần/phút lúc đang nghỉ ngơi và không bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý thì được xem là nhanh hơn bình thường. Đặc biệt, khi tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài hoặc khi xuất hiện có kèm theo bất kỳ triệu chứng liên quan nào thì cần nhanh chóng đi khám để được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như điện tâm đồ (ECG) hoặc theo dõi Holter, nhằm đánh giá nhịp tim và xác định nguyên nhân cơ bản gây ra nhịp tim cao trên 100.
Nguyên nhân nhịp tim trên 100
Nhịp tim nhanh là hiện tượng có thể do nhiều yếu tố góp phần gây ra, bao gồm:
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhip_tim_tren_100_thuong_xuyen_co_nguy_hiem_khong_2_a904524807.jpg)
Cảm xúc mạnh
Căng thẳng, hoảng sợ và phấn khích,... đều có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn bình thường.
Trầm cảm
Các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, khiến tần số nhịp tim dao động.
Sử dụng chất kích thích
Các chất như caffeine, rượu, nicotin và cocaine đều có thể kích thích hệ thống tim mạch, dẫn đến nhịp tim tăng cao.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc trị ho, cảm lạnh, hen suyễn, thuốc kháng sinh, giảm cân và thông mũi, có thể gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn là làm tăng nhịp tim.
Sốt
Nhiệt độ cơ thể tăng cao do bệnh tật có thể khiến tim bạn phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến nhịp tim nhanh hơn.
Tập thể dục cường độ cao
Trong quá trình tập luyện, nhịp tim tăng cao là điều hoàn toàn có thể xảy ra vì cơ thể lúc này cần nhiều oxy và năng lượng hơn.
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhip_tim_tren_100_thuong_xuyen_co_nguy_hiem_khong_3_dafc545f07.jpg)
Thay đổi nội tiết tố
Nội tiết tố thay đổi do các tình trạng như rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc mang thai có thể ảnh hưởng đến việc điều hòa nhịp tim.
Chế độ ăn uống
Tiêu thụ quá nhiều tinh bột, đường, chất béo, muối, nitrat hoặc bột ngọt có thể góp phần gây ra nhịp tim nhanh ở những người dễ mắc bệnh.
Tình trạng tim mạch
Các bệnh tim tiềm ẩn như hẹp van tim, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim phì đại, nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim đều có thể dẫn đến nhịp tim nhanh.
Bệnh cường giáp
Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể kích thích quá trình trao đổi chất của cơ thể, bao gồm cả nhịp tim.
Huyết áp thấp
Tình trạng huyết áp thấp đôi khi có thể kích hoạt nhịp tim tăng bù để duy trì lưu thông đầy đủ.
Mất cân bằng điện giải
Rối loạn hoặc mất nước có thể phá vỡ sự cân bằng điện giải trong cơ thể, có khả năng ảnh hưởng đến chức năng tim, gây ra tình trạng nhịp tim cao trên 100.
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhip_tim_tren_100_thuong_xuyen_co_nguy_hiem_khong_4_a9392c093b.jpg)
Bệnh tiểu đường
Cả bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 đều có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, dẫn đến sự dao động của nhịp tim.
Hiểu nguyên nhân cơ bản gây ra nhịp tim trên 100 là rất quan trọng để kiểm soát và điều trị hiệu quả. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng nhịp tim cao trên 100 thường xuyên hoặc nghiêm trọng, điều cần thiết là phải đi khám bác sĩ sớm để được đánh giá và hướng dẫn y tế.
Triệu chứng nhịp tim cao trên 100
Việc nhịp tim thường xuyên trên 100 nhịp mỗi phút có thể đáng báo động và gây ra tình trạng khó chịu kéo dài khiến nhiều người lo lắng. Dưới đây là tổng quan các triệu chứng thường liên quan đến nhịp tim luôn ở mức trên 100 bạn cần biết:
Khó thở
Những người bị nhịp tim tăng cao có thể cảm thấy khó thở hoặc hụt hơi, thường cần phải rướn người lên để dễ thở hơn.
Lo lắng và bồn chồn
Nhịp tim nhanh có thể gây ra cảm giác lo lắng, bồn chồn và căng thẳng, cả người không hề dễ chịu.
Cảm giác tim đập mạnh
Bạn có thể cảm thấy tim mình đập thình thịch ở ngực, cổ, cổ họng hoặc thậm chí là tai, tạo ra cảm giác rung hoặc đánh trống ngực.
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/20220701_roi_loan_nhip_tim_la_gi_4_138225eb0f.png)
Rối loạn nhịp tim
Nhịp tim không đều, hay rối loạn nhịp tim, thường liên quan đến nhịp tim cao, làm tăng cảm giác đánh trống ngực và góp phần gây khó chịu cho tim.
Nhức đầu
Khi bị nhịp tim nhanh thường xuyên nhiều người còn cảm thấy triệu chứng đau đầu.
Đau thắt ngực
Đau ngực, hay đau thắt ngực, có thể xảy ra do lưu lượng máu đến cơ tim giảm do nhu cầu tăng lên bởi nhịp tim nhanh.
Chóng mặt
Cảm giác lâng lâng, chóng mặt hoặc ngất xỉu là triệu chứng phổ biến của nhịp tim tăng cao, vì hệ thống tim mạch lúc này phải “vật lộn” để duy trì đủ lưu lượng máu đến não.
Ngất xỉu
Trong trường hợp nghiêm trọng, nhịp tim nhanh vượt quá 100 nhịp mỗi phút có thể dẫn đến mất ý thức hoặc ngất xỉu, cho thấy rối loạn tim mạch đáng kể.
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhip_tim_tren_100_thuong_xuyen_co_nguy_hiem_khong_7_c2750eb70e.jpg)
Biến chứng của nhịp tim cao trên 100
Nhịp tim nhanh vượt quá 100 nhịp mỗi phút, có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe tim mạch nếu không được kiểm soát. Mặc dù nhịp tim thỉnh thoảng tăng là bình thường nhưng nhịp tim nhanh kéo dài có thể dẫn đến một loạt biến chứng cần được chú ý và xử lý.
Các biến chứng liên quan đến nhịp tim cao trên 100 thường xuyên bao gồm:
Ngất xỉu hoặc mất ý thức
Nhịp tim nhanh kéo dài có thể dẫn đến tụt huyết áp đột ngột, làm tăng nguy cơ ngất xỉu hoặc mất ý thức. Những người bị nhịp tim nhanh có thể cảm thấy choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu do lượng máu lên não không đủ.
Hình thành cục máu đông
Nhịp tim nhanh, đặc biệt là ở dạng rung tâm nhĩ, có thể làm gián đoạn lưu lượng máu bình thường trong tim, dẫn đến hình thành cục máu đông. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra các tình trạng đe dọa tính mạng như đau tim hoặc đột quỵ.
Suy tim
Nhịp tim nhanh mãn tính, đặc biệt khi liên quan đến các tình trạng như rung tâm nhĩ, có thể làm suy yếu cơ tim theo thời gian, làm suy giảm khả năng bơm máu hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến suy tim, một tình trạng nghiêm trọng khi tim không thể đáp ứng nhu cầu máu có oxy của cơ thể.
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhip_tim_tren_100_thuong_xuyen_co_nguy_hiem_khong_8_dc1eac3187.jpg)
Nguy cơ tử vong đột ngột
Mặc dù hiếm gặp nhưng nhịp tim nhanh đôi khi có thể dẫn đến ngừng tim đột ngột. Biến chứng đe dọa tính mạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán và can thiệp kịp thời đối với những người có nhịp tim nhanh vượt quá 100 nhịp mỗi phút kéo dài.
Làm sao để phòng ngừa nhịp tim trên 100?
Để phòng ngừa nhịp tim trên 100, bạn có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp chủ động sau đây:
Áp dụng lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh là điều cần thiết giúp duy trì sức khỏe tim mạch tối ưu. Ưu tiên hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc và các biện pháp quản lý căng thẳng để hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Kết hợp các thực phẩm có lợi cho tim mạch vào chế độ ăn uống hàng ngày, bao gồm các loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất như cam, chanh, bưởi và chuối. Ngoài ra, hãy tiêu thụ thực phẩm giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như cá béo và các loại hạt, để hỗ trợ sức khỏe tim mạch nói chung.
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhip_tim_tren_100_thuong_xuyen_co_nguy_hiem_khong_6_383ad33f76.jpg)
Ngoài ra, nên hạn chế dùng các chất kích thích như rượu, cà phê và trà đặc cũng như thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhịp tim nhanh.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục đều đặn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung, hệ tim mạch nói riêng. Nên kết hợp các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga và thiền vào cuộc sống hàng ngày. Mặc dù tập thể dục có thể tạm thời làm tăng nhịp tim nhưng hoạt động thể chất đều đặn sẽ củng cố cơ tim theo thời gian, thúc đẩy nhịp tim ổn định hơn.
Duy trì cân bằng điện giải
Đảm bảo cung cấp đủ các chất điện giải cần thiết như kali (K+), canxi (Ca2+), natri (Na+) và magie (Mg2+) cho cơ thể. Những ion này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng và nhịp tim thích hợp.
Kiểm soát căng thẳng
Kiểm soát tốt căng thẳng để giữ cho tâm trí và cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng.
Uống đủ nước
Bổ sung nước cho cơ thể suốt cả ngày để duy trì lượng nước và hỗ trợ chức năng tim mạch tối ưu. Mất nước có thể làm trầm trọng thêm nhịp tim nhanh, vì vậy hãy cố gắng uống đủ nước thường xuyên.
![Nhịp tim trên 100 thường xuyên có nguy hiểm không? 8](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhip_tim_tren_100_thuong_xuyen_co_nguy_hiem_khong_5_4d915eeffa.jpg)
Tránh những thói quen xấu
Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo nên bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu và tránh sử dụng các chất kích thích vì tất cả các yếu tố này đều góp phần gây nhịp tim nhanh.
Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng nhịp tim trên 100 kéo dài cùng cách nhận biết triệu chứng, biến chứng nguy hiểm lẫn biện pháp phòng ngừa chủ động. Lưu ý là khi nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào bất thường, bạn phải nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và xử lý kịp thời nhé.
Xem thêm: