Một số hình ảnh sơ cứu khi trẻ bị bỏng
Bỏng nước sôi, bỏng bô xe,…là những “hiểm họa” luôn rình rập trẻ mỗi ngày. Để không phải loay hoay khi chẳng may bé nhà mình bị bỏng, ba mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản về cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng.
Các cấp độ bỏng ở trẻ em
Trẻ em bị bỏng có thể chia làm 3 cấp độ lần lượt là bỏng cấp độ 1, 2, 3 tùy thuộc vào mức độ tổn thương da của trẻ. Tất cả các mức độ bỏng đều cần được sơ cứu đúng cách. Vì sơ cứu sẽ giúp tránh tình trạng vết thương lan rộng và sâu vào tận bên trong các mô và biểu bì dưới da.
Bỏng cấp độ 1
Đây là mức độ bỏng nhẹ nhất, vết bỏng chỉ có giới hạn ở một phần nhỏ ở lớp da trên cùng.
- Dấu hiệu: Da của trẻ bị tấy đỏ, trẻ có cảm giác đau và xuất hiện vết sưng nhẹ. Dù vậy da vẫn khô và chưa bị phồng rộp.
- Thời gian hồi phục: Trẻ bị bỏng cấp độ 1 có thể lành lại sau khoảng 3 – 6 ngày. Lớp da mới sẽ được tái sinh trên nền da bị lột ra trong vòng 1 – 2 ngày.
Bỏng cấp độ 2
Cấp độ 2 là tình trạng bé bị bỏng nghiêm trọng hơn cũng như lan sâu vào phần bên dưới lớp da trên cùng.
- Dấu hiệu: Vết bỏng khiến da trẻ bị phồng rộp, tấy đỏ, trẻ cảm thấy rát và vô cùng đau nhức. Vết phồng rộp trên da có chứa dịch bên trong và đôi khi nó có thể bị vỡ ra, để lộ phần da màu đỏ cherry hoặc màu hồng nhạt.
- Thời gian hồi phục: Thời gian lành thương ở mỗi bé sẽ khác nhau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. Thông thường trẻ cần 3 tuần hoặc hơn để hồi phục vết thương bỏng cấp độ 2.
Bỏng cấp độ 3
Trẻ bị bỏng cấp độ 3 là mức độ nghiêm trọng nhất. Vết bỏng làm tổn thương vào sâu bên trong da xuống dưới các lớp tế bào biểu bì dưới da.
- Dấu hiệu: Bề mặt da của trẻ khô, trông như sáp trắng, nâu hoặc màu đậm hơn. Ban đầu, trẻ có thể cảm thấy không đau hoặc tê ở khu vực bỏng cấp độ 3.
- Thời gian hồi phục: Thời gian phục hồi tổn thương sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở da. Trẻ bị bỏng cấp độ 3 cần được bác sĩ điều trị đặc biệt với nhiều dụng cụ y tế và kỹ thuật chuyên sâu như ghép da để có thể khôi phục lại làn da khỏe mạnh.
Một số hình ảnh sơ cứu khi trẻ bị bỏng
Dưới đây là một số hình ảnh sơ cứu trẻ bị bỏng qua các bước, gồm:
Xả vết bỏng dưới vòi nước mát
Khi trẻ bị bỏng cần ngay lập tức đặt khu vực bị bỏng trong nước mát nhưng không lạnh hoặc dưới vòi nước đang chảy. Cần giữ vết thương trong nước ít nhất khoảng 5 - 15 phút.
Tuyệt đối không được sử dụng nước đá để chườm hoặc áp lên vết bỏng.
Cởi bỏ quần áo bị cháy
Tuy nhiên, nếu quần áo của trẻ bị dính vào da, thì đừng lột nó ra. Hãy để nó tại chỗ và cắt khoảng quần áo xung quanh nó.
Che vết bỏng
Bạn hãy sử dụng gạc không dính hoặc một miếng vải sạch để che vết bỏng cho bé.
Nếu bé chỉ bị bỏng nhẹ, bạn có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh cho bé. Tuy nhiên, không được bôi bơ, dầu mỡ hoặc bất cứ thứ gì khác lên vết bỏng của bé.
Giảm đau
Bố mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau không cần kê đơn cho trẻ nhỏ như Paracetamol với liều lượng theo hướng dẫn. Để đảm bảo an toàn cho con, hãy gọi bác sĩ nhi khoa trước nếu bé nhà bạn chưa bao giờ dùng thuốc này trước đây.
Bạn có thể điều trị bỏng tại nhà với độ 1. Bỏng độ 2 hoặc độ 3, trẻ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ không xác định được con bạn bị bỏng ở mức độ nào, vậy nên hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu. Các bác sĩ sẽ giúp đánh giá mức độ bỏng và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho con bạn.
Cách phòng ngừa trẻ bị bỏng
Mặc dù các bậc phụ huynh sẽ không thể bảo vệ con mình mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, nếu áp dụng các phương pháp sau đây sẽ có thể giúp trẻ phòng ngừa bị bỏng hiệu quả tại nhà:
- Để hóa chất, bật lửa, keo dán sắt... cách xa tầm tay với của trẻ em.
- Luôn để các thiết bị điện khỏi tầm tay của trẻ. Thường xuyên kiểm tra đường dây điện, loại bỏ những dây điện, tay cầm, phích cắm bị cũ, hỏng,...
- Cẩn thận khi để trẻ tắm bồn hoặc tắm máy nước nóng lạnh.
- Không cho trẻ sử dụng xe tập đi trong khu vực bếp ăn.
- Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, không mang bé ra ngoài trời nắng gắt.
- Bảo quản, cất giữ các chất tẩy rửa trên cao, tránh xa tầm với của bé.
Để hạn chế tình huống trẻ bị bỏng, bố mẹ có thể lưu ý những vấn đề trên trong quá trình chăm sóc bé. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần nắm chắc những kiến thức sơ cứu khi trẻ bị bỏng để có thể nhanh chóng xử lý nếu con mình gặp phải tình trạng này.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được cách sơ cứu và trị bỏng cho bé.
Ngọc Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp