Nguyên nhân vì sao trẻ ăn nhiều mà vẫn không tăng cân?
“Tại sao trẻ ăn nhiều mà vẫn không tăng cân?” là câu hỏi chung mà các bậc làm cha làm mẹ luôn thắc mắc và lo lắng. Vậy nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là gì? Quý phụ huynh có thể tìm hiểu được trong bài viết dưới đây.
Hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện
Đây là lý do khiến trẻ ăn nhiều nhưng hấp thụ lại kém. Trẻ nhỏ chưa hoàn thiện cấu trúc hệ tiêu hóa, thành ruột mỏng, đường ruột ngắn và các men tiêu hóa chưa đủ. Điều này gây nên trở ngại trong việc tiêu hóa thức ăn. Rối loạn hệ tiêu hóa là bệnh phổ biến với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi chứ không riêng gì trẻ nhỏ. Song, con trẻ vẫn là đối tượng dễ mắc phải và mức độ nguy hiểm cao nhất. Cha mẹ cần chú ý tới những biểu hiện tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, đầy hơi… để kịp thời xử lý.
Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện khiến trẻ ăn nhiều không tiêu hóa.
Lạm dụng kháng sinh
Con trẻ có hệ miễn dịch kém, sức đề kháng yếu nên rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường bên ngoài. Vì thế mà trẻ hay ốm, tuy nhiên thay vì cho trẻ uống đúng liều lượng thì nhiều bậc cha mẹ do quá lo lắng đã lạm dụng kháng sinh quá mức. Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây hại mà còn tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi. Mất đi lợi khuẩn có khả năng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể giảm đi rõ rệt, gây nên sự mất cân bằng hệ sinh thái và giảm chức năng hoạt động của đường ruột.
Ăn nhiều nhưng không đủ chất
Không nên chiều trẻ cho trẻ ăn nhiều lần 1 món hợp khẩu vị nhưng lại không đủ chất dinh dưỡng.
Một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phải bao gồm cả 4 nhóm thức ăn chính:
- Chất bột đường (cơm, cháo, ngũ cốc…)
- Chất đạm (thịt, cá, trứng…)
- Chất béo (dầu, mỡ…)
- Bổ sung vitamin và chất khoáng (rau, củ, quả..).
![Nguyên nhân trẻ ăn nhiều vẫn không tăng cân vì sao? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_tre_an_nhieu_van_khong_tang_can_vi_sao_2_1_be32041ecb.jpg)
Bổ sung kháng sinh tự nhiên bằng cách thêm hành tỏi vào mỗi món ăn. Hành và tỏi rất có ích cho việc kháng khuẩn. Cần đảm bảo việc cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày vì nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, nhất là ở trẻ nhỏ. Mỗi độ tuổi chất dinh dưỡng cần nạp vào lại khác nhau. Vì vậy hãy chú ý tới việc tăng khẩu phần ăn của trẻ khi trẻ lớn dần.
Trẻ bị nhiễm giun, sán
Nhiễm giun móc, giun tóc, giun kim, sán lá... ở trẻ có lẽ là lý do phổ biến nhất khiến trẻ ăn nhiều mà vẫn chẳng thấy tăng cân nào. Có nhiều lý do khiến trẻ nhiễm giun sán như:
- Ăn thực phẩm mất vệ sinh.
- Không ăn chín uống sôi (gỏi, thịt tái…).
- Hiếu động đùa nghịch bên ngoài nhưng khi về không rửa tay sạch sẽ.
- Chơi đùa với thú nuôi.
- Lây nhiễm từ người khác, nhất là khi đi lớp.
Để khắc phục, cha mẹ hãy đặt lịch dùng thuốc tẩy giun Fugacar định kỳ cho con 6 tháng 1 lần từ sau 2 tuổi để diệt trừ giun sán kí sinh trong cơ thể trẻ, tránh việc bị giun, sán “tranh” mất thức ăn.
Ăn nhiều thứ độc hại
Hạn chế cho trẻ uống nước có ga, đồ ăn nhanh, đồ ăn que xiên có nguồn gốc không rõ ràng bán đầy lề đường và cả những gói đồ ăn đầy màu sắc nhưng trên bao bì không in rõ ngày sản xuất hay hạn sử dụng.
Trẻ quá hiếu động
Trẻ vận động nhiều nên nhu cầu bổ sung thức ăn cao hơn khi không vận động. Nếu phần ăn không đủ sẽ khiến trẻ mãi không tăng cân vì bao nhiêu đồ ăn cũng đều được trẻ tiêu hao vào việc chạy nhảy mất rồi. Tuy nhiên đây không phải điều đáng lo mà chính là điều đáng mừng khi trẻ đang phát triển rất khỏe mạnh. Điều cha mẹ cần làm chỉ là bù đắp lại những năng lượng đã được trẻ tiêu hao hết mỗi khi vận động mà thôi.
Phải ở trong hoàn cảnh của các bậc làm cha làm mẹ thì mới hiểu được nỗi khổ tâm. Chúc các con luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, để trở thành niềm tự hào của cha của mẹ!
Lâm Khuê
Nguồn tham khảo: Tổng hợp