Hút đờm cho trẻ sơ sinh và những lưu ý khi thực hiện
Trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, thở khò khè… Lúc này, chất nhầy sẽ lấp đầy khoang mũi khiến trẻ vô cùng khó chịu. Do trẻ còn nhỏ chưa thể tự hỉ mũi nên mẹ cần hỗ trợ hút đờm cho trẻ sơ sinh. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách hút đờm cho trẻ sơ sinh và những lưu ý khi thực hiện. Cùng tìm hiểu nhé!
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đờm trong họng?
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là đường hô hấp. Ngoài ra, khi bị bệnh, do phản xạ ho còn yếu nên khả năng loại bỏ đờm cũng kém. Cụ thể:
- Viêm mũi họng: Viêm mũi họng ở trẻ có thể do tác nhân dị ứng, virus, vi khuẩn hoặc nấm khiến cơ thể tăng tiết dịch mũi họng để đào thải tác nhân gây bệnh. Dịch nhầy trong mũi có thể khiến trẻ bị chảy nước mũi, nghẹt mũi, nó có thể chảy xuống họng khiến trẻ thở khò khè, ho.
- Viêm phế quản: Trẻ bị viêm phế quản thường ho đờm nhiều, trường hợp nặng sẽ khó thở, thở nhanh, thở khò khè.
- Cảm cúm và cảm lạnh: Đều do virus, nhưng tác nhân virus khác nhau. Thông thường, các triệu chứng cảm lạnh nhẹ và tiên lượng tốt hơn, trẻ thường có các biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi và ngạt mũi sau khi gặp lạnh. Còn với cảm cúm, trẻ thường sốt cao, mệt mỏi, ho, đau họng, bứt rứt… Biến chứng nặng có thể gây viêm đường hô hấp dưới.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Do co thắt tâm vị chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ thường bị trào ngược xảy ra khi thức ăn không tiêu hóa được. Trẻ mắc bệnh lý này thường ho nhiều, nôn, dễ tổn thương niêm mạc họng và sinh đờm.
- Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khiến trẻ sơ sinh dễ bị ho có đờm ở cổ họng như: Trẻ bị nhiễm lạnh, môi trường nhiều khói thuốc, ô nhiễm, thời tiết quá hanh khô, thời tiết thay đổi thất thường…
![hut-dom-cho-tre-so-sinh-va-nhung-luu-y-khi-thuc-hien2.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hut_dom_cho_tre_so_sinh_va_nhung_luu_y_khi_thuc_hien2_59e9073658.jpg)
Khi nào nên hút đờm cho trẻ sơ sinh?
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn kém nên rất nhạy cảm với các tác nhân từ môi trường bên ngoài như thời tiết thay đổi thất thường, khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó phổ biến nhất là cảm lạnh và cúm, gây khó thở, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Nguyên nhân chính của triệu chứng này là do quá nhiều đờm đặc, chất nhầy hoặc dị vật trong đường thở. Trong trường hợp bình thường, đờm chủ yếu xuất hiện chủ yếu trong xoang, cuối phổi, cây phế quản gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến trẻ khó thở, thở khò khè, đôi khi trẻ sẽ chảy nước mũi nhiều hơn.
Đường thở bị tắc nghẽn, dịch đờm không được tống ra ngoài, lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn đường thở. Lúc này, không chỉ là triệu chứng khó thở, trẻ có thể bị suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, hút đờm là biện pháp cần được thực hiện để tạo đường thở thông thoáng cho trẻ, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.
Cụ thể, trong những trường hợp sau, mẹ nên hút đờm cho trẻ:
- Trẻ dưới 2 tuổi bị đờm, sổ mũi nhưng không có khả năng tự khạc nhổ, hỉ đờm ra ngoài.
- Trẻ khó thở, thở khò khè cần nhiều oxy để tiếp tục thở.
- Trẻ bị cúm ngạt mũi, ho có đờm xanh, đờm đặc và khó khạc ra, viêm mũi dị ứng, tăng tiết đờm, viêm đường hô hấp trên…
- Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C kèm theo co giật, hôn mê hoặc khó thở.
Tuy nhiên, việc thực hiện hút đờm cho trẻ cần phải có sự tư vấn của bác sĩ, cha mẹ không nên tự ý thực hiện tại nhà.
![hut-dom-cho-tre-so-sinh-va-nhung-luu-y-khi-thuc-hien4.png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hut_dom_cho_tre_so_sinh_va_nhung_luu_y_khi_thuc_hien4_bbc6286e4f.png)
Dụng cụ hút đờm cho trẻ sơ sinh
Khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi, nhiều mẹ đã dùng miệng để hút đờm cho con. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến khích phương pháp này. Bởi vì nó làm tăng cơ hội truyền vi khuẩn từ khoang miệng của mẹ sang con. Do đó, việc hút cần có sự hỗ trợ của dụng cụ chuyên dụng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dụng cụ hút đờm, mẹ nên chọn sản phẩm có kích thước phù hợp để tránh làm tổn thương đến trẻ. Một số dụng cụ hút đờm cho trẻ sơ sinh, cụ thể:
- Dụng cụ hút đờm dạng bầu.
- Dụng cụ hút đờm hình chữ U có bầu hút để tạo lực. Loại này thường được sử dụng khá phổ biến.
- Máy hút đờm sử dụng pin hoặc điện, không cần tác động lực bằng tay. Nhưng giá của loại máy này khá cao.
![hut-dom-cho-tre-so-sinh-va-nhung-luu-y-khi-thuc-hien6.png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hut_dom_cho_tre_so_sinh_va_nhung_luu_y_khi_thuc_hien6_3d15158c9c.png)
Những lưu ý khi hút đờm cho trẻ sơ sinh
Trước khi tiến hành hút đờm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần tuân thủ những lưu ý sau:
- Cha mẹ không được tự ý thực hiện hút đờm cho con khi chưa được sự đồng ý hoặc chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không lạm dụng việc hút đờm cho trẻ, chỉ nên thực hiện 2 đến 3 lần/ngày. Nhiều bà mẹ khi con hễ bị sổ mũi, nghẹt mũi thì lại hút đờm điều này là không nên. Bởi nó sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi và ảnh hưởng đến khứu giác cũng như chức năng hô hấp của bé.
- Không hút đờm bằng miệng: Nhiều bà mẹ lo lắng việc dùng dụng cụ hút đờm cho con sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi nên thường xuyên hút bằng miệng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên mẹ không nên dùng cách này để giúp trẻ thông thoáng đường thở cho trẻ. Vì trong miệng của mẹ có rất nhiều vi khuẩn, khi mẹ làm như vậy sẽ truyền trực tiếp sang con. Hệ miễn dịch của bé còn rất non yếu, không đủ khả năng chống lại các tác nhân trên dẫn đến tình trạng bệnh nặng thêm.
- Không hút đờm cho trẻ vừa ăn no: Cha mẹ chú ý không nên hút đờm cho trẻ ngay sau khi ăn vì dễ khiến trẻ bị nôn trớ. Thời điểm lý tưởng để hút mũi cho bé là sau bữa ăn 30 phút hoặc khi bé đang ngủ.
![hut-dom-cho-tre-so-sinh-va-nhung-luu-y-khi-thuc-hien2.png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hut_dom_cho_tre_so_sinh_va_nhung_luu_y_khi_thuc_hien2_25f10b6587.png)
Trên đây là những chia sẻ về hút đờm cho trẻ sơ sinh. Trong nhiều trường hợp trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ không thể xử lý được nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ. Hy vọng những chia sẻ này có thể giúp bé yêu sớm khỏi bệnh.
Nguyễn Nhung
Nguồn tham khảo: Tổng hợp