Điều ba mẹ cần biết: Trẻ bị ho khan nên uống thuốc gì?
Ho khan có thể do sức đề kháng yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công và một số nguyên nhân do bệnh lý khác, kéo dài làm trẻ mệt mỏi, chán ăn khiến ba mẹ lo lắng. Bị ho do thời tiết sẽ có cách chữa trị và chăm sóc khác so với ho do bệnh lý nào đó. Do đó phụ huynh cần tìm hiểu đúng nguyên nhân gây ho để có hướng giải quyết và biết được trẻ ho khan uống thuốc gì là phù hợp.
Nguyên nhân khiến trẻ bị ho khan
Ho là một triệu chứng và không phải là bệnh lý. Thực chất đây là một phản xạ bảo vệ của cơ thể giúp tống đờm hoặc dị vật mắc ở cổ ra ngoài. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho ở trẻ em. Nhìn chung là do các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm phổi,... Ngoài ra, trẻ bị ho cũng có thể do trào ngược dạ dày thực quản hoặc các chất dị ứng như khói bụi, nấm mốc, chất hoá học, phấn hoa,…
Một nguyên nhân điển hình khiến trẻ bị ho là do thời tiết trở lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến vi khuẩn tồn tại lâu xâm nhập vào cơ thể và lây lan.
![Điều ba mẹ cần biết: Trẻ bị ho khan nên uống thuốc gì? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_ba_me_can_biet_tre_bi_ho_khan_nen_uong_thuoc_gi_1_4d3abc27e2.jpeg)
Ba mẹ có nên tự mua thuốc trị ho cho trẻ?
Đối với trẻ dưới 6 tuổi khi bị ho ba mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng thuốc. Trên thực tế, hầu hết các bác sĩ không khuyến khích ba mẹ tự mua thuốc điều trị cho trẻ uống.
Khi trẻ được 6 tuổi trở lên, ba mẹ có thể đến nhà thuốc, mua thuốc ho cho bé theo hướng dẫn của dược sĩ tại quầy và lưu ý sử dụng đúng liều lượng phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Không cho trẻ dùng nhiều hơn 2 loại thuốc cùng lúc vì các hoạt chất trong thuốc là khác nhau, sẽ vô tình gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Khi nào có thể cho trẻ dùng thuốc trị ho?
Khi trẻ ho nhiều về đêm khiến trẻ không ngủ được, mất sức, ho khan, ho dị ứng thì mới cho uống thuốc ho để làm giảm cơn ho. Thuốc trị đờm chỉ nên dùng khi có đờm quá đặc không khạc ra được. Tránh dùng thuốc trị ho và thuốc trị đờm cùng lúc.
Trẻ bị ho khan nên uống thuốc gì?
Trẻ bị ho khan hay ho có đờm thì sử dụng các loại thuốc khác nhau. Thuốc ho chỉ có tác dụng giảm ho được sử dụng khi trẻ ho khan, ho dị ứng. Còn thuốc trị ho kèm đờm có tác dụng làm loãng dịch đờm để dễ dàng đẩy ra ngoài.
Thuốc trị ho cho trẻ em
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi khi bị ho, ba mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc. Các loại thuốc ho trẻ em được sử dụng phổ biến nhất hiện nay đều chứa hoạt chất dextromethorphan. Lưu ý mẹ nên cho trẻ dùng đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo không cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc mà không có kê đơn của bác sĩ. Theo thống kê cho thấy không có hiệu quả nhiều khi tự cho trẻ uống thuốc trị ho, ngược lại còn gây tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc trị long đờm
Trẻ bị ho có đờm sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc (guaifenesin, bromhexin, acetylcystein,…) để làm loãng dịch đờm, dễ khạc nhổ ra ngoài. Khi cho trẻ sử dụng thuốc trị đờm cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc trị đờm có thể gây co thắt phế quản nên không sử dụng cho trẻ bị hen suyễn.
- Không sử dụng thuốc này cho trẻ có sức đề kháng yếu, cơ thể suy nhược vì không thể đẩy đờm ra ngoài, gây ứ đọng khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
- Nếu đờm ở phế quản nhiều mà trẻ không nhổ ra được thì cần đến bệnh viện để hút ra.
- Tránh vừa dùng thuốc trị ho và thuốc long đờm.
- Không dùng thuốc long đờm cho trẻ bị viêm loét dạ dày.
Các loại thuốc ho thảo dược
Các loại thuốc được bào chế từ thảo dược thiên nhiên với tác dụng chính là giảm ho, tiêu đờm mặc dù khá lành tính nhưng ba mẹ cũng không nên lạm dụng. Thuốc có thể sản xuất dưới dạng viên nén, viên ngậm và siro, khi cho trẻ uống ba mẹ cần đong đúng liều lượng và thời gian giữa mỗi lần uống.
Biện pháp ngăn ngừa và làm giảm ho khan cho trẻ
Cách chăm sóc và ngăn ngừa khi trẻ bị ho là rất quan trọng, hỗ trợ trẻ mau khỏi bệnh. Dưới đây là một vài cách giúp giảm cơn ho khó chịu và an toàn cho trẻ:
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên cho trẻ bú sữa đầy đủ và bổ sung thêm nước mỗi ngày.
- Đối với trẻ lớn hơn tập cho trẻ cách súc miệng bằng nước muối để bảo vệ cổ họng.
- Bổ sung đầy đủ vitamin từ thực phẩm, hoa quả để nâng cao sức đề kháng chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh. Bên cạnh đó cho trẻ uống nước mật ong ấm mỗi ngày để giảm đờm, giảm ho, làm ấm cơ thể.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để trẻ thở dễ dàng hơn.
- Nếu trẻ bị chảy nước mũi, mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý hoặc dùng chai xịt để làm sạch mũi mỗi ngày.
- Mẹ nên nấu những món ăn mềm, dễ nuốt vì khi bị ho, có đờm, cổ họng sẽ đau rát kể cả khi nuốt nước bọt hay ăn uống.
![Điều ba mẹ cần biết: Trẻ bị ho khan nên uống thuốc gì? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_ba_me_can_biet_tre_bi_ho_khan_nen_uong_thuoc_gi_3_55eb5e6f29.png)
Trên đây là những thông tin giúp ba mẹ biết rõ trẻ bị ho khan nên uống thuốc gì và cách chăm sóc khi trẻ bị ho. Trong một vài trường hợp để phòng ngừa, ba mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm phòng một số bệnh gây nên tình trạng ho khan. Nếu không chắc chắn nguyên nhân gây ho của con, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt tránh tiến triển bệnh xấu hơn.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp