Hội chứng Dressler là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Hội chứng Dressler là một loại bệnh viêm màng ngoài tim hoặc viêm túi bao quanh tim (hay còn gọi là viêm màng ngoài tim). Trong bài viết này, hãy cùng Hà An Pharmacy tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hội chứng Dressler nhé!
Hội chứng Dressler là gì?
Hội chứng Dressler là tình trạng viêm túi bao quanh tim (viêm màng ngoài tim). Hội chứng này cùng với một số loại viêm màng ngoài tim khác còn được gọi là hội chứng sau tổn thương tim.
Khi màng ngoài tim bị viêm, nó có thể cọ xát vào tim và gây cảm giác đau ngực. Ngoài ra, chất lỏng dư thừa cũng có thể tích tụ giữa hai lớp màng ngoài tim gây áp lực lớn lên tim.
Hội chứng Dressler có thể xảy ra sau:
- Một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim);
- Phẫu thuật về tim;
- Chấn thương ngực do tai nạn hoặc chấn thương.
Hội chứng Dressler thường xảy ra trong vòng một đến sáu tuần sau khi phẫu thuật tim hoặc sau cơn nhồi máu cơ tim tim, nhưng có thể mất đến vài tháng để các triệu chứng phát triển.
Các tên khác của hội chứng Dressler bao gồm:
- Hội chứng sau nhồi máu cơ tim;
- Hội chứng sau chấn thương tim;
- Hội chứng sau phẫu thuật cắt màng ngoài tim.
![Hội chứng Dressler là gì? Nguyên nhân và cách điều trị 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_dressler_la_gi_nguyen_nhan_va_cach_dieu_tri_1_20b8f186bd.jpg)
Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng Dressler?
Hội chứng sau tổn thương tim thường hiếm gặp, chỉ 0,1% người bệnh nhồi máu cơ tim mắc phải hội chứng này.
Các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng mắc phải hội chứng Dressler bao gồm:
- Đau tim (nhồi máu cơ tim);
- Phẫu thuật tim;
- Chấn thương ngực do tai nạn hoặc chấn thương;
- Đã sử dụng prednisone trước đây;
- Nhiễm virus;
- Trường hợp tiền sử viêm màng ngoài tim trước đây.
Hội chứng sau tổn thương tim có dấu hiệu gì?
Những dấu hiệu và biểu hiện sau đây có thể giúp bạn nhận biết hội chứng Dressler:
- Mệt mỏi;
- Sốt;
- Đau ngực nặng hơn khi thở hoặc nằm;
- Khó thở nặng hơn khi ngả lưng hoặc nằm xuống;
- Nhịp tim nhanh;
- Tràn dịch màng tim;
- Đau khớp;
- Giảm cảm giác thèm ăn.
![Hội chứng Dressler là gì? Nguyên nhân và cách điều trị 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_dressler_la_gi_nguyen_nhan_va_cach_dieu_tri_2_d45d5f08dc.jpg)
Bên cạnh đó, hội chứng Dressler cũng có thể gây tràn dịch màng phổi và các biến chứng như:
- Chèn ép tim: Khi có quá nhiều dịch màng ngoài tim, màng ngoài tim có thể chèn ép tim, khiến tim không thể bơm máu hiệu quả.
- Viêm màng ngoài tim co thắt: Viêm màng ngoài tim tái phát hoặc mãn tính có thể khiến màng ngoài tim dày lên hoặc sẹo, dẫn đến màng ngoài tim dần co lại và bóp chặt lấy tim. Điều này cũng có thể khiến tim không thể bơm máu hiệu quả.
Các phương pháp chẩn đoán hội chứng sau tổn thương tim
Để chẩn đoán hội chứng Dressler, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng và nghe tiếng cọ xát màng ngoài tim. Để xác định chẩn đoán, bạn cũng có thể cần tiến hành các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bao gồm:
Xét nghiệm máu
Công thức máu toàn bộ (CBC) và cấy máu có thể giúp loại trừ nhiễm trùng. Các xét nghiệm máu khác có thể tìm kiếm mức protein phản ứng C tăng cao hoặc tốc độ máu lắng tăng cao, cả hai đều là dấu hiệu của viêm.
Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)
Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện hoạt động điện bất thường trong tim, là dấu hiệu của viêm màng ngoài tim.
![Hội chứng Dressler là gì? Nguyên nhân và cách điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_dressler_la_gi_nguyen_nhan_va_cach_dieu_tri_3_aa711abfef.jpg)
X-quang ngực
X-quang có thể giúp phát hiện sự gia tăng kích thước của tim, do chất lỏng tích tụ.
Siêu âm tim
Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện sự hiện diện của chất lỏng xung quanh tim, lượng chất lỏng (nếu có) và bất kỳ tác động nào mà chất lỏng này có thể gây ra trên cơ tim.
Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) và chụp CT
Các xét nghiệm hình ảnh này có thể giúp phát hiện độ dày hoặc chất lỏng dư thừa trong màng ngoài tim hoặc sự chèn ép của tim do màng ngoài tim dày lên.
Hội chứng Dressler có thể chữa được không?
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, tiên lượng của bệnh nhân là tốt. Tuy nhiên, đối với 10% đến 15% số người bệnh, hội chứng Dressler sẽ tái phát. Sau khi điều trị, bạn nên theo dõi và chăm sóc sức khỏe của mình. Đồng thời thường xuyên thăm khám bác sĩ và làm các xét nghiệm kiểm tra định kỳ.
Các phương pháp điều trị hội chứng Dressler
Điều trị bằng thuốc là lựa chọn hàng đầu cho các trường hợp mắc phải hội chứng Dressler. Tuy nhiên, phẫu thuật hay điều trị xâm lấn cũng có thể được chỉ định trong các trường hợp hội chứng Dressler biến chứng.
Điều trị bằng thuốc
Người mắc phải hội chứng sau tổn thương tim thường được điều trị hiệu quả với thuốc. Thuốc chống viêm như aspirin thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác như ibuprofen hoặc naproxen có thể giúp giảm đau và cải thiện tình trạng viêm.
Liều dùng của các loại thuốc giảm đau kháng viêm trong điều trị hội chứng Dressler như sau:
- Aspirin liều cao (750 đến 1.000 miligam mỗi sáu đến tám giờ).
- Ibuprofen (600 đến 800 miligam mỗi sáu đến tám giờ).
Một liệu trình điều trị thường kéo dài trong 4 - 6 tuần. Nếu các triệu chứng của viêm màng ngoài tim thuyên giảm bạn có thể giảm liều dùng thuốc.
Trường hợp bệnh nhân không thể dùng aspirin hay NSAIDs, bác sĩ có thể thay thế bằng colchicine hoặc steroid. Corticoid có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể cản trở việc chữa lành mô tim bị tổn thương sau cơn nhồi máu cơ tim hoặc sau phẫu thuật phẫu thuật. Vì những lý do đó, corticosteroid thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
![Hội chứng Dressler là gì? Nguyên nhân và cách điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_dressler_la_gi_nguyen_nhan_va_cach_dieu_tri_4_80aedda9aa.jpg)
Điều trị xâm lấn
Các biến chứng của hội chứng Dressler có thể yêu cầu các phương pháp điều trị xâm lấn hơn, bao gồm:
Chọc dịch ngoài màng tim
Để điều trị biến chứng chèn ép tim, bác sĩ có thể sử dụng một cây kim hoặc ống thông nhỏ để loại bỏ chất lỏng dư thừa ở màng ngoài tim. Thủ thuật này còn được gọi là chọc dịch màng ngoài tim.
Cắt bỏ màng ngoài tim
Đối với viêm màng ngoài tim co thắt, phương pháp điều trị có thể bao gồm phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim.
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn hội chứng Dressler sau cơn nhồi máu cơ tim hay phẫu thuật tim. Tuy nhiên, Hà An Pharmacy hi vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn và cảnh giác hơn trước các dấu hiệu bất thường sau khi phẫu thuật tim hay sau cơn đau tim. Điều này giúp phát hiện sớm và kịp thời điều trị hội chứng Dressler, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm khác.
Xem thêm: Hội chứng Prader-willi: Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân