Có thể dùng gừng trị vảy nến được không?
Gừng là loại cây được sử dụng rộng rãi, không chỉ là loại gia vị để chế biến món ăn, mà còn được biết đến với vai trò như một vị thuốc dân gian nhờ các hợp chất có hoạt tính sinh học chứa trong gừng. Vì thế, nguyên liệu này được tận dụng phổ biến trong điều trị các tình trạng da bị sưng tấy, viêm nhiễm, đặc biệt là bệnh vảy nến - là một bệnh lý da liễu mãn tính, phát sinh do sự tăng sinh quá mức của các tế bào sừng làm rối loạn hệ miễn dịch.
Bệnh vảy nến là gì?
Theo ghi nhận bệnh vảy nến xuất hiện ở khoảng 1 - 5% dân số toàn cầu. Đây là một bệnh lý da liễu có liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Với nguyên nhân là do tình trạng các tế bào sừng tích tụ trên bề mặt da, dẫn đến hình thành các mảng bong tróc màu đỏ bạc, gây ngứa, khó chịu và làm cho người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm về mặt thẩm mỹ. Không những vậy, vảy nến còn có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý về da khác mà người bệnh khó có thể phân biệt được.
![Co-the-dung-gung-tri-vay-nen-duoc-khong (2).png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Co_the_dung_gung_tri_vay_nen_duoc_khong_2_62c6dfd4cd.png)
Các vị trí thường bị ảnh hưởng bao gồm da đầu, khuỷu tay và đầu gối. Một số tác nhân kích thích khiến tế bào sừng tăng sinh quá mức, gây ra phản ứng viêm có thể kể đến như: Nhiễm trùng, chấn thương, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia và một số loại thuốc.
Bệnh có thể gây ra tình trạng viêm mãn tính, thường đi cùng với các tình trạng bệnh lý khác như viêm khớp, béo phì,... Vì bệnh mang tính chất mãn tính nên khó có thể điều trị khỏi, việc can thiệp chủ yếu để kiểm soát và hạn chế tình trạng bệnh.
Vì sao có thể sử dụng gừng trị vảy nến?
Gừng được xem là nguyên liệu dùng rất nhiều để điều trị các tình trạng viêm nhiễm, trong đó có bệnh vảy nến. Theo ghi chép về y học cổ truyền, gừng có vị cay nồng, tính ấm nên có tác dụng rất tốt trong việc lưu thông khí huyết, chống viêm và diệt khuẩn.
Về thành phần hóa học, gừng chứa rất nhiều loại vitamin và khoáng chất như: Vitamin A, B, C, E, magie, kali, phospho,… và vô số hợp chất có hoạt tính sinh học như: Phenolic, terpen, lipid và carbohydrate cùng các chất chống oxy hóa khác. Những thành phần này cũng chứng minh được hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên của gừng giúp ích trong việc cải thiện hệ miễn dịch, tiêu diệt nấm ngứa, vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả và giảm những tổn thương ngoài da do viêm nhiễm.
Đặc biệt, gừng đã được y học ghi nhận rất nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người, không chỉ riêng các bệnh lý về da liễu, người ta còn tận dụng gừng vào chữa trị không ít bệnh lý liên quan đến xương khớp, hô hấp,...
Cách sử dụng gừng trị vảy nến như thế nào?
Theo một số nghiên cứu, gừng là dược liệu có tác dụng diệt khuẩn và kháng viêm hiệu quả. Vì vậy, gừng được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị bệnh vảy nến.
Đắp nghệ
Lấy từ 2 - 3 lát gừng tươi, giã nhuyễn sau đó đắp lên vùng da bị bệnh. Nhờ khả năng kháng viêm mà gừng sẽ giúp hỗ trợ điều trị vảy nến hiệu quả.
Trà gừng
Ngoài cách chữa vảy nến bằng cách đắp ngoài da thì người bệnh có thể kết hợp biện pháp uống để tăng hiệu quả điều trị và giúp giảm ngứa khi bị vảy nến. Sử dụng trà gừng trị bệnh vảy nến là một trong những cách khá đơn giản. Cách thực hiện như sau:
- Cho khoảng 1 muỗng gừng khô hoặc 2 - 3 lát gừng tươi vào nước sôi và đậy kín trong vòng 2 - 3 phút.
- Sau đó có thể cho thêm mật ong hoặc chanh (khoảng nửa muỗng cà phê) vào cùng giúp dễ uống hơn.
- Nên dùng ngay khi nước còn nóng để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, bạn có thể dùng trà gừng dưới dạng túi lọc để tiện lợi hơn.
![Co-the-dung-gung-tri-vay-nen-duoc-khong (3).png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Co_the_dung_gung_tri_vay_nen_duoc_khong_3_8e46ef3b23.png)
Trị bệnh vảy nến bằng gừng và củ nghệ
Các nhà nghiên cứu đã xác nhận trong gừng và nghệ đều có tính kháng viêm, chống oxy hóa nên có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da do viêm nhiễm. Trong hai nguyên liệu này còn chứa nhiều thành phần là các loại vitamin, acid hữu cơ, khoáng chất, giúp cải thiện hệ miễn dịch, giảm ngứa ngứa, giảm căng thẳng và những tổn thương ngoài da.
Nguyên liệu: 1 thìa bột nghệ, 1 thìa bột gừng và 1 thìa mật ong nguyên chất (hoặc có thể thay bằng đường trắng).
Cách thực hiện:
- Hãm bột gừng và bột nghệ với 100ml nước sôi trong khoảng 5 phút.
- Thêm mật ong hoặc đường, khuấy đều cho tan hết.
- Mỗi ngày uống 2 ly vào buổi sáng và chiều.
- Kiên trì đều đặn mỗi ngày để cải thiện bệnh vảy nến được nhanh chóng.
Tuy nhiên, để tình trạng vảy nến mau khỏi, bạn nên giữ vệ sinh sạch sẽ da đầu, tắm rửa thường xuyên và trong trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm cần thăm khám bác sĩ kịp thời.
Có nên chữa vẩy nến bằng gừng không?
Gừng có chứa tinh dầu và một số hoạt chất đã được chứng minh có tính kháng khuẩn và kháng viêm tốt. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng liều cao nhằm đẩy nhanh tốc độ điều trị bệnh.
Sử dụng gừng trị vảy nến chỉ là phương pháp dân gian, không thể thay thế hoàn toàn điều trị bằng thuốc. Bạn cần đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng cũng như có phương pháp điều trị hợp lý nhất.
Chữa viêm vảy nến bằng gừng chỉ áp dụng được trong trường hợp bệnh mới khởi phát hoặc trong giai đoạn nhẹ.
Bạn có thể dùng gừng để trị bệnh vảy nến nhưng cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế. Đồng thời, phối hợp cùng phương pháp điều trị được chỉ định để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
![Co-the-dung-gung-tri-vay-nen-duoc-khong (4).png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Co_the_dung_gung_tri_vay_nen_duoc_khong_4_437aa4c62c.png)
Những lưu ý khi sử dụng gừng trị vảy nến
Để tránh độc tố gây hại từ gừng, mọi người nên rửa sạch gừng trước khi sử dụng và không nên ăn khi gừng có dấu hiệu dập thối, hư hỏng.
Ngoài ra, vì tính nhiệt có trong gừng mà các đối tượng sau cần thận trọng khi sử dụng, chẳng hạn như: Người bị say nắng hay sốt cao, người có tiền sử tăng huyết áp, đau dạ dày và người thể trạng nóng, dễ bị táo bón, nhiệt miệng.
Nhìn chung việc sử dụng gừng có thể kiểm soát bệnh vảy nến. Tuy nhiên như đã trình bày, vì bệnh vảy nến là bệnh mãn tính, không thể điều trị khỏi hoàn toàn, nên gừng chỉ nên được xem là một biện pháp hỗ trợ, cần phải kết hợp điều trị dưới sự kiểm soát của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Việc sử dụng gừng trị vảy nến là phương pháp tương đối an toàn, lành tính và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tác dụng của phương pháp này khá chậm, mất nhiều thời gian và thậm chí không đem lại hiệu quả ở một số trường hợp. Chính vì vậy, trước khi quyết điều trị bệnh vảy nến bằng gừng, người bệnh cần biết chính xác mức độ bệnh lý đang mắc phải.