Ngón chân út bị sưng đau là do đâu? Cách điều trị thế nào?
Sưng ngón chân út là hiện tượng thường gặp, khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong vận động và luôn cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nhiều người không biết hiện tượng ngón chân út bị sưng đau là dấu hiệu của bệnh gì nên chủ quan, không đi khám, đến khi bệnh trở nặng thì đã khó xử lý, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân ngón chân út bị sưng đau
Do kích thước của khớp ở ngón chân út khá nhỏ nên dễ bị tổn thương, sưng đau. Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này gồm:
Viêm khớp
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến ngón chân út bị sưng đau. Người mắc bệnh viêm khớp có biểu hiện bị sưng vù khớp ngón chân út, cảm giác nóng đỏ và đau nhức rất khó chịu. Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện cứng khớp và mở rộng ngón chân út rất khó khăn.
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ngón chân út có thể là do phát triển từ một chấn thương tại khớp hoặc do bị nhiễm khuẩn. Người bệnh cần điều trị sớm để ngăn viêm khớp tiến triển thành bệnh mạn tính gây hủy hoại khớp.
![Ngón chân út bị sưng đau là do đâu? Cách điều trị thế nào? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bai_vietngon_chan_ut_bi_sung_dau_la_do_dau_cach_dieu_tri_the_nao_html_1_dc06f1c655.png)
Mang giày không phù hợp
Những người thường xuyên mang giày thể thao kích thước quá nhỏ hoặc giày cao gót khiến ngón chân út chịu nhiều áp lực, dẫn đến tổn thương, khiến ngón chân út bị sưng đau.
Bong gân
Ngón chân út bị bong gân gây tổn thương đến các mô mềm và dây chằng xung quanh ngón chân út. Tình trạng này có thể làm ngón chân út sưng đỏ, đau nhói và không thể cử động thông thường.
Bệnh gout
Ngón chân bị sưng đau có thể là triệu chứng của bệnh gout. Bệnh có thể tác động đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, thường gặp nhất là các khớp ngón tay, ngón chân.
Lượng axit uric trong máu tăng cao quá mức là nguyên nhân khởi phát bệnh gout. Sau một thời gian, chất này sẽ tích tụ thành các tinh thể muối sắc nhọn đâm vào khớp và phần mềm xung quanh ngón chân út làm cho khu vực này bị sưng đau dữ dội. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng của bệnh gout một cách đột ngột vào ban đêm.
Chấn thương khớp ngón chân út
Trong lúc chơi thể thao, lao động, bị té ngã hoặc gặp tai nạn xe cộ, bạn có thể bị bị chấn thương ngón chân út, có thể khiến cho ngón chân út bị sưng đau.
Trật khớp ngón chân út
Trật khớp ngón chân út là dạng chấn thương phổ biến làm cho ngón chân út bị đau đớn, sưng tấy. Với trường hợp bị trật khớp nặng, khớp ngón chân bị lệch hẳn ra ngoài.
Thoái hóa khớp
Một số người bị thoái hóa khớp cũng khiến cho ngón chân út bị sưng đau. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng cứng khớp, cử động ngón chân út khó khăn, đặc biệt vào buổi sáng.
![Ngón chân út bị sưng đau là do đâu? Cách điều trị thế nào? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bai_vietngon_chan_ut_bi_sung_dau_la_do_dau_cach_dieu_tri_the_nao_html_2_12af464b2d.png)
Viêm đa khớp dạng thấp
Tình trạng sưng ngón chân có thể ảnh hưởng đến lớp màng hoạt dịch của nhiều khớp trên cơ thể cùng lúc. Khi ngón út ở một bên chân bị sưng đau thì ngón út ở bàn chân bên kia cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bên cạnh triệu chứng này, người bệnh còn bị nóng đỏ khớp, các khớp ngón chân út cứng lại hoặc thậm chí biến dạng nếu không được điều trị tốt.
Triệu chứng ngón chân út bị sưng đau
Sưng đau ngón chân út là bệnh về xương khớp phổ biến, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng như:
- Đau nhức: Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội ở ngón chân bị sưng. Càng vận động càng đau.
- Khớp bị biến dạng: Lệch khớp ngón chân út ra khỏi ổ khớp hoặc không còn nguyên cấu trúc bình thường.
- Nóng đỏ ngón chân út: Tình trạng tổn thương còn gây hiện tượng viêm đỏ, chạm tay vào có cảm giác nóng ấm.
- Cứng khớp: Biểu hiện cứng ngón, khó cử động thông thường như mở rộng ngón chân, đưa ngón lên, đưa xuống.
- Các triệu chứng khác: Cũng tùy theo nguyên nhân gây sưng đau ngón chân út sẽ có triệu chứng như nóng sốt, mệt mỏi, tê bì ngón chân…
Làm gì khi ngón chân út bị sưng đau?
Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây sưng đau ở ngón chân út bằng cách chỉ định làm xét nghiệm máu, chụp x-quang hay các phương pháp cận lâm sàng khác. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc điều trị và kết hợp với một số giải pháp tự nhiên để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Giảm sưng bằng chườm nóng hoặc chườm lạnh
Phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh là cách dùng liệu pháp nhiệt để giảm sưng, làm dịu cơn đau ở ngón chân út. Trong đó:
- Chườm lạnh: Phương pháp này dành cho người mới bị chấn thương. Nhiệt lạnh tiếp xúc với vùng bị tổn thương sẽ ức chế quá trình sưng viêm ở các mô và giúp làm giảm cảm giác đau nhức khó chịu. Bạn chỉ cần lấy một ít đá nhỏ bọc vào trong miếng vải mỏng, sau đó chườm trực tiếp lên ngón chân bị sưng đau trong 15 phút. Lặp lại thao tác trên 2 - 3 lần mỗi ngày để cải thiện cơn đau nhức khó chịu.
- Chườm nóng: Phương pháp này dành cho người bị thương sau khoảng 48 tiếng. Nhiệt độ cao tác động lên vùng bị tổn thương khiến tình trạng sưng đau ở ngón chân út sẽ thuyên giảm đáng kể. Đồng thời, hơi nóng còn kích thích lưu thông máu ở vùng bị sưng đau, giúp chữa lành tổn thương ở ngón chân út nhanh chóng. Người bệnh có thể chườm nóng vài lần trong ngày để hồi phục nhanh ngón chân út bị tổn thương.
![Ngón chân út bị sưng đau là do đâu? Cách điều trị thế nào? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bai_vietngon_chan_ut_bi_sung_dau_la_do_dau_cach_dieu_tri_the_nao_html_3_286e177fbb.png)
Dùng thuốc điều trị
Tùy nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc điều trị nếu cần thiết. Với trường hợp ngón chân út bị sưng đau do bệnh gout, người bệnh cần sử dụng thuốc trị gout. Mục tiêu của phác đồ điều trị bệnh gout bằng thuốc là:
- Giảm sưng viêm, đau trong các đợt cấp của bệnh.
- Hạ nồng độ axit uric máu.
- Dự phòng xảy ra cơn gout cấp.
Để ức chế quá trình viêm, giảm sưng đau tại khớp, bác sĩ thường chỉ định thuốc trị bệnh gout như thuốc giảm viêm kháng đau không chứa steroid (NSAIDs), corticosteroid hoặc colchicin giúp kiểm soát triệu chứng trong đợt cấp.
Việc chỉ định loại thuốc nào dựa vào tình hình cụ thể của từng bệnh nhân như các bệnh lý đi kèm, mức độ hoạt động bệnh, khả năng dung nạp thuốc.
Tóm lại, khi bị tình trạng ngón chân út bị sưng đau, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn và tìm hướng điều trị thích hợp.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp