Gãy xương đòn có làm được việc nặng không?

Gãy xương đòn (xương quai xanh) là chấn thương xảy ra khá phổ biến. Việc điều trị gãy xương đòn vai có thể sử dụng nhiều phương pháp tùy thuộc vào mức độ của chấn thương. Tuy nhiên, trong quá trình hồi phục nhiều người bệnh thường thắc mắc gãy xương đòn có làm việc nặng được không? Hãy theo dõi bài viết sau để có câu trả lời phù hợp nhé!

Các phương pháp chữa trị bệnh gãy xương đòn hiện nay

Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị gãy xương đòn được đánh giá cao đó là điều trị phẫu thuật và điều trị bảo tồn. Trong đó:

Điều trị bảo tồn

Phần lớn những trường hợp gãy xương đòn vai sẽ được áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn mang đai số 8. Trước kia, người bệnh cần phải bó bột, giữ cho vai thẳng để cố định lại xương đòn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn nhẹ nhàng hơn, đó là đeo đai cố định số 8.

Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp này đối với bệnh nhân cao tuổi, bị loãng xương hoặc các trường hợp nếu thực hiện phẫu thuật sẽ gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, điều trị bảo tồn cũng sẽ được áp dụng đối với những người bệnh không chấp nhận phẫu thuật đau đớn, có sẹo mổ và không muốn nằm viện…

Gãy xương đòn có làm được việc nặng không 1 Điều trị gãy xương vai bằng phương pháp đeo đai số 8

Điều trị phẫu thuật

Trong trường hợp gãy xương đòn có tổn thương dây thần kinh hay thủng màng phổi, tổn thương mạch máu sẽ được chỉ định tiến hành phẫu thuật. Ngoài ra, những trường hợp gãy xương đòn vai hở, phải cắt lọc vết thương và kết hợp xương cũng cần được chỉ định phẫu thuật.

Với những trường hợp gãy xương kín đang trong quá trình điều trị bảo tồn nhưng xuất hiện mảnh gãy thứ ba và có nguy cơ chọc thủng da hay màng phổi sẽ phải chỉ định mổ.

Ngoài ra, điều trị phẫu thuật cũng được mở rộng do nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh. Bởi đặc thù xương đòn vai nằm ngay dưới da, khi điều trị bảo tồn có thể xuất hiện một vài rủi ro không đáng có như nổi cục thịt trên da, làm mất thẩm mỹ. Do đó, người bệnh có thể yêu cầu phẫu thuật để đảm bảo xương lành không bị biến dạng.

Gãy xương đòn có làm được việc nặng không?

Như đã chia sẻ ở trên, gãy xương đòn vai có thể điều trị bằng 2 phương pháp gồm: Bảo tồn bằng đeo đai số 8 và phẫu thuật đặt nẹp vít. Sau khoảng 2 - 3 tháng, người bệnh mới bước vào quá trình phục hồi chức năng ở vùng khớp vai, khi có dấu hiệu can xương. Một số bài tập giúp phục hồi chức năng khớp vai sẽ được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn và kéo dài 4 - 6 tuần. Mục đích giúp các khớp vai không bị cứng do lâu ngày không vận động, hỗ trợ tăng sức mạnh các cơ quanh khớp vai đồng thời tăng tính linh hoạt của khớp vai.

Sau quá trình phục hồi từ 2 đến 4 tuần, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng nhưng không được đưa tay lên quá đầu. Những hoạt động như nâng tay cao quá đầu, thể thao hay lao động chỉ được thực hiện khi người bệnh tái khám và được bác sĩ chẩn đoán là hồi phục hoàn toàn. 

Gãy xương đòn có làm được việc nặng không 2 Người bệnh không nên làm việc nặng trong thời gian hồi phục xương đòn vai

Như vậy, thông thường xương đòn vai sẽ liền sau khoảng 3 tháng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn thì người bệnh chỉ nên tập khớp vai nhẹ nhàng, đặc biệt là không nên kéo tạ. Bởi dù xương đã lành nhưng vị trí gãy vẫn còn khá yếu so với cấu trúc xương do đó người bệnh không nên mang vác vật nặng. Mức độ vận động sẽ tăng dần tùy vào sức chịu đựng và quá trình hồi phục của người bệnh.

Cách chăm sóc sau khi điều trị gãy xương đòn vai

Lưu ý về cách chăm sóc hậu phẫu thuật gãy xương đòn

  • Tuần đầu tiên, người bệnh có thể chườm đá vào vị trí bị tổn thương 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 15 phút giúp giảm triệu chứng sưng đau và nhiễm trùng.
  • Không được nâng cánh tay phía bị xương đòn bị gãy theo mọi hướng trong khoảng 4 - 6 tuần sau chấn thương.
  • Không dùng tay nâng vật nặng quá 3kg bên phía xương đòn bị gãy trong vòng 6 - 8 tuần kể từ khi gãy xương.
  • Giữ nguyên nẹp xương đòn trong khoảng 3 - 4 tuần sau chấn thương để xương nhanh lành.
  • Trong khi mang đai cố định số 8, người bệnh cần chú ý giữ cho phần xương và cơ thẳng để tránh di lệch thứ phát. Đặc biệt chú ý tư thế vai, không thả lỏng, không nhún vai hay xoay tròn vai khi mang nẹp.
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn để bác sĩ kiểm tra và theo dõi quá trình lành xương.
Gãy xương đòn có làm được việc nặng không 3 Người bệnh cần chú ý đến quá trình chăm sóc hậu phẫu 

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và khoa học 

  • Uống đủ nước mỗi ngày để tránh nguy cơ hình thành sỏi.
  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là protein và calci.
  • Người bệnh nên ưu tiên các loại thực phẩm mềm dễ tiêu hóa…
  • Đối với người lớn tuổi, khả năng hấp thu kém thì nên bổ sung thêm sữa có chứa calci.

Trên đây là những giải đáp về thắc mắc gãy xương đòn có làm được việc nặng không. Sau quá trình điều trị, bạn nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cũng như tuân thủ theo chỉ định bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe nhé.

Thùy Dung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo