Giun móc tên khoa học là gì? Những điều cần biết về bệnh giun móc
Giun móc có tên khoa học là gì? Giun móc được xem là một trong những loại ký sinh trùng không chỉ làm suy giảm sức khỏe người nhiễm mà còn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về dinh dưỡng và phát triển, đặc biệt ở trẻ em. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến bệnh giun móc thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.
Giun móc tên khoa học là gì?
Giun móc tên khoa học là gì? Giun móc được biết đến với tên khoa học là Ancylostoma duodenale. Đây là một loại ký sinh trùng sống trong ruột, có màu trắng sữa hoặc hơi hồng.
Đúng như tên gọi, loài ký sinh trùng này có đầu giống hình móc câu bám vào thành ruột. Giun móc đực trưởng thành thường dài từ 0,8 - 1,1cm với đuôi xòe như chân ếch, trong khi đó, giun móc cái trưởng thành lại có kích thước dài 1 - 1,3cm, đuôi thẳng và nhọn.
Chu ký sống của giun móc về cơ bản như sau:
- Trứng được truyền qua phân và trong điều kiện thuận lợi về độ ẩm, nhiệt độ, oxy, trứng phát triển thành trứng mang ấu trùng.
- Ấu trùng thoát vỏ dạng rhabditiform và phát triển trong đất hoặc phân.
- Qua 2 lần thoát vỏ, chúng trở thành ấu trùng dạng filariform có khả năng lây nhiễm. Ấu trùng giun móc xuyên qua da vật chủ, theo tĩnh mạch đến tim rồi đến phổi. Chúng xâm nhập qua các nang phổi, đi lên phế quản, đến hầu họng rồi theo thực quản xuống ruột.
- Ấu trùng đến ruột non, tiếp tục thay vỏ 2 lần nữa và phát triển thành giun móc trưởng thành. Giun móc trưởng thành sống trong lòng ruột non, chúng bám vào thành ruột, hút máu và đẻ trứng. Đa số giun móc trưởng thành bị loại bỏ sau 1 - 2 năm, song tuổi thọ của giun móc có thể lên đến vài năm.
![Giun móc tên khoa học là gì? Những điều cần biết về bệnh giun móc 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_moc_ten_khoa_hoc_la_gi_nhung_dieu_can_biet_ve_benh_giun_moc_1_651fe42cc3.jpg)
Giun móc gây bệnh như thế nào?
Bên cạnh chủ đề giun móc tên khoa học là gì thì giun móc gây bệnh như thế nào cũng là chủ đề được nhiều độc giả quan tâm.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người thường xuyên tiếp xúc với đất, nước có nguy cơ chứa trứng giun móc sẽ có nguy cơ nhiễm giun móc. Cụ thể, loại ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua 2 con đường:
- Da và niêm mạc: Giun móc có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua da, niêm mạc một cách chủ động và trực tiếp.
- Đường ăn uống: Người bệnh ăn phải những loại đồ ăn có chứa giun móc hoặc ấu trùng giun móc có nguy cơ mắc bệnh giun móc.
Qua 2 con đường nêu trên, giun móc sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.
Triệu chứng và biến chứng của bệnh giun móc
Khi mắc bệnh giun móc, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng sau đây:
- Tại da: Khi xâm nhập vào da, người bệnh có thể bị viêm da tại nơi mà ấu trùng xâm nhập với các biểu hiện như ngứa ngáy và xuất hiện nhiều nốt đỏ. Theo thời gian, các nốt đỏ này có thể biến mất vài ngày sau đó. Đối với những trường hợp bội nhiễm, người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng lở loét da và tình trạng này có thể kéo dài khoảng 1 - 2 tuần.
- Tại ruột: Giun móc tiết ra độc tố gây viêm ruột với các biểu hiện đau vùng thượng vị, đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn,…
Bệnh giun móc, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến một loạt các biến chứng nguy hiểm, trong đó không thể không kể đến hội chứng thiếu máu. Hội chứng này được đặc trưng bởi các biểu hiện như da xanh, niêm mạc nhợt, dễ chảy máu chân răng, hay bị ù tai, hoa mắt, chóng mặt… Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến suy tim.
Bên cạnh đó, thiếu hụt dinh dưỡng, trẻ chậm phát triển trí tuệ do thiếu protein và sắt, đau đầu, tăng áp lực nội sọ,… cũng là các biến chứng mà người bệnh nhiễm giun móc có thể phải đối diện.
![Giun móc tên khoa học là gì? Những điều cần biết về bệnh giun móc 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_moc_ten_khoa_hoc_la_gi_nhung_dieu_can_biet_ve_benh_giun_moc_2_bcb333c247.jpeg)
Chẩn đoán và điều trị bệnh giun móc
Thông qua các triệu chứng lâm sàng nêu trên, rất khó để bạn có thể xác định được chính xác bản thân có mắc bệnh giun móc hay không. Cách tốt nhất là ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ nhiễm giun móc, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.
Chẩn đoán
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán bạn có đang nhiễm giun móc hay không. Một số phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh giun móc có thể kể đến như xét nghiệm phân tìm trứng giun, nuôi cấy trứng giun trên giấy thấm trong ống nghiệm hoặc trong môi trường than.
![Giun móc tên khoa học là gì? Những điều cần biết về bệnh giun móc 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_moc_ten_khoa_hoc_la_gi_nhung_dieu_can_biet_ve_benh_giun_moc_3_3900e69070.jpg)
Điều trị
Mục tiêu của các phương pháp điều trị bệnh giun móc chủ yếu là điều trị viêm nhiễm, điều trị các biến chứng đồng thời cải thiện dinh dưỡng. Các bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc đặc trị để tiêu diệt loài ký sinh trùng này.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp đang mang thai thì cần đặc biệt chú ý trong quá trình điều trị. Những trường hợp bị thiếu máu, người bệnh cần được bổ sung sắt và cải thiện chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày.
Làm sao để phòng ngừa bệnh giun móc?
Như đã trình bày phía trên, bệnh giun móc là căn bệnh vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Chính vì thế, việc chủ động phòng ngừa bệnh giun móc là điều vô cùng cần thiết.
Theo các chuyên gia, bạn có thể phòng ngừa được bệnh giun móc thông qua các biện pháp dưới đây:
- Giữ gìn vệ sinh nhà ở và quản lý phân đúng cách: Bạn nên xây dựng hố xí tự hoại đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh đồng thời không sử dụng phân tươi để bón cây trồng.
- Giữ gìn vệ sinh ăn uống: Ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa việc ăn rau sống hoặc ăn đồ chín tái.
- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ và đúng cách: Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa tay sạch khi sơ chế và chế biến thức ăn.
- Đối với những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh giun móc cần đặc biệt lưu ý giữ gìn và phòng ngừa tốt nhất có thể. Cụ thể, chủ động mang đồ bảo hộ như đi ủng, đeo găng tay khi tiếp xúc với đất để hạn chế mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể.
- Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm và khoảng cách giữa 2 lần tẩy giun cách nhau từ 4 - 6 tháng.
- Tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của mọi người xung quanh về việc chủ động giữ gìn vệ sinh các nhân, vệ sinh và bảo vệ môi trường…
![Giun móc tên khoa học là gì? Những điều cần biết về bệnh giun móc 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_moc_ten_khoa_hoc_la_gi_nhung_dieu_can_biet_ve_benh_giun_moc_4_Cropped_5845de47de.jpg)
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh ký sinh trùng giun móc mà Hà An Pharmacy đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về chủ đề này, giải đáp được thắc mắc giun móc tên khoa học là gì đồng thời nắm được các biện pháp phòng bệnh giun móc. Cảm ơn bạn đọc đã luôn tin tưởng, đồng hành cùng Hà An Pharmacy.