Điều người nghi ngờ nhiễm nCoV cách ly tại nhà cần làm
Virus Corona 2019 (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người.
Chủng virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 2019-nCoV là chủng virus mới chưa được xác định trước đó.
Ngoài chủng virus Corona mới phát hiện này, đã có 6 chủng virus Corona khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.
Dấu hiệu nhiễm virus Corona (nCoV) là gì?
Virus Corona mới gây viêm phổi cấp. Người mắc bệnh viêm phổi do loại virus này gây ra có các biểu hiện như ho, sốt và khó thở. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn suy yếu nội tạng.
Vì đây là viêm phổi do virus nên thuốc kháng sinh không có tác dụng, các loại thuốc chống virus hiện tại được dùng cho bệnh cúm thông thường cũng không hiệu quả.
Cách tốt nhất vẫn là nhập viện theo dõi. Đến nay, đa phần người chết do virus Corona mới đều cao tuổi và mang sẵn các loại bệnh nền, sức khỏe kém.
Bộ Y tế cho biết theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh.
Tới khi khởi phát, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
![](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ho_lau_ngay_uong_khang_sinh_khong_khoi_phai_lam_sao_390e740a4c.jpg)
Nghi nhiễm virus Corona phải làm thế nào?
Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Đồng thời, Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng các bệnh viện trên cả nước để người dân kịp thời liên hệ về bệnh do nhiễm vi rút Corona.
![](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hotlinencov_byte_dtyj_jfmh_9613e9d8f8.jpg)
Những điều người nghi ngờ nhiễm nCoV cách ly tại nhà cần làm
Đo thân nhiệt
Người nghi nhiễm bệnh cần chủ động đo nhiệt độ 2 lần mỗi ngày để xem cơ thể có sốt, ho, thở mệt hoặc khó thở hay không. Sốt là khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn hoặc bằng 37,5 độ C.
Người trong diện phải cách ly cần chú ý theo dõi các triệu chứng khác của cơ thể mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy.
Theo dõi dấu hiệu cơ thể
Nếu không có các triệu chứng trên, người bệnh vẫn nên tiếp tục tự theo dõi sức khỏe ít nhất 2 lần/ngày, cho đến khi hết thời gian ủ bệnh.
Với những người tiếp xúc nguy cơ thấp và người trở về từ vùng dịch, nên ở nhà, hạn chế đi lại và không sử dụng các phương tiện công cộng. Khi ra ngoài phải mang khẩu trang đúng cách.
Thông báo cho cán bộ y tế
Hàng ngày, người trong diện cách ly cần thông báo tình trạng sức khỏe cho cán bộ y tế.
Khi có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần lập tức ở phòng riêng và thực hiện đeo khẩu trang đúng cách, không tiếp xúc với người khác. Đồng thời, gọi điện thoại ngay cho nhân viên y tế phụ trách theo dõi bạn hoặc đường dây nóng để được hỗ trợ y tế.
Đặc biệt, khi có các vấn đề về sức khỏe, cần thông báo cho nhân viên y tế phụ trách theo dõi. Nếu cần khám bệnh, người dân nên đến khám bệnh tại cơ sở y tế thông báo tiền sử dịch tễ. Không nên đi khám ở nhiều cơ sở y tế khác nhau trong thời gian cách ly theo dõi 14 ngày.
![](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/vu_han_0ca64094e9.jpg)
Vệ sinh cá nhân
Trong quá trình cách ly, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; che miệng và mũi khi ho, khi hắt hơi; không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống.
Đối với người có nguy cơ bệnh nặng (người có bệnh mạn tính, người già, trẻ em) hoặc người tiếp xúc nguy cơ cao (tiếp xúc với khoảng cách dưới 2 m với người bệnh, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, phân của bệnh nhân mà không có đồ bảo hộ), phải tuyệt đối cách ly hoàn toàn, ở nhà, không đi học, đi làm hay tiếp xúc với người khác.
Nhân Tâm