Mẹ bầu bị rối loạn tiền đình khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Rối loạn tiền đình khi mang thai sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, mất thăng bằng… cho bà bầu. Tình trạng này kéo dài có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không? Mẹ bầu cần làm gì để hạn chế hiện tượng này? Hãy cùng Hà An Pharmacy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ở thai phụ
Tiền đình là một bộ phận thuộc hệ thần kinh trung ương và nằm ở phía sau 2 bên ốc tai. Tiền đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể khi hoạt động. Rối loạn tiền đình xảy ra khi dây thần kinh số 8 bị tắc nghẽn hoặc động mạch nuôi dưỡng não bộ bị tổn thương. Điều này khiến cho tiền đình bị rối loạn, mất khả năng giữ thăng bằng và gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…
Rối loạn tiền đình khiến mẹ bầu gặp phải nhiều triệu chứng gây khó chịu
Có rất nhiều nguyên nhân rối loạn tiền đình ở phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:
- Ốm nghén: Khi mang thai, mẹ bầu thường gặp phải tình trạng ốm nghén, dẫn đến chán ăn. Chính điều này khiến cơ thể người mẹ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, tụt huyết áp… Từ đó, gây ra hiện tượng thiếu máu lên não, khiến thai phụ chao đảo, chóng mặt…
- Yếu tố tâm - sinh lý: Phụ nữ mang thai thường rất nhạy cảm với các vấn đề xung quanh, đặc biệt với mẹ mang thai lần đầu. Khi mang thai, mẹ bầu rất dễ rơi vào tình trạng lo lắng, căng thẳng khiến tinh thần không được thoải mái và mệt mỏi về thể chất. Điều này tác động trực tiếp đến sức khỏe của bà bầu và có thể dẫn tới hội chứng rối loạn tiền đình khi mang thai.
- Mắc một số bệnh lý: Việc mắc một số bệnh lý như viêm tai mãn tính, viêm xoang, thoái hóa đốt sống cổ, tăng mỡ máu, huyết áp thấp hoặc các bệnh lý liên quan đến thần kinh và tim mạch… có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ rối loạn tiền đình khi mang thai ở mẹ bầu.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học: Việc mẹ bầu ăn quá nhiều đồ ngọt, bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng hoặc thường xuyên ngủ ngày thức đêm, mất ngủ… cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình khi mang thai.
Ngoài ra, rối loạn tiền đình khi mang thai cũng có thể xảy ra đối với người mẹ do tác động của yếu tố môi trường như thay đổi thời tiết đột ngột, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn… cũng dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.
Ốm nghén là nguyên nhân chính gây ra hội chứng rối loạn tiền đình khi mang thai
Rối loạn tiền đình khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Trên thực tế, hội chứng rối loạn tiền đình ở phụ nữ khi mang là không hiếm gặp. Các thai phụ gặp phải hội chứng này vẫn đảm bảo sức khỏe để sinh nở như những người bình thường. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu thường xuyên gặp phải các triệu chứng của rối loạn tiền đình như đau đầu, chóng mặt, ù tai, tê bì chân tay, huyết áp tụt nhanh, mạch đập nhanh bất thường… có thể khiến thai phụ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực, thậm chí là trầm cảm. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, khi mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi do rối loạn tiền đình trong thời gian dài có thể dẫn đến chán ăn, ngủ không ngon, mất ngủ… sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển bình thường của thai nhi, khiến em bé sinh ra có thể bị còi xương, hệ miễn dịch kém. Mặt khác, nếu mẹ bầu tự ý sử dụng các loại thuốc nhằm giảm triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình khi không có chỉ định của bác sĩ, có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, rối loạn tiền đình có thể khiến mẹ bầu dễ mất thăng bằng khi hoạt động, làm gia tăng nguy cơ bị té ngã. Điều này gây nguy hiểm lớn cho cả mẹ và bé. Mặt khác, mẹ bầu bị rối loạn tiền đình khi mang thai sẽ rất nguy hiểm nếu có kèm theo một số triệu chứng khác như khó thở, đau ngực hoặc ngất xỉu. Khi đó, cần đưa thai phụ đến cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng cho 2 mẹ con.
Mẹ bầu bị rối loạn tiền đình có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Thuốc điều trị rối loạn tiền đình khi mang thai
Trong trường hợp các triệu chứng của hội chứng rối loạn tiền đình ở phụ nữ mang thai có dấu hiệu nghiêm trọng, cần có sự can thiệp của chỉ định thuốc của bác sĩ trên lâm sàng.
Hai loại thuốc thường được chỉ định nhằm điều trị rối loạn tiền đình là Piracetam (Cetampir 800mg) và Acetyl-DL-Leucine (Tanganil 500mg). Mặc dù phụ nữ mang thai không được khuyên sử dụng thuốc và cũng chưa có dữ liệu về tính an toàn của thuốc trong thai kỳ. Tuy nhiên, xét về lợi ích điều trị rối loạn tiền đình khi mang thai cho kết quả tốt hơn nguy cơ rủi ro nên bác sĩ sẽ cần kê toa cho bệnh nhân.
Piracetam (Cetampir 800mg)
Cetampir 800mg có chứa hoạt chất piracetam có tác động đến tế bào não và thần kinh trung ương, từ đó giúp bảo vệ hệ não bộ tránh khỏi tình trạng thiếu hụt oxy. Liều lượng được chỉ định để điều trị rối loạn tiền đình cho bà bầu có thể là từ 1 - 2 viên/ngày.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cetampir thuộc nhóm thuốc N đối với thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, trên bao bì của thuốc Cetampir 800mg thường được lưu ý đề phòng với các đối tượng đang mang thai hoặc cho con bú.
Hiện nay, vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định được các rủi ro khi sử dụng loại thuốc này cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Vì thế, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.
Acetyl-DL-Leucine (Tanganil 500mg)
Tanganil 500mg có chứa hoạt chất Acetyl-DL-Leucine có vai trò kiểm soát triệu chứng chóng mặt trong rối loạn tiền đình. Thuốc được chuyển hoá tại gan và đào thải qua thận.
Hiện nay, các dữ liệu về sự ảnh hưởng của thuốc Tanganil trên phụ nữ mang thai và cho con bú là rất hạn chế. Do đó, dù trên bao bì của thuốc Tanganil 500mg không có chống chỉ định cho phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú, nhưng tốt hơn hết bà bầu bị rối loạn tiền đình khi mang thai chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của cả mẹ và bé trong thời gian sử dụng thuốc.
Cần ngưng thuốc và báo ngay cho bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời khi gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc. Liều điều trị thường dùng của Tanganil 500mg cho phụ nữ bị rối loạn tiền đình khi mang thai là 1 - 2 viên/ngày.
Ngoài ra, hoạt chất Acetyl-DL-Leucine có thể gây khó chịu hoặc tương tác với các nhóm thuốc khác. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tất cả những thuốc đang sử dụng để được kê toa thích hợp.
Làm thế nào để phòng tránh rối loạn tiền đình khi mang thai?
Rối loạn tiền đình khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, để phòng tránh và cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình khi mang thai, mẹ bầu nên thực hiện một số biện pháp như sau:
- Cải thiện tâm trạng lạc quan, thư giãn đầu óc nhẹ nhàng bằng cách đọc sách, xem phim xả stress…
- Tránh tình trạng ngồi hoặc nằm liên tục nhiều giờ liền trong phòng lạnh. Mẹ bầu hãy đi lại nhẹ nhàng hoặc vận động phù hợp với thể trạng.
- Hạn chế sử dụng máy tính hoặc điện thoại, đồ điện tử trong thời gian dài.
- Thực hiện chế độ ăn khoa học, đảm bảo bổ sung vừa đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước (ít nhất 2 lít/ngày).
- Nên tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga cho bà bầu… để nâng cao tinh thần và sức đề kháng cho mẹ.
- Thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý như đảm bảo ngủ đủ giấc (8 giờ/ngày), tránh thức khuya...
- Hạn chế các hoạt động đứng lên - ngồi xuống quá nhanh hoặc xoay vặn cổ, bởi có thể khiến máu không kịp lưu thông dẫn đến choáng váng, mất cân bằng.
- Nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị khi triệu chứng bệnh ngày càng nặng hơn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Mẹ bầu có thể tập các bài yoga nhẹ nhàng nhằm thư giãn và thả lỏng tinh thần
Tóm lại, rối loạn tiền đình khi mang thai là tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Hội chứng này tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ bầu nhưng sẽ tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của thai phụ, từ đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, các mẹ hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình.
Xem thêm:
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec & Helobacsi