Nguyên nhân trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi và cách chăm sóc hiệu quả
Phải làm sao khi trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi? Đây đang là nỗi băn khoăn của không ít bậc cha mẹ. Trước khi tìm hiểu cách chăm sóc trẻ khi gặp phải tình trạng này, hãy cùng Hà An Pharmacy điểm qua một vài thông tin về nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi trước nhé.
Tổng quan về tình trạng sốt ở trẻ nhỏ
Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ dao động trong khoảng từ 36,5 - 37,5 độ C. Trên thực tế, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ thay đổi tùy vào các thời điểm khác nhau trong ngày như thân nhiệt thấp vào buổi sáng và cao hơn vào buổi tối, thân nhiệt của trẻ tăng lên khi trẻ chạy nhảy, chơi đùa… Đây là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể và không phải là sốt. Khi trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên và vượt ngưỡng bình thường, cụ thể từ 38 độ C trở lên.
Về bản chất, sốt không phải là bệnh mà là một phản ứng tự nhiên của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sốt có thể là dấu hiệu cảnh báo một nhiễm trùng nghiêm trọng nào đó và lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời, tránh những hậu quả không mong muốn xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi
Việc xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi là điều rất quan trọng trong công tác điều trị bệnh. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trẻ sốt nhưng không ho, sổ mũi như:
Trẻ mọc răng
Trong quá trình phát triển của trẻ, mọc răng là điều hết sức bình thường. Khi những chiếc răng sữa của bé bắt đầu nhú ra sẽ làm cho nướu bị viêm và sưng đỏ. Điều này khiến cho thân nhiệt của trẻ có xu hướng tăng nhẹ.
Ở giai đoạn này, trẻ rất dễ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi mà kèm theo đó là một loạt các biểu hiện như biếng ăn, quấy khóc, chảy nước miếng và có thể đi ngoài phân nhầy. Tuy nhiên, cha mẹ không cần quá lo lắng bởi tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu.
Mặc quá nhiều quần áo
Thân nhiệt của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa được ổn định. Chính vì thế, việc cha mẹ cho trẻ mặc quá nhiều quần áo cũng khiến thân nhiệt của trẻ bị tăng cao, đồng nghĩa với việc trẻ có thể bị sốt do không thoát được nhiệt, không liên quan triệu chứng ho và sổ mũi. Lúc này, cha mẹ cần cởi bớt quần áo cho trẻ và theo dõi sát thân nhiệt của trẻ (15 - 30 phút/lần).
Tiêm vaccine
Sau khi tiêm các mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván hay quai bị… có thể khiến trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi. Các triệu chứng này sẽ tự thuyên giảm sau 1 - 2 ngày.
Trường hợp trẻ chỉ đơn giản là tăng thân nhiệt thì đây là điều bình thường bởi bé đang phản ứng lại với vaccine. Tuy nhiên, trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C thì cha mẹ cần theo dõi sát bé hơn, bởi sốt cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu bé sốt cao không hạ, kèm theo một số biểu hiện như ngủ triền miên, mệt lả… cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Sốt phát ban
Trẻ sốt cao liên tục trong vòng từ 3 - 7 ngày và giảm dần sau đó, phát ban xảy ra khi trẻ bắt đầu hạ sốt. Trẻ bị nổi mẩn đỏ khắp người và thường là ban chìm. Trường hợp trẻ sốt cao, sốt phát ban cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trẻ có thể bị co giật khi sốt cao từ 39 độ trở lên.
Trong trường hợp trẻ sốt phát ban không lặn sau 5 - 7 ngày kèm theo tình trạng nốt ban mưng mủ, tiêu chảy kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm nếu cần.
Viêm màng não
Trẻ mắc viêm màng não sẽ có những triệu chứng như sốt, cổ cứng không cử động được, phía sau thóp bị phồng, bé rơi vào trạng thái li bì, mê man, có thể kèm nôn mửa. Lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng của trẻ. Trường hợp trẻ có dấu hiệu liệt từ nửa mặt đến nửa thân, rối loạn ý thức… cha mẹ cần báo ngay với bác sĩ ngay để tránh những hậu quả khôn lường.
Sốt rét
Trẻ bị sốt khi đang sinh sống hoặc sau khi đến những nơi có sốt rét trong vòng 6 tháng đổ lại thì rất có thể trẻ đang bị sốt rét. Các triệu chứng trẻ có thể gặp phải khi bị sốt rét bao gồm: Sốt nhưng không ho và sổ mũi, sốt dai dẳng kéo dài, có thể kèm theo các cơn rét run, ớn lạnh, đau cơ và mệt mỏi.
Nếu nhận thấy tình trạng bệnh của trẻ có xu hướng tiến triển nặng hơn như rối loạn tiêu hóa, rối loạn ý thức… cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đây là những biểu hiện của sốt rét ác tính, trẻ có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi
Trong trường hợp trẻ sốt cao kèm theo nhiều dấu hiệu nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đưa ra chẩn đoán, các biện pháp, đơn thuốc phù hợp để hạ sốt cho trẻ hiệu quả.
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sốt nhưng không quấy khóc hay không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ có thể yên tâm áp dụng các biện pháp hạ sốt thông thường tại nhà. Bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của bé đang hoạt động để chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi tại nhà, cha mẹ có thể tham khảo:
Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát
Mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tránh trường hợp cho trẻ mặc quá nhiều quần áo hay đắp nhiều chăn cho trẻ khi trẻ bị sốt, kể cả khi trẻ kêu lạnh. Việc mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến cho bé khó thoát nhiệt ra bên ngoài dẫn đến tình trạng sốt của trẻ trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, mẹ nên cho trẻ mặc những bộ quần áo mỏng, thoáng mát để bé cảm thấy thoải mái nhất, tạo điều kiện cho nhiệt thoát ra ngoài, từ đó giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh.
Chườm ấm cho trẻ
Khi trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi thì chườm ấm sẽ giúp mạch máu và lỗ chân lông giãn nở, qua đó nhiệt sẽ thoát ra ngoài nhanh hơn và trẻ nhanh hạ sốt.
Cách thực hiện: Pha nước ấm vào một cái chậu, lấy khăn nhúng nước và vắt nhẹ, sau đó chườm vùng trán, nách, bẹn, lòng bàn chân và lòng bàn tay cho trẻ. Ngoài ra, mẹ có thể đặt khăn ấm lên trán, 2 hõm nách và 2 bên bẹn, đồng thời sử dụng thêm một chiếc khăn khác để lau toàn thân cho trẻ. Khi khăn nguội, tiếp tục nhúng khăn vào nước ấm và chườm, chườm liên tục cho đến khi trẻ hạ sốt thì dừng lại.
Bù nước cho trẻ
Khi trẻ sốt sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, lúc này cha mẹ nên bù nước kịp thời cho trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước hoa quả hoặc uống những những loại thuốc có chứa điện giải như: Viên sủi Oresol Pluz Hadiphar, Calcium Chloride,... Trường hợp trẻ còn bú mẹ thì cho trẻ bú mẹ tích cực. Điều này sẽ giúp trẻ bù lại lượng nước đã mất do sốt, đồng thời tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Sử dụng thuốc hạ sốt
Chỉ cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt khi các biện pháp nêu trên không giúp sốt chuyển biến tốt, trẻ vẫn sốt từ 38,5 độ trở lên. Theo khuyến cáo, mẹ có thể cho trẻ sử dụng loại thuốc phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ, liều hạ sốt khuyến cáo là 10 - 15mg/kg/lần. Khoảng cách giữa các liều hạ sốt là từ 4 - 6 tiếng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì trước khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết được loại thuốc cũng như liều lượng phù hợp nhất cho trẻ (nếu cần).
Hà An Pharmacy hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức về nguyên nhân cũng như cách chăm sóc trẻ bị sốt nhưng không ho, sổ mũi. Chúc bạn đọc sẽ có thật nhiều sức khoẻ và đừng quên chia sẻ bài viết đến những người xung quanh nếu thấy bài viết hữu ích bạn nhé.
Xem thêm: Bé bị ho sổ mũi thở khò khè: Cách nhận biết, nguyên nhân và hướng xử trí