Nâng mũi ăn rau răm được không? Hướng dẫn chăm sóc phẫu thuật sau nâng mũi
Rau răm là một loại rau thơm thường được dùng làm gia vị khi chế biến các món ngon của người Việt như nộm gà, cháo lươn, trứng vịt lộn, bánh cuốn,… Vì thế, rau răm được sử dụng để ăn kèm với các món ăn và rất được yêu thích. Tuy nhiên, sau phẫu thuật nâng mũi ăn rau răm được không? Câu trả lời sẽ được Hà An Pharmacy chia sẻ dưới đây nhé!
Nâng mũi ăn rau răm được không?
Rau răm hay còn được gọi là cây thủy liễu, là một loại rau có tính ấm, vị cay, mùi hắc và hơi nồng. Nó thường được sử dụng để chữa chứng đau bụng do lạnh, cước, hắc lào, tràng ghẻ, nôn, sốt hoặc dùng để ăn kèm với nhiều món ăn để khử đi mùi tanh cũng như làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Vậy sau khi thực hiện nâng mũi ăn rau răm được không?
Theo các bác sĩ thẩm mỹ, rau răm là loại rau thuộc nhóm thực phẩm nên tránh sau khi thực hiện bất kì thủ thuật làm đẹp nào, trong đó có phẫu thuật nâng mũi. Bởi, rau răm có tính ấm, nóng nên dễ gây chảy máu sau khi ăn. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lành thương sau khi làm phẫu thuật nâng mũi. Tuy nhiên, sau khoảng từ 1 - 2 tháng, khi vết thương đã lành và mũi đã ổn định thì việc ăn rau răm không còn tác động xấu nữa.
![Nâng mũi ăn rau răm được không? Cần chăm sóc sau phẫu thuật nâng mũi thế nào? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nang_mui_an_rau_ram_duoc_khong_can_cham_soc_sau_phau_thuat_nang_mui_the_nao_1_fa0e8886fc.jpg)
Nên ăn gì sau khi phẫu thuật nâng mũi?
Ngoài băn khoăn nâng mũi ăn rau răm được không, nhiều người cũng đang quan tâm đến vấn đề nên ăn gì sau khi nâng mũi. Theo các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, sau khi nâng mũi nên bổ sung các loại thực phẩm lành tính, bao gồm:
Nhóm thực phẩm giàu vitamin
Các loại thực phẩm giàu vitamin sẽ hỗ trợ phục hồi sức khỏe cũng như quá trình lành thương sau phẫu thuật nâng mũi như:
- Thực phẩm giàu vitamin A: Các loại thực phẩm giàu vitamin A như khoai lang, chuối, cà rốt, bơ… có tác dụng tăng cường sản xuất collagen trong cơ thể, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, giúp vết thương mau lành và ngăn ngừa sẹo thâm hiệu quả.
- Thực phẩm giàu vitamin B: Có tác dụng cấp ẩm cho da, giúp làn da được đều màu và căng bóng hơn, hạn chế sẹo xấu. Do đó, sau khi nâng mũi, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B như cải bó xôi, khoai tây, đậu nành, yến mạch hay các loại hạt.
- Thực phẩm giàu vitamin C: Các thực phẩm như ổi, cam, đu đủ, kiwi, quả anh đào, bưởi… rất giàu vitamin C, có tác dụng giảm bầm tím, hạn chế sưng nề. Đồng thời, chúng còn có tác dụng thanh lọc cơ thể, thúc đẩy quá trình lành thương nhanh hơn và giảm các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
- Thực phẩm giàu vitamin E: Hạnh nhân, dầu dừa, dầu oliu, cà chua, quả hạch, hạt hướng dương,… đều là những thực phẩm giàu vitamin E, có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng hiệu quả, chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch.
![Nâng mũi ăn rau răm được không? Cần chăm sóc sau phẫu thuật nâng mũi thế nào? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nang_mui_an_rau_ram_duoc_khong_huong_dan_cham_soc_sau_phau_thuat_nang_mui_2_915e87849c.jpg)
Nhóm thực phẩm khác
Sau khi phẫu thuật nâng mũi, bạn cũng nên bổ sung các loại thực phẩm sau đây trong thực đơn hàng ngày như:
- Thực phẩm giàu protein: Sau khi nâng mũi, bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu protein như thịt lợn, lúa mạch đen, lúa mì nguyên chất, yến mạch,… nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo da và mạch máu, giúp vết thương nhanh chóng phục hồi.
- Thực phẩm giàu acid folic và sắt: Sữa, gan động vật hoặc các loại rau có màu xanh đậm, có công dụng thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào hồng cầu, chống sưng tấy và nhiễm trùng vết thương.
- Cá béo: Các loại cá như cá ngừ, cá thu hay cá hồi rất giàu omega 3, có tác dụng chống viêm, giảm đau và kích thích khả năng tổng hợp collagen cho da nên rất có lợi cho những người nâng mũi.
- Quả mọng: Có thể kể đến như nho, dâu tây, mâm xôi, việt quất, lựu,… Những loại quả này chứa nhiều nước, khoáng chất, các axit amin… hỗ trợ quá trình lành thương rất tốt, hạn chế sẹo và tránh mưng mủ vết thương. Bên cạnh đó, các loại quả này còn chứa nhiều những chất chống oxy hóa như quercetin, beta - carotene, ascorbic axit anthocyanin… giúp cho việc ổn định cấu trúc mũi và lên form chuẩn đẹp hơn.
- Thực phẩm giàu probiotic: Sữa chua là nguồn thực phẩm giàu chất khoáng và chất đạm, giúp vết thương mau lành và cải thiện sức khỏe sau phẫu thuật.
- Thực phẩm hỗ trợ lành sẹo và làm đều màu da: Bao gồm cà rốt, ớt chuông, khoai tây, rau mầm, khoai lang, bông cải xanh… giàu vitamin, khoáng chất và carbohydrate nên rất tốt cho quá trình hồi phục sau phẫu thuật nâng mũi.
- Uống đủ nước: Bạn nên bổ sung từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để phòng tránh tình trạng mất nước, sưng đỏ và nóng rát tại mũi.
![Nâng mũi ăn rau răm được không? Cần chăm sóc sau phẫu thuật nâng mũi thế nào? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nang_mui_an_rau_ram_duoc_khong_huong_dan_cham_soc_sau_phau_thuat_nang_mui_3_a581ec6c30.jpg)
Hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật nâng mũi
Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc chăm sóc sau nâng mũi cũng có tác động trực tiếp đến quá trình lành thương cũng như kết quả của cuộc phẫu thuật này. Dưới đây là những hướng dẫn về cách chăm sóc sau khi thực hiện phẫu thuật nâng mũi, cụ thể là:
- Không gãi, tránh va chạm hoặc đè vào vùng mũi mới làm phẫu thuật vì có thể gây tụ máu hoặc chảy máu.
- Sử dụng thuốc kháng sinh, chống phù nề, giảm đau, thuốc chống sẹo,… theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Vệ sinh và thay băng vết mổ trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.
- Cần nghỉ ngơi hoàn toàn từ 2 - 3 ngày sau phẫu thuật.
- Chườm lạnh xung quanh vùng mũi trong vòng 3 - 4 ngày đầu sau phẫu thuật để giúp giảm sưng nề, bầm tím. Nên sử dụng gel chườm lạnh hoặc bọc đá bằng vải sạch khi chườm để hạn chế da bị bỏng lạnh.
- Chườm ấm từ ngày thứ 4 trở đi để giảm sưng và thâm tím da.
- Súc miệng và họng bằng dung dịch pha sẵn như betadine, eludril,… khoảng 2 - 3 lần/ngày.
- Sau phẫu thuật khoảng 5 - 7 ngày cần đến cơ sở y tế để cắt chỉ khâu.
- Tuyệt đối không được tự ý tháo ống dẫn lưu dịch mũi, thanh nẹp mũi và phần băng cố định trên vùng phẫu thuật.
- Sử dụng nước muối để vệ sinh vết mổ và vùng mũi hàng ngày, bôi thuốc mỡ kháng sinh 2 lần/ngày.
- Trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật, các vết thâm tím sẽ được cải thiện dần. Lưu ý đội mũ và thoa kem chống nắng lên các vết thâm tím trên da để tránh hình thành các vết nám do ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên da.
- Sử dụng khăn mềm để lau mặt cho đến khi cắt chỉ vết mổ. Bạn có thể trang điểm nhẹ sau khi cắt chỉ.
- Có thể gội đầu và tắm rửa ngay sau phẫu thuật, tuy nhiên cần tránh để nước tiếp xúc trực tiếp với vết thương.
- Kiêng ăn các loại thực phẩm có thể gây ra sẹo xấu hay sẹo lồi như rau muống. Đồng thời cũng cần kiêng ăn các nhóm thực phẩm gây ngứa và mưng mủ như đồ nếp, hải sản, thịt gà, đồ tanh… Kiêng ăn các thực phẩm gây ảnh hưởng đến sắc tố da như thịt bò, trứng. Kiêng các đồ ăn cay nóng, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,… để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến quá trình lành thương.
- Không nên đi xông hơi hoặc xông mặt ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật.
- Không tập thể dục thể thao, không đeo kính trong ít nhất 4 tuần đầu sau phẫu thuật.
![Nâng mũi ăn rau răm được không? Cần chăm sóc sau phẫu thuật nâng mũi thế nào? 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nang_mui_an_rau_ram_duoc_khong_huong_dan_cham_soc_sau_phau_thuat_nang_mui_4_c3c3456f9c.jpg)
Tóm lại, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục vết thương sau phẫu thuật nâng mũi. Do đó, bạn cần tìm hiểu và tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn sau phẫu thuật nâng mũi để có thể sớm sở hữu được chiếc mũi cao đẹp như mong muốn. Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc đã có lời giải đáp cho vấn đề nâng mũi ăn rau răm được không và hiểu rõ về cách chăm sóc sau phẫu thuật nâng mũi.
Vũ Ánh
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com