Cẩn trọng với hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
Các bậc phụ huynh cần cẩn trọng với hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh bởi nếu không được điều trị kịp thời bệnh dễ gây biến chứng, làm nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Tương tự như ở người lớn, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh xảy ra khi lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường. Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ em. Thế nhưng hầu hết cha mẹ đều không để ý hoặc lơ là với tình trạng này.
1. Lý giải tình trạng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
Các chuyên gia y tế cho biết, khoảng vài giờ đầu sau khi lọt lòng, lượng đường trong máu của trẻ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều không gây nguy hiểm nào cho bé cả. Bé có thể cân bằng lại lượng đường trong cơ thể bằng cách bú sữa mẹ.
Đối với những trẻ có mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thường có mức insulin khi sinh ra cao hơn mức bình thường, làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của trẻ. Ngoài ra, trẻ sinh non hay bị hạ thân nhiệt đột ngột, bị nhiễm trùng cũng có nguy cơ hạ đường huyết.
![Cẩn trọng với hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ha_duong_huyet_o_tre_so_sinh_1_805ae0619f.jpg)
2. Dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
Các dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh thường không rõ rệt. Hầu hết các triệu chứng xuất hiện trong vòng từ 3 - 48 giờ sau khi sinh, điển hình là: bé run lên nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, thân nhiệt giảm xuống nhanh, da dẻ nhợt nhạt, lạnh, có thể tím tái, giảm trương lực cơ toàn thân. Trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết còn có các biểu hiện trầm trọng hơn như: nhịp thở nhanh, thở gấp, mạnh. Một số ít các trường hợp, bé cũng có thể bị ngừng thở trong khoảng một thời gian ngắn. Trường hợp bệnh nặng bé còn bị co giật mạnh rồi chìm vào trạng thái vô ý thức, hôn mê li bì... Ở bệnh viện, các bác sĩ có thể xác định bé có đang bị hạ đường huyết hay không nhờ sự hỗ trợ chẩn đoán của các máy móc thiết bị hiện đại.
![Cẩn trọng với hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ha_duong_huyet_o_tre_so_sinh_2_21d526e73d.jpg)
3. Phương pháp điều trị
Để phòng ngừa và điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh, các mẹ cần cho con bú ngay sau khi sinh với những trẻ đẻ non 35-36 tuần hoặc đẻ đủ tháng. Trường hợp trẻ không bú được thì phải nhờ các bác sĩ chăm sóc bằng việc truyền dung dịch đường glucose 10%: 6 - 8mg/kg/phút.
Đối với trẻ đẻ non hoặc bệnh nặng cần bắt đầu truyền dung dịch đường glucose 10%: 6 - 8mg/kg/phút. Những trẻ có dấu hiệu hạ đường huyết cần tiêm tĩnh mạch glucose 10% (2 - 3ml/kg glucose 10% trong vòng 1 - 2 phút). Khi cần có thể phải tiêm nhắc lại. Sau đó, tiếp tục duy trì truyền dung dịch glucose (10% từ 6 - 8mg/kg/phút) cho đến khi đường huyết của trẻ trở về mức bình thường và ổn định. Ngoài ra, có thể phải tăng nồng độ glucose hoặc liều lượng để đảm bảo đường máu bình thường. Cuối cùng, để theo dõi sức khỏe của bé, bạn nên trang bị những dụng cụ cần thiết như máy đo đường huyết, máy đo huyết áp, nhiệt kế điện tử...
![Cẩn trọng với hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ha_duong_huyet_o_tre_so_sinh_3_9cc8ca6470.jpg)
Thực tế khảo sát cho thấy, 41% trường hợp hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở các bé sinh non, nhẹ cân dưới 2,5 kg. Bệnh này có thể gây tác động nghiêm trọng đến thần kinh của trẻ sau này. Vì vậy, trẻ sơ sinh cần được chẩn đoán và điều trị hạ đường huyết kịp thời và nhanh chóng.
Hường