Nguyên nhân gây đau khớp vai sau và cách phòng ngừa
Đau khớp vai sau là tình trạng thường gặp và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, làm việc của nhiều người. Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Mời bạn tham khảo những chia sẻ về nguyên nhân và cách phòng ngừa triệu chứng đau khớp vai sau qua bài viết dưới đây.
Những đối tượng dễ gặp tình trạng đau khớp vai sau
Vai là bộ phận có cấu trúc phức tạp, bao gồm 3 xương chính đó là: Xương bả vai, xương cánh tay và xương đòn. Bên cạnh đó, cấu tạo của vai còn có sự tham gia của khớp ức đòn và khớp cùng đòn, hay còn gọi là các khớp vai. Hai khớp này giúp vai có thể di chuyển về phía trước và phía sau, cử động tròn hay vươn dài.
Triệu chứng đau khớp vai sau có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên các đối tượng dưới đây thường có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn, cụ thể:
Người lớn tuổi: Người già có hệ thống miễn dịch suy yếu, hệ thống cơ xương khớp thoái hóa và khả năng vận động giảm dần. Do đó, khả năng bị đau khớp vai của người lớn tuổi cũng cao hơn sao với những người khác.
Nhân viên văn phòng: Những người làm nghề lập trình viên, thiết kế, kế toán hay kiến trúc sư… thường xuyên phải ngồi nhiều, ngồi lâu và ít vận động nên rất dễ bị mỏi đau nhức cơ vai.
![Nguyên nhân gây đau khớp vai sau và cách phòng ngừa 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_dau_khop_vai_sau_va_cach_phong_ngua_1_bac051c423.jpg)
Vận động viên, người lao động quá sức: Những vận động viên thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, cử tạ hay người lao động thường xuyên khuân vác đồ nặng sẽ có nguy cơ gặp chấn thương cao. Từ đó gây tổn thương trực tiếp đến xương vai (gãy xương vai, trật khớp vai). Những tổn thương này nếu không chữa trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm xương khớp vai sau, thậm chí là tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Nguyên nhân gây đau khớp vai sau
Đau khớp vai sau có thể xuất phát do nhiều nguyên nhân khác nhau như làm việc nặng nhọc, hoạt động sai tư thế hoặc là dấu hiệu của bệnh lý xương khớp. Khi xác định được nguyên nhân gây ra triệu chứng này sẽ giúp người bệnh áp dụng phương pháp điều trị hiệu quả.
Nguyên nhân sinh lý
Vận động quá sức: Người lao động có đặc thù công việc thường xuyên phải đỡ hàng và giơ tay cao, tiếp xúc với máy rung xóc khớp vai, khuân vác đồ nặng… dễ gây tổn thương đến dây chằng, khớp bả vai…
Chấn thương: Người từng bị chấn thương ở vùng khớp vai, xương đòn, bả vai...
Chơi thể thao sai cách: Những động tác chơi thể thao quá mạnh hay không đúng cách như ném lao, đánh tennis… khi không thực hiện đúng cách có thể làm giãn dây chằng, căng cơ,..
Lạm dụng thuốc: Những người lạm dụng thuốc ngủ, thuốc kháng lao thường có nguy cơ đau khớp vai sau cao hơn.
Nguyên nhân bệnh lý
Thoái hóa khớp vai
Một trong bệnh lý gây ra triệu chứng đau khớp vai sau đó chính là thoái hóa khớp vai. Khi mắc căn bệnh này, người bệnh thường có cảm giác đau nhức mỗi khi cử động do xương bị xơ hóa, tạo gai xương và các hốc xương. Nếu tình trạng thoái hóa khớp vai kéo dài có thể dẫn đến cứng khớp và gây khó khăn trong quá trình vận động.
Bệnh lý xảy ra khi phần khớp vai bị tổn thương khiến việc vận động bị đau nhức. Ở tình trạng nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy đau khớp vai sau với mức độ thưa thớt. Ở tình trạng nặng, cơn đau nhức có thể lan xuống vùng xương khác của tay như khớp cánh tay hay bàn tay.
Trật khớp vai
Đây là loại chấn thương thường gặp với biểu hiện như đau dữ dội khi vận động, không thể vận động khớp vai. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận biết tình trạng trật khớp vai bằng mắt thường do khớp vai sẽ xoay ra ngoài từ 30 - 40 độ.
Cứng khớp vai
Đây là bệnh lý khá hiếm gặp, chiếm 2% trong các bệnh về xương khớp vai. Dạng tổn thương này thường gặp nhiều ở nữ giới so với nam giới. Bên cạnh đó, người mắc bệnh về tuyến giáp, đái tháo đường hay bệnh lý về tim cũng sẽ có nguy cơ bị cứng khớp vai cao.
Biện pháp phòng ngừa đau khớp vai sau đơn giản và hiệu quả
Khi gặp phải tình trạng đau khớp vai sau, người bệnh cần tiến hành thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán, từ đó tìm ra nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng nên áp dụng một số biện pháp sau để phòng ngừa các cơn đau khớp vai:
- Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao giúp dây chằng và các cơ, gân ở vai trở nên linh hoạt, tránh những tổn thương không đáng có xảy ra.
- Không nên cố gắng nhấc vật nặng một cách đột ngột hay trong tư thế chưa thoải mái.
- Không vận động khớp vai quá sức, cường độ mạnh trong thời gian dài bởi rất dễ gây tổn thương. Đồng thời, tập luyện một số bài tập thể dục giúp kéo giãn cơ xương, tăng cường cơ bắp.
![Nguyên nhân gây đau khớp vai sau và cách phòng ngừa](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_gay_dau_khop_vai_sau_va_cach_phong_ngua_3_a8b81a2d69.jpg)
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng. Chú ý bổ sung đủ vitamin D và canxi cho cơ thể giúp phòng ngừa các bệnh về xương khớp bằng các thực phẩm như hải sản, sữa, các loại đậu.
- Tầm soát sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ và phòng tránh bệnh lý kịp thời.
Trên đây chính là những nguyên nhân gây đau khớp vai sau và cách phòng ngừa hiệu quả. Khi phát hiện khớp vai có triệu chứng đau bất thường thì hãy đi khám ngay để được thăm khám và chẩn đoán nhanh chóng nhé!
Thùy Dung
Nguồn tham khảo: Tổng hợp