Ngộ độc rượu etylic: Cách phát hiện, xử trí và phòng ngừa
Rượu dùng để uống là rượu etylic (hay etanol). Thông thường, các trường hợp ngộ độc rượu etylic thường do lạm dụng rượu hoặc không đảm bảo an toàn thực phẩm (rượu giả mạo có lẫn hàm lượng cao rượu metylic). Bài viết này sẽ chỉ ra các biểu hiện của ngộ độc rượu etylic cũng như cách để xử trí, phòng ngừa ngộ độc rượu, hãy cùng theo dõi nhé!
Ngộ độc rượu etylic là gì?
Rượu được dùng để uống và dùng trong y khoa là loại rượu etylic. Trong khi đó, rượu metylic - loại được dùng trong công nghiệp hóa chất là loại rất độc và dễ dẫn đến ngộ độc. Các ca ngộ độc rượu đã được báo cáo có thể chia thành ngộ độc rượu etylic và ngộ độc rượu metylic.
Ngộ độc rượu etylic
Ngộ độc rượu etylic có thể phân loại thành cấp và mạn tính, phụ thuộc vào số lượng và tần suất, thời gian uống của người uống rượu. Ngay sau khi bạn uống rượu, sẽ có 20% lượng rượu được hấp thu tại dạ dày và 80% còn lại sẽ được hấp thu ở ruột non. Vì thế, chỉ sau một vài phút rượu đã đi vào máu và đạt nồng độ cực đại chỉ sau vài giờ.
Ngộ độc cấp tính: Là do uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn. Thông thường, hàm lượng rượu từ 1 - 1,5g/lít máu đã có thể gây nên cảm giác say và từ 4 - 6g/lít có thể gây tử vong.
Ngộ độc rượu mãn tính: Là do uống nhiều rượu trong thời gian dài.
Ngộ độc rượu metylic
Rượu metylic (hay cồn methanol) là một loại rượu rất độc, được chuyển hóa rất chậm và thể hiện các độc tính bao gồm:
- Ức chế thần kinh trung ương ảnh hưởng đến thần kinh mắt và võng mạc có thể dẫn đến mù lòa.
- Gây toan chuyển hóa bởi tác dụng ức chế phân giải oxy trong đường làm tích tụ các sản phẩm chuyển hóa trung gian bao gồm axit lactic và axit hữu cơ khác.
Vì vậy, chỉ cần uống phải từ 5 - 15ml cồn metylic đã có thể ngộ độc rượu methanol nặng, từ 15ml trở nên gây mù lòa và uống phải một lượng 30ml cồn metylic sẽ gây tử vong.
Cách phát hiện ngộ độc rượu etylic
Ngộ độc rượu có thể diễn ra từ từ và theo cấp độ từ nhẹ đến nặng tùy vào cơ địa mỗi người cũng như lượng rượu mà người đó đã uống.
Các biểu hiện của ngộ độc cấp tính bao gồm:
- Hơi thở phát ra mùi rượu nồng nặc.
- Bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn, đau bụng.
- Mắt nhìn không rõ, nhìn lờ mờ và đôi lúc là nhìn đôi.
- Hạ huyết áp.
- Hôn mê, mạch chậm và thân nhiệt hạ thấp.
- Trụy tim mạch và giảm thông khí phế nang, dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các cơ quan, tổ chức và cuối cùng là gây toan chuyển hóa.
- Hiếm gặp nhưng đôi khi ngộ độc rượu etylic có thể gây hạ đường huyết và co giật.
Các biểu hiện của ngộ độc rượu mãn tính gồm có:
- Uống rượu kéo dài sẽ dẫn đến chán ăn và sụt cân.
- Da và niêm nhợt nhạt do thiếu máu lâu dài.
- Tổn thương niêm mạc ruột và dạ dày dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
- Xơ gan và thoái hóa gan, nặng nề nhất là ung thư gan.
Lúc đầu ngộ độc rượu metylic có biểu hiện tương tự như uống quá nhiều rượu etylic trong một lúc nhưng lúc sau, biểu hiện ngộ độc thật sự bộc phát với hai cấp độ cụ thể:
- Ở cấp độ nhẹ, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, chóng mặt và nhìn mờ.
- Trường hợp ngộ độc rượu metylic nặng, bệnh nhân có biểu hiện nôn mửa và nôn ra máu, giãn đồng tử và soi đáy mắt thấy phù gai thị, xuất tiết võng mạc, rối loạn tuần hoàn, rối loạn tiết niệu, vô niệu và tử vong.
Biện pháp xử trí khi phát hiện ngộ độc rượu etylic
Nguyên tắc xử trí ngộ độc rượu etylic bao gồm điều trị cấp cứu ngay, loại bỏ chất độc trong cơ thể bệnh nhân và điều trị để cải thiện và ngăn ngừa di chứng do ngộ độc.
Trường hợp bệnh nhân chỉ say do rượu, cần cho bệnh nhân nằm an tĩnh để nghỉ ngơi. Nếu cần thiết có thể cho bệnh nhân uống vài giọt amoniac hay 1 - 5g ammonium acetate trong 1 cốc nước muối.
Nếu có dấu hiệu mất ý thức và lơ mơ, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn, cứ mỗi 10 phút kiểm tra nhịp thở cho bệnh nhân và lưu ý cần giữ ấm cho người đang bị ngộ độc rượu etylic có dấu hiệu lơ mơ. Sau đó ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu hôn mê, co giật: Đặt bệnh nhân nằm nghiêng và bác sĩ cần tiến hành đặt nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
Trường hợp người bị ngộ độc rượu có dấu hiệu suy hô hấp do ứ đọng đờm dãi, thở yếu cần đặt ống hầu, hút đờm rãi và cho bệnh nhân thở oxy, đặt nội khí quản và máy thở. Bệnh nhân có thể cần đặt sonde dạ dày để rửa và hút dịch, truyền dịch bù cũng như uống thuốc lợi tiểu.
Nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lượng Ethanol trong máu > 5g/l cần:
- Đặt ống nội khí quản, thở máy để tăng thông khí và thải trừ nhanh ethanol, giải quyết vấn đề rối loạn hô hấp.
- Tiêm thuốc chống nôn, giảm tiết dịch vụ và thuốc uống bảo vệ niêm mạc dạ dày kèm theo bù điện giải ở các trường hợp người bệnh nôn mửa nhiều.
- Chống hạ đường huyết bằng cách truyền dịch glucose 10 - 20% cho bệnh nhân.
Biện pháp dự phòng ngộ độc rượu
Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc rượu, mỗi người cần có ý thức nên trong những cuộc vui chơi và tiệc tùng, tránh lạm dụng dụng rượu bia quá mức. Hoặc trong một số trường hợp, bạn có thể dùng viên uống chống say rượu như ME-21, RU-21.
Ngoài ra, ngộ độc rượu methanol rất nguy hiểm. Vì thế tuyệt đối không tự ý pha trộn rượu hay pha methanol vào rượu thông thường. Đồng thời, không mua uống rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu nhận biết cũng như cách để xử trí khi bị ngộ độc rượu etylic. Hy vọng đây sẽ kiến thức bổ ích giúp bạn bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình một cách tốt nhất nhé!
Vi Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp