Khi có bầu vùng kín thay đổi như thế nào?
Từ lúc bắt đầu thai kỳ đến khi em bé chào đời, vùng kín của các mẹ sẽ có nhiều thay đổi khác biệt, đôi khi làm mẹ bầu thấy lo lắng, xấu hổ và tự ti. Cùng xem những thay đổi và cách chăm sóc vùng kín an toàn khi mang thai dưới đây.
Có bầu vùng kín thay đổi như thế nào?
Khi có bầu, vùng kín sẽ có nhiều thay đổi cùng những tiềm ẩn nguy cơ gây hại. Dưới đây là một số thay đổi thường gặp khi các mẹ trong giai đoạn thai kỳ.
![Khi có bầu vùng kín thay đổi như thế nào 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/khi_co_bau_vung_kin_thay_doi_nhu_the_nao_2_f24fd1844e.jpg)
Âm đạo tiết nhiều dịch hơn
Dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn là một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất khi mang thai. Điều này là do nồng độ estrogen và progesterone tăng cao. Bên cạnh đó, lượng máu và lưu lượng máu tăng cũng dẫn đến tăng tiết dịch âm đạo.
Khí hư khi mang thai có màu trắng đục, loãng và có mùi nhẹ. Trong những tuần cuối của thai kỳ, nó có thể trở nên nặng hơn vì chứa chất nhầy màu hồng. Chất nhầy này thường đặc như thạch, khá dính, đó là dấu hiệu của việc chuyển dạ. Nhưng nếu dịch tiết hay khí hư có mùi hôi và màu sắc bất thường thì nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng âm đạo.
Âm đạo sưng to và có màu sẫm
Khi mang thai, lượng máu tuần hoàn trong cơ thể tăng lên đáng kể để hỗ trợ sự phát triển cho thai nhi. Điều này làm cho âm hộ và âm đạo của mẹ bầu sưng to. Tuy nhiên, đây là điều bình thường.
Ngoài việc tăng cường lưu thông máu thì sự thay đổi lượng hormone trong cơ thể cũng khiến cho vùng kín trở nên thâm hơn và thiêng về màu xanh sẫm.
Tuy nhiên, nếu âm đạo bị sưng kèm theo các triệu chứng như ngứa rát, khô và đỏ thì có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm âm đạo. Lúc này, bạn cần đến thăm khám bác sĩ sớm để có hướng xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Chảy máu âm đạo
Khi mang thai có một hiện tượng thường gặp là chảy máu âm đạo. Nếu bạn tò mò có bầu vùng kín thay đổi như thế nào, hãy chú ý ở đáy quần nhỏ và xem thử có máu bên trên đó hay không.
Thông thường, trong 3 tháng đầu thai kỳ, âm đạo ra máu là do sự làm tổ của trứng đã thụ tinh lên thành tử cung hoặc có thể là do lượng máu đến âm đạo tăng. Trong tình huống xấu, việc chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu của sảy thai, nếu nó đi kèm với triệu chứng đau bụng dữ dội tương tự như đau bụng kinh.
Nếu tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 vẫn còn tình trạng này thì đó là điều đáng lo ngại, bạn cần đi khám ngay để được chăm sóc sớm nhất. Bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng như:
- Nhau thai bong ra khỏi niêm mạc tử cung;
- Mở cổ tử cung sớm;
- Vỡ tử cung;
- Sinh non.
![Khi có bầu vùng kín thay đổi như thế nào 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/khi_co_bau_vung_kin_thay_doi_nhu_the_nao_3_bd6ee3b829.jpg)
Giãn tĩnh mạch âm hộ
Khi mang thai, hiện tượng giãn tĩnh mạch không chỉ xuất hiện ở chân mà còn có ở âm đạo, âm hộ. Điều này là do tăng lượng máu và tốc độ lưu thông máu từ các chi giảm. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể chườm lạnh, nằm nghiêng bên trái, nâng cao chân khi nằm. Bạn đừng quá lo lắng vì đa phần tình trạng giãn tĩnh mạch âm đạo, âm hộ sẽ tự biến mất sau khi sinh.
Âm đạo đạo thay đổi kích thước
Khi mang thai, các mô ở âm đạo trở nên lỏng và mềm hơn. Do đó, chiều dài âm đạo có thể tăng lên và mở rộng hơn một chút để chuẩn bị cho việc sinh nở.
Lông vùng kín mọc dày hơn
Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất. Đó là do nồng độ estrogen tăng cao khi mang thai sẽ khiến lông mu mọc dày hơn. Trong giai đoạn này, bạn nên hạn chế việc cạo cũng như tẩy lông vùng kín để tránh tác hại không đáng có.
Tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo
Viêm âm đạo là tình trạng thường gặp khi mang thai, một phần do sự thay đổi nội tiết tố gây ra mất cân bằng độ pH âm đạo. Một số tình trạng viêm nhiễm âm đạo thường gặp khi có bầu như: Nấm âm đạo, nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trichomonas âm đạo.
- Nhiễm nấm âm đạo: Dịch tiết âm đạo khi mang thai sẽ chứa nhiều đường hơn, đây là điều kiện thuận lợi để nấm phát triển. Các mẹ bầu hãy yên tâm vì chúng không gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên tình trạng này gây khó chịu cho các mẹ với các triệu chứng như ngứa rát âm đạo, khí hư có mùi hôi.
- Viêm âm đạo do nhiễm khuẩn: Nguyên nhân do sự mất cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo. Triệu chứng điển hình là khí hư có màu xám và mùi tanh. Các mẹ bầu cần đi khám ngay khi phát hiện tình trạng này, vì nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến sảy thai, sinh non.
- Nhiễm trichomonas âm đạo: Bệnh này lây truyền qua đường tình dục. Triệu chứng thường gặp là khí hư có màu vàng xanh, mùi hôi, âm đạo bị ngứa rát, đỏ, đau khi đi tiểu và quan hệ tình dục. Bệnh này có thể gây biến chứng nghiêm trọng lên thai nhi như vỡ nước ối sớm và sinh non.
![Khi có bầu vùng kín thay đổi như thế nào 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/khi_co_bau_vung_kin_thay_doi_nhu_the_nao_4_1bef62a80b.jpg)
Cách chăm sóc vùng kín khi mang thai
Việc có bầu vùng kín thay đổi như thế nào sẽ ảnh hưởng đến cách chăm sóc “cô bé” của các mẹ bầu. Để chăm sóc vùng kín khi mang thai, các chị em cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh gây tổn thương, viêm nhiễm:
- Cần tắm rửa, vệ sinh vùng kín hằng ngày, không thụt rửa sâu vào âm đạo;
- Cắt tỉa lông vùng kín gọn gàng để tránh nhiễm khuẩn vào trong và giúp bác sĩ dễ dàng thăm khám thai sản;
- Mặc quần áo và đồ lót rộng rãi, thoáng mát;
- Tránh các sản phẩm chăm sóc cá nhân có mùi thơm;
- Quan hệ tình dục an toàn;
- Nếu phát hiện tình trạng âm đạo chảy máu nhiều, ngứa rát, tiểu gắt,... thì nên đi thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.
![Khi có bầu vùng kín thay đổi như thế nào 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/khi_co_bau_vung_kin_thay_doi_nhu_the_nao_5_843b0115d4.jpg)
Vùng kín thay đổi khi mang thai có ảnh hưởng đến chuyện chăn gối không?
Nhiều chị em phụ nữ lo lắng có bầu vùng kín thay đổi như thế nào bởi những điểm khác lạ ở vùng này có thể ảnh hưởng đến “ân ái” của vợ chồng. Do đó khiến các mẹ bầu thắc mắc liệu rằng có thể quan hệ trong giai đoạn mang thai được không.
Nhìn chung, những thay đổi ở vùng kín không quá ảnh hưởng đến chuyện chăn gối với bạn đời. Tuy nhiên, nếu vùng kín của các mẹ có những tình trạng như đau rát âm đạo, chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân thì cần tránh quan hệ tình dục. Ngoài ra, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ để phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Qua những thông tin trên, phần nào giải đáp được thắc mắc của chị em rằng có bầu vùng kín thay đổi như thế nào. Từ đó giúp các mẹ có cách chăm sóc “cô bé” phù hợp trong giai đoạn này, góp phần bảo vệ bản thân cũng như thai nhi được khỏe mạnh.