Bệnh gút (Gout) là gì? Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh Gout là một dạng viêm khớp do tích tụ tinh thể axit uric, thường bắt đầu ở ngón chân cái và gây đau đột ngột, sưng tấy. Các cơn gout có thể kéo dài từ một đến hai tuần.. Cơn gút cấp sau đó sẽ hết và bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng giữa những cơn gút cấp. Tuy nhiên, nếu không điều trị, gút sẽ tái phát lại sau vài tháng hoặc vài năm. Biến chứng của gút gây xói mòn và phá huỷ khớp, làm tổn thương các cơ quan khác như tim mạch, thận (gây sỏi thận)...
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Gout
Triệu chứng của bệnh Gout thường bao gồm:
- Đau nhức đột ngột và nghiêm trọng: Đau thường xuất hiện mạnh mẽ ở các khớp, thường xuất hiện ban đêm, đặc biệt là ngón chân cái. Cơn đau có thể trầm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu sau khi bắt đầu.
- Cảm giác khó chịu kéo dài: Sau khi cơn đau dữ dội nhất giảm bớt, một số khó chịu ở khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các cảm giác khó chịu sau này có thể kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.
- Sưng tấy và đỏ: Các khớp bị ảnh hưởng có thể sưng lên và trở nên đỏ, cảm giác nóng rát khi chạm vào.
- Cứng khớp: Khớp có thể bị cứng, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu một chỗ.
- Giới hạn phạm vi hoạt động khớp: Khi bệnh gút tiến triển, bạn có thể không thể cử động khớp bình thường.
Những triệu chứng này có thể xảy ra tại nhiều khớp khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ở ngón chân cái. Cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác như đầu gối, cổ tay, bàn tay và mắt cá chân. Triệu chứng có thể xuất hiện nhanh chóng và đạt đến cường độ cao chỉ sau vài giờ, gây ra sự khó chịu lớn cho người bệnh.
Tác động của bệnh Gout đối với sức khỏe
Ngoài những triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thống khớp trong cơ thể, axit uric dư thừa cũng có thể làm tổn thương thận, mạch máu và các cơ quan khác, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tim mạch cũng như bệnh tiểu đường, trầm cảm và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến, có nguy cơ gây rối loạn cương dương ở nam giới.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Gout
- Bệnh Gout tái phát: nếu không điều trị, gút sẽ tái phát lại sau vài tháng hoặc vài năm. Mỗi lần tái phát thì thời gian lặp lại 1 đợt gút cấp mới sẽ ngắn hơn đợt trước. Nếu không được điều trị, bệnh gút có thể gây xói mòn và phá hủy khớp.
- Nốt tô-phi (tophi): Gout không được điều trị sẽ dẫn đến việc lắng đọng lâu dài các tinh thể uric dưới da tạo thành các nốt sần gọi là tophi. Tophi có thể xuất hiện ở một số vùng cơ thể chẳng hạn như ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hoặc gân Achilles dọc theo mặt sau của mắt cá chân của bạn. Hạt tophi thường không gây đau đớn, nhưng chúng có thể sưng và đau trong các đợt gút cấp. Ngoài ra chúng sẽ góp phần làm huỷ hoại và biến dạng khớp nhiều hơn.
- Sỏi thận: Các tinh thể urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu của những người bị bệnh gút, gây ra sỏi thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, đau đột ngột và dữ dội ở khớp, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Bệnh Gout không được điều trị có thể dẫn đến đau nặng hơn và tổn thương khớp. Hãy tìm đến bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị sốt, khớp sưng nóng và đau, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm khớp.
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Gout?
Tỉ lệ nam mắc Gout cao gấp 3 lần phụ nữ và thường xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi. Theo nghiên cứu, có đến hơn 80% người bệnh Gout là nam giới từ 40 tuổi trở lên, việc có chế độ sinh hoạt không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, tiêu thụ nhiều đạm động vật trong khẩu phần ăn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh Gout hơn sau khi mãn kinh. Ở tuổi mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là rối loạn estrogen, đây là hormone chính giúp thận bài tiết axit uric ra ngoài. Tuy nhiên một lối sống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia sẽ khiến nhóm đối tượng này dễ mắc bệnh hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Gout
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gút, bao gồm:
- Tình trạng thừa cân, béo phì.
- Ăn nhiều loại thịt và hải sản có chứa nhiều purin. Thịt nội tạng: Chúng bao gồm gan, lòng, lá lách, não và thận. Thịt thú săn: Các món đặc sản như ngỗng, thịt bê và thịt nai đều chứa hàm lượng purin cao. Một số hải sản: Cá trích, sò điệp, trai, cá tuyết, cá ngừ, cá hồi và cá tuyết chấm đen. Thịt đỏ: Thịt bò, thịt cừu, thịt lợn và thịt xông khói.
- Uống rượu, bia thường xuyên: Mặc dù không phải tất cả đồ uống có cồn đều chứa nhiều purin, nhưng rượu sẽ ngăn thận loại bỏ axit uric, kéo nó trở lại cơ thể và tiếp tục tích tụ.
- Tiền sử gia đình có người bệnh gút.
- Sử dụng một số loại thuốc có thể là nguyên nhân làm tích tụ axit uric trong cơ thể như: Aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị liệu, các loại thuốc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch như cyclosporine.
- Từng mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp.
Bệnh Gout xảy ra khi các tinh thể urat tích tụ trong khớp của bạn, gây viêm và đau dữ dội khi bị bệnh Gout tấn công. Tinh thể urat có thể hình thành khi bạn có nồng độ axit uric trong máu cao. Cơ thể chúng ta tạo ra axit uric khi phân hủy purin - một chất được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể và thường được hấp thu quá mức từ bên ngoài qua các bữa ăn. Purines được tìm thấy nhiều trong một số loại thực phẩm bao gồm thịt đỏ và thịt nội tạng, chẳng hạn như gan. Hải sản giàu purin bao gồm cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ. Đồ uống có cồn, đặc biệt là bia và đồ uống có đường trái cây (fructose) làm tăng nồng độ axit uric.
Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và đi qua thận vào nước tiểu. Tuy nhiên khi cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric hoặc khả năng bài tiết acid uric của thận bị suy giảm thì axit uric có thể tích tụ trong máu, tạo thành các tinh thể urat sắc nhọn và lắng đọng ở các khớp hoặc mô xung quanh gây đau, viêm và sưng.
Nguyên nhân thường gặp bệnh gout có thể do yếu tố di truyền hoặc cơ địa. Bệnh phần lớn gặp ở nhóm nam giới độ tuổi trên 40, có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh.
Chỉ số acid uric trong máu được duy trì ở mức cố định đối với nam giới: 210 – 420 umol/L và đối với nữ giới 150 – 350 umol/L. Tăng acid uric máu có thể do ba nhóm nguyên nhân là tăng tổng hợp axit uric, giảm bài xuất qua thận hoặc cả hai nguyên nhân trên.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Gout
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Phương pháp phòng ngừa Gout hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Chọn các loại đồ uống lành mạnh, hạn chế đồ uống có cồn và nước trái cây có chứa fructose. Thay vào đó, hãy uống nhiều đồ uống không cồn, đặc biệt là nước tinh khiết.
- Tránh thức ăn có nhiều purin như thịt đỏ và các loại thịt nội tạng, chẳng hạn như gan, hải sản giàu purin bao gồm cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ. Các sản phẩm sữa ít béo có thể là nguồn cung cấp protein tốt hơn cho những người bị bệnh gút.
- Tập thể dục thường xuyên và giảm cân. Giữ cơ thể ở mức cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Các môn thể thao đơn giản như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội - những hoạt động giúp cải thiện chức năng các khớp của bạn.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Gout
Chẩn đoán có thể dựa vào triệu chứng than phiền của bệnh nhân và sự xuất hiện tình trạng sưng đau khớp biểu hiện bên ngoài. Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán bao gồm:
- Chọc hút dịch khớp: Dùng kim để hút dịch viêm từ khớp bị ảnh hưởng và kiểm tra dưới kính hiển vi để quản sát các tinh thể urat. Xét nghiệm dịch khớp có thể xác định chẩn đoán bằng cách tìm ra tinh thể urat nằm tự do trong dịch khớp cũng như vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh khác.
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu có thể bị sai lệch. Một số người có nồng độ axit uric cao nhưng không bao giờ bị bệnh gút. Bên cạnh đó, một số người có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút nhưng không có nồng độ axit uric bất thường trong máu của họ.
- Chụp X-quang: Loại trừ các bệnh lý khác gây sưng đau khớp.
- Siêu âm khớp: Có thể giúp phát hiện tinh thể urate trong khớp hoặc trong nốt tophi.
Phương pháp điều trị bệnh Gout hiệu quả
Điều trị dùng thuốc:
Có hai loại thuốc điều trị Gout và tập trung vào hai vấn đề khác nhau:
- Loại đầu tiên giúp giảm viêm và đau do các cơn gout cấp bao gồm: Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng viêm corticosteroid, colchicine.
- Loại thứ hai giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh gout bằng cách hạ thấp lượng axit uric trong máu và ngăn ngừa tái phát cơn gút cấp: Allopurinol, febuxostat, probenecid.
Điều trị không dùng thuốc:
Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn cần thay đổi lối sống để giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm nguy cơ bị các cơn Gout trong tương lai.
- Hạn chế uống bia rượu.
- Hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng purin cao, nên ăn các loại thực phẩm có hàm lượng purine dưới 100mg/100gram. Các loại đậu, bao gồm cả đậu lăng, đậu nành và đậu phụ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và các loại rau củ, trà xanh và các loại trà khác,...
- Bỏ thuốc lá nếu có hút thuốc.
- Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lí, tăng cường sức khỏe.
- Các sản phẩm từ sữa, nhất là sữa không đường và ít béo.
- Dầu gốc thực vật như dầu hạt cải, dầu dừa, dầu ô liu, dầu lạc…