Dịch sởi tại TP.HCM: Tiêm chủng là giải pháp tối ưu phòng ngừa bệnh
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) đã ban hành kế hoạch chủ động ứng phó với dịch bệnh Sởi trên toàn địa bàn thành phố nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Mục tiêu của kế hoạch này là phát hiện nhanh chóng các trường hợp mắc bệnh Sởi để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn không cho dịch bệnh Sởi lây lan rộng trong cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế.
Tình hình dịch Sởi tại TP. HCM
Chiều ngày 27/8, UBND TP HCM đã công bố dịch Sởi trên địa bàn thành phố để triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đây là lần đầu tiên TP HCM công bố dịch Sởi trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là địa phương đầu tiên trong thời gian gần đây thực hiện việc này. Quyết định được đưa ra sau khi ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc Sởi và ba trường hợp tử vong liên quan đến bệnh Sởi ở trẻ em.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm, được quy định thuộc nhóm B lây qua đường hô hấp, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Bộ Y Tế cũng như chính quyền các cấp khuyến cáo mọi người nên tiêm đầy đủ lịch vắc xin phòng Sởi-rubella để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Chiến dịch phòng chống dịch bao gồm việc tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi và có thể mở rộng độ tuổi tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Các cơ sở y tế sẽ tổ chức phân luồng và có khu vực khám riêng để sàng lọc bệnh sởi. Những người bệnh cần đeo khẩu trang và tất cả các ca sốt phát ban nghi ngờ sởi sẽ được báo cáo và xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Vì sao bệnh sởi nguy hiểm?
Bệnh sởi được coi là nguy hiểm vì nhiều lý do, chủ yếu là do các biến chứng có thể xảy ra và sự lây lan nhanh chóng của nó.
- Biến chứng nghiêm trọng: Như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, viêm tai giữa. Những biến chứng này có thể để lại ảnh hưởng lâu dài như tổn thương thính giác do viêm tai giữa hoặc vấn đề thần kinh do viêm não.
- Tính lây lan cao: Sởi có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt là ở những nơi đông người và nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Sởi rất dễ lây lan qua các giọt nước bọt trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể lây lan từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban xuất hiện. Hệ số lây nhiễm cơ bản của Sởi là cao nhất trong tất cả các bệnh truyền nhiễm (12 đến 18 - điều đó có nghĩa là từ 1 ca bệnh ban đầu có thể lây truyền cho 12 đến 18 người nhiễm bệnh mới)
- Nguy cơ tử vong: Mặc dù tỷ lệ tử vong do sởi không cao, nhưng nó vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Biến chứng như viêm phổi và viêm não có thể dẫn đến tử vong.
- Ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương: Sởi có thể đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những người có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch. Khi có dịch ởi, chúng ta có thể phải đối mặt với tình trạng quá tải trong các cơ sở y tế.
Tại sao tiêm chủng là giải pháp tối ưu để phòng dịch sởi?
Sởi hoàn toàn có thể phòng ngừa được một cách đăc hiệu thông qua việc tiêm vắc xin: Sởi đơn giá hoặc đa giá như Sởi-rubella (MR), Sởi-rubella-quai bị (MMR). Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm phòng thấp trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch Sởi sẽ tăng cao.
Hiệu quả cao và lâu dài
Vắc xin Sởi thường được kết hợp với vắc xin rubella (MR) hoặc rubella và quai bị (MMR) có hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa bệnh. Sau khi tiêm 2 liều vắc xin, tỷ lệ bảo vệ có thể đạt tới 99%. Vắc xin giúp cơ thể phát triển miễn dịch bền vững chống lại virus Sởi, kéo dài nhiều năm thậm chí là bảo vệ được suốt đời.
Duy trì miễn dịch cộng đồng và giảm nguy cơ bùng phát dịch
Khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, tạo ra một “hàng rào miễn dịch” giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus Sởi. Điều này bảo vệ cả những người không thể tiêm vắc xin, như trẻ sơ sinh quá nhỏ hoặc những người có hệ miễn dịch suy giảm. Tiêm chủng làm giảm số lượng người nhiễm và mắc bệnh, do đó giảm nguy cơ bùng phát dịch Sởi trong cộng đồng.
Bảo vệ các nhóm dễ tổn thương như trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch yếu
Trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, người lớn tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị các bệnh lý nền, mạn tính khác là những nhóm có nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng nếu bị Sởi. Tiêm vắc xin giúp bảo vệ các nhóm này khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng.
Giảm số ca mắc bệnh và giảm chi phí y tế
Việc giảm số ca mắc Sởi giúp giảm áp lực lên các cơ sở y tế, giảm nhu cầu nhập viện và điều trị cho các ca bệnh nặng. Tiêm chủng giúp giảm chi phí điều trị bệnh Sởi và các biến chứng của nó, từ đó tiết kiệm chi phí cho toàn hệ thống y tế nói chung và mỗi gia đình nói riêng.
Bảo vệ lâu dài và có tính kinh tế hơn
- Chi phí thấp hơn: Tiêm vắc xin là một giải pháp phòng bệnh có chi phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị bệnh sởi cũng như các biến chứng của nó.
- Hiệu quả lâu dài: Vắc xin giúp duy trì sự miễn dịch trong một khoảng thời gian lâu dài, đồng thời tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ giúp ngăn chặn nhiễm bệnh và lây lan mang tính bền vững cho cả cộng đồng.
Giảm tỉ lệ tử vong và biến chứng
Tiêm vắc xin giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng của sởi như viêm phổi, viêm não và tiêu chảy, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và giảm tỷ lệ tử vong cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Như vậy tiêm chủng là giải pháp tối ưu để phòng ngừa bệnh. Tiêm chủng không chỉ bảo vệ cá nhân khỏi mắc bệnh Sởi mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng, giảm, cắt đứt sự lây lan và giúp kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Sự chung tay, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như toàn xã hội, đảm bảo rằng thành phố có thể nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh Sởi và hướng tới một môi trường sống an toàn và khỏe mạnh.