Hiểu thêm về thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp
Dùng thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất là câu hỏi nhiều người bệnh quan tâm. Trong khuôn khổ bài viết này, các chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh, từ đó tìm ra giải pháp điều trị bằng thuốc phù hợp với cơ địa và tình trạng của từng người.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh gì?
Theo y học, khi xảy ra phản ứng viêm ở mối nối giữa các đốt của cột sống lưng, hoặc giữa cột sống và xương chậu thì được xem là bị viêm cột sống dính khớp. Ở một số người, có thể tình trạng viêm xảy ra tại các vị trí khác như khớp cổ tay, cổ chân, khớp cổ,...
Những triệu chứng thường gặp của viêm cột sống dính khớp là đau mỏi cột sống, khó vận động phần lưng, cảm giác đau khi muốn thay đổi tư thế ngồi. Theo quá trình tiến triển của bệnh, cơn đau sẽ tăng dần lên, các khe khớp cột sống bị thu hẹp lại. Nhiều người còn có cảm giác tăng thân nhiệt, nóng người nhưng lại không đến mức bị sốt. Với những biểu hiện không quá rõ ràng này, nhiều người thường nhầm lẫn với triệu chứng đau lưng thông thường nên bỏ qua việc chữa trị ngay từ ban đầu, làm cho việc điều trị về sau gặp khó khăn hơn.
Hiện nay, việc lý giải chính xác và đầy đủ nguyên nhân gây bệnh vẫn là một ẩn số với các nhà nghiên cứu. Phương pháp thường được áp dụng là sử dụng các bài tập cho người viêm cột sống dính khớp kết hợp thuốc đặc trị. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu và thực tế cho thấy, yếu tố di truyền và tác động từ môi trường sống có ảnh hưởng trực tiếp đến căn bệnh này.
Mục tiêu chính trong điều trị căn bệnh này là giảm đau, sưng và cứng khớp, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Việc dùng thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp là cực kỳ cần thiết, giúp cải thiện khả năng vận động của bệnh nhân, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Một số nhóm thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp nếu không được sử dụng thuốc phù hợp có thể sẽ gây tổn thương cấu trúc khớp, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số nhóm thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp phổ biến và lưu ý khi sử dụng:
Nhóm NSAID
Đây là nhóm thuốc được bác sĩ ưu tiên kê cho người bệnh khi bị viêm cột sống dính khớp. Bởi chúng có khả năng làm dịu cơn đau bằng cách ngăn cơ thể tạo ra chất gây viêm prostaglandin, giảm sưng và viêm khớp.
Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý việc dùng nhóm thuốc này lâu dài có thể gây nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể như: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, loét dạ dày hoặc tăng biến cố tim mạch và huyết áp như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,... Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe liên quan đến bệnh nền như bệnh tim, thận hoặc rối loạn tiêu hóa, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được chỉ định liều dùng hợp lý. Bởi những tác dụng phụ của thuốc có thể xuất hiện ngay sau một vài lần sử dụng.
DMARD cổ điển
Trong trường hợp các thuốc nhóm NSAID không mang lại hiệu quả trong chữa trị, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) cổ điển như Sulfasalazine, Methotrexate,... Nhóm thuốc này mang lại nhiều hiệu quả trong việc hạn chế tổn thương mô do tình trạng viêm gây ra. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ có hiệu quả với bệnh nhân có triệu chứng viêm khớp ngoài cột sống như khớp hông, khớp vai, khớp gối, khớp bàn tay,...
Đối với dòng thuốc này, thông thường bệnh nhân phải mất vài tuần đến vài tháng để thấy rõ hiệu quả. Do đó, bạn tuyệt đối không nên tự ý ngừng thuốc nếu thấy bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt. Mọi sự chỉ dẫn cần tuân thủ theo ý kiến tham vấn của bác sĩ. Ở một số người bệnh, bác sĩ còn chỉ định xét nghiệm máu và thực hiện một số kiểm tra để đánh giá chức năng của các cơ quan khác. Cũng như các loại thuốc Tây y khác, nếu thấy có biểu hiện như: Đau đầu, chướng bụng, buồn nôn, loét miệng,... bạn hãy thông báo ngay cho bác sĩ và tìm hướng xử lý nhé!
Thuốc sinh học (nhóm DMARD mới)
Nếu các thuốc NSAID/DMARD không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc nhóm DMARD mới, y khoa vẫn thường gọi là thuốc sinh học. Thuốc thuộc nhóm này bản chất là các protein (kháng thể đơn dòng) được tạo ra bằng công nghệ sinh học, nhắm vào các protein tự nhiên trong cơ thể. Thuốc này giúp hệ thống miễn dịch ngăn chặn các cytokine gây viêm.
Thuốc sinh học trong điều trị viêm cột sống dính khớp thường được chia thành 2 loại chính là thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha inhibitor) và thuốc ức chế interleukin (IL-17). Nhóm thuốc này được đánh giá là an toàn và ít tác dụng phụ hơn các nhóm thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp khác.
Tác dụng phụ phổ biến nhất của nhóm thuốc này là có thể gây nhiễm khuẩn từ nhẹ đến nặng. Do đó, bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm tầm soát nhiễm khuẩn trước khi dùng thuốc, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình trạng này khi đang điều trị bằng thuốc sinh học.
Tiêm Corticosteroid tại chỗ
Nhờ cơ chế chống viêm và ức chế hệ miễn dịch, việc tiêm Corticosteroid giúp giảm đau và sưng ở các khớp bị ảnh hưởng. Sở dĩ các thuốc nhóm Corticosteroid thường được sử dụng dưới dạng tiêm tại chỗ vì chúng mang lại hiệu quả hơn và ít gây tác dụng phụ hơn dạng uống.
Bạn có thể gặp tình trạng đau sau tiêm hoặc thay đổi tình trạng da tại vị trí tiêm, tuy nhiên nó sẽ biến mất sau một vài ngày sau đó. Việc tiêm Corticosteroid chỉ được giới hạn từ 3 - 4 lần trong một năm, giữa hai lần liên tiếp phải cách nhau vài tháng. Ngoài ra, khi áp dụng biện pháp này, bạn cần tìm hiểu thêm bệnh viêm cột sống dính khớp kiêng ăn gì để không làm giảm tác dụng của thuốc.
Như vậy, với những thông tin trên đây, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp cũng như những lưu ý khi sử dụng các loại thuốc này trong việc khắc phục chứng đau nhức xương khớp.
Nếu nhận thấy triệu chứng của bệnh không cải thiện nhiều hoặc các tác dụng phụ gây ảnh hưởng nặng đến cơ thể người bệnh, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng hoặc chuyển sang phương pháp điều trị khác phù hợp hơn. Do đó, bạn hãy trao đổi thật kỹ và thường xuyên với bác sĩ trong quá trình dùng thuốc để có kế hoạch điều trị và kiểm soát bệnh toàn diện nhất nhé!
Xem thêm: Phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp bằng Đông y