Giải đáp: Dùng băng vệ sinh thường khi đi bơi được không?
Một số quan niệm cho rằng khi các bạn gái đi bơi vào ngày “rụng dâu”, “dâu” sẽ trôi ra ngoài theo nước và gây mất vệ sinh cho vùng kín. Vì thế mà các chị em cũng băn khoăn rằng dùng băng vệ sinh thường khi đi bơi được không và có cách xử trí nào khác cho những tình huống này không? Bài viết sau đây sẽ giúp chị em “gỡ rối” vấn đề này.
Chị em phụ nữ có dùng băng vệ sinh thường khi đi bơi được không?
Nhiều chị em đã ngậm ngùi bỏ lỡ chuyến đi biển hay những buổi “pool - party” vì kỳ kinh nguyệt gõ cửa. Tuy nhiên, thực tế bạn vẫn có thể mang băng vệ sinh khi đi bơi. Nhưng với các dạng băng vệ sinh dạng miếng thông thường, chúng dễ hút nước, nhanh đầy tràn và tuột ra ngoài.
Vì vậy, trong những tình huống như thế, các chị em phụ nữ có thể chọn một số biện pháp hỗ trợ khác thay thế cho băng vệ sinh dạng miếng chẳng hạn như:
Tampon - Băng vệ sinh dạng que đặt bên trong âm đạo
Tampon là loại băng vệ sinh có kích thước nhỏ, hình que được đặt vào bên trong âm đạo để thấm hút kinh nguyệt một cách trực tiếp, hạn chế tình trạng rò rỉ máu kinh ra bên ngoài. Chính vì kích thước nhỏ gọn và được đặt vào bên trong cơ thể mà dùng tampon khi đi bơi, các bạn gái có thể thỏa sức chơi đùa mà không sợ rò rỉ máu kinh. Đồng thời, tampon cũng được thiết kế co giãn vừa khít với cơ thể, ít khi bị tuột ra ngoài.
Lưu ý khi dùng tampon, bạn nên nhét đầu dây rút của chúng vào đáy quần để tránh bị “lộ hàng” đồng thời dễ dàng rút ra để thay mới. Mặc dù tampon có thể thấm hút tốt trong từ 6 - 8 tiếng nhưng bạn cũng cần thay mới tampon ngay khi vừa mới bơi xong như các loại băng vệ sinh khác. Bởi nước biển hay nước hồ bơi vẫn có khả năng thấm vào tampon và để lâu sẽ làm tăng nguy cơ gây kích ứng âm đạo.
Cốc nguyệt san (cốc đựng kinh nguyệt) đặt bên trong âm đạo
Một trong những loại băng vệ sinh được nhiều chị em phụ nữ ưu ái hiện nay chính là cốc nguyệt san. Đây là một loại cốc đựng kinh nguyệt có hình phễu được làm từ chất liệu nhựa y tế hoặc silicon an toàn với sức khỏe, đặt sâu trong âm đạo để hứng toàn bộ kinh nguyệt và giữ cho chúng không tràn ra ngoài.
Ngoài ra, nếu những buổi pool - party hay những chuyến đi chơi biển đã được bạn lên kế hoạch từ trước thì bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của thuốc trì hoãn kinh nguyệt (norethisterone). Loại thuốc này được uống trước kỳ hành kinh dự kiến từ 3 - 4 ngày, giúp ngăn cho niêm mạc tử cung bong tróc ra, làm cho ngày hành kinh trì hoãn lại như mong đợi. Khi bạn ngừng dùng thuốc, kỳ kinh sẽ bắt đầu trong 2 - 3 ngày sau đó.
Mách bạn cách dùng băng vệ sinh thường khi đi bơi đảm bảo an toàn
Trường hợp bạn không chọn tampon hay cốc nguyệt san như một biện pháp an toàn thì nên lưu ý các bước sau đây để có thể dùng băng vệ sinh miếng khi đi bơi một cách an toàn và hiệu quả:
Bước 1: Chuẩn bị băng vệ sinh siêu mỏng và thấm hút tốt.
Bước 2: Trước khi xuống nước, bạn cần thay ngay miếng băng vệ sinh mới. Lúc này, dán chặt băng vệ sinh vào đáy quần bơi và lựa chọn quần bơi ôm sát cơ thể. Bởi khi gặp nước, băng vệ sinh sẽ mất độ kết dính và dễ trôi tuột ra ngoài, nhất là khi bạn mặc quần bơi lỏng lẻo.
Bước 3: Khi bạn bơi, trọng lực và áp lực của nước sẽ ngăn dòng chảy kinh nguyệt lại nhưng khi bạn ra khỏi hồ bơi, kinh nguyệt sẽ lưu thông trở lại. Vì thế để tránh gặp sự cố đáng xấu hổ, khi ra khỏi hồ bơi bạn nên dùng khăn quấn nhanh qua thắt lưng và nhanh chóng đi vào nhà vệ sinh để thay băng vệ sinh mới.
Bước 4: Chọn quần áo bơi tối màu để tránh những sự cố bất ngờ. Ngoài ra, nên mặc thêm một chiếc quần bơi lửng để che đi việc bạn đang mang băng vệ sinh đồng thời cũng giúp cố định chặt miếng băng vệ sinh vào đáy quần.
Những mẹo nhỏ khác khi đi chơi biển vào ngày “rụng dâu”
Ngoài quan tâm đến việc dùng băng vệ sinh thường đi bơi được không, các bạn gái cũng nên lưu ý một số điều sau để có những khoảnh khắc trọn vẹn đi đi bơi vào ngày “đèn đỏ”:
Cải thiện triệu chứng đau bụng kinh
Đau bụng kinh là một trong những nỗi ám ảnh của nhiều chị em phụ nữ. Tránh để những cơn đau này cản trở cuộc vui thì bạn không nên ăn các loại thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và cay nóng, hạn chế uống cafe,... trong những ngày hành kinh.
Chú ý thay băng vệ sinh thường xuyên
Dù bạn chọn dùng băng vệ sinh dạng miếng thông thường hay tampon, cốc nguyệt san cũng cần lưu ý phải thay băng vệ sinh thường xuyên và đúng với thời gian của từng loại. Với băng vệ sinh miếng, cần thay mới mỗi 4 tiếng một lần, với tampon bạn cần thay mới mỗi 6-8 tiếng, thời gian này với cốc nguyệt san có thể lên đến 12 tiếng.
Đặc biệt khi đi bơi, trước vào sau khi xuống hồ bơi, bạn đều cần thay băng vệ sinh mới để tránh nước từ hồ bơi có cơ hội tiếp xúc lâu dài với âm đạo gây nên bệnh phụ khoa.
Giữ tâm lý thoải mái và thư giãn
Các bạn gái thường mất tự tin trước việc mang băng vệ sinh khi đi bơi, từ đó tạo thêm tâm lý căng thẳng khiến kinh nguyệt rối loạn khó kiểm soát hơn. Đừng quá lo lắng, với những mẹo kể trên, bạn đã có thể có những kỳ nghỉ vui vẻ với bạn bè và người thân mà không cần canh cánh lo sợ về “chị nguyệt”.
Qua bài viết giải đáp về việc dùng băng vệ sinh thường khi đi bơi được không, chắc hẳn bạn đã có cho mình câu trả lời và bỏ túi một số mẹo nhỏ để đối phó với “chị nguyệt”. Hy vọng chúng sẽ góp phần giúp bạn có thể có những trải nghiệm trọn vẹn mà không cần lo lắng nhé!
Quỳnh Vi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp