Cách chữa viêm xoang bằng cà độc dược có thực sự hiệu quả không?
Khi bị viêm xoang, nhiều người thường áp dụng các phương pháp chữa bệnh khác nhau. Một trong số đó là cách chữa viêm xoang bằng cà độc dược mà dân gian vẫn lưu truyền. Vậy phương pháp này được áp dụng như thế nào và có thực sự hiệu quả hay không?
Viêm xoang là bệnh gì?
Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra khi xuất hiện phản ứng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi, gây tắc nghẽn và làm tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian ngắn và khỏi dưới 4 tuần thì gọi là viêm xoang cấp. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách, kéo dài dai dẳng và gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì gọi là viêm xoang mạn tính.
Triệu chứng của bệnh này thường bắt đầu bằng việc hắt hơi, sổ mũi như dấu hiệu cảm cúm thông thường. Sau đó sẽ dần dần gia tăng hiện tượng nghẹt mũi, chảy nước mũi, dịch tiết ở nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh. Khi bị nặng, người bệnh thường sẽ bị sốt, ho, cảm thấy nặng ở vùng mặt, đau nhức đầu vùng trán, thái dương hoặc gò má, thậm chí là mất khả năng cảm nhận mùi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm xoang nhưng phổ biến nhất vẫn là do nhiễm virus, vi khuẩn gây tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang. Ngoài ra, các yếu tố như thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường khói bụi,… cũng là các nguyên nhân khiến cho những người có cơ địa mẫn cảm dễ bị viêm xoang tái đi tái lại. Hoặc ở một số trường hợp hiếm gặp nguyên nhân còn là do người bệnh bị lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi làm cho việc lưu thông mũi xoang kém.
Cách chữa viêm xoang bằng cà độc dược
Dân gian vẫn thường truyền tai nhau về cách chữa viêm xoang bằng cà độc dược. Vậy đây có phải là giải pháp hiệu quả hay không? Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về phương pháp trị viêm xoang này. Cà độc dược là một loài thực vật thân thảo, quả hình cầu, bên ngoài có gai mềm, thường mọc hoang trong tự nhiên.
Ở nước ta có 3 loại cà độc dược chính là:
- Cây cà độc dược hoa trắng, thân xanh, cành xanh;
- Cà độc dược hoa đốm tím, cành và thân tím;
- Cây cà độc lai giữa 2 dạng trên.
Theo Đông y, cà độc dược có vị cay, tính nóng, có thể dùng để cắt cơn hen suyễn, ho, trị thấp khớp hoặc làm nguyên liệu trong các bài thuốc chữa viêm loét dạ dày, trĩ,… Trong đó, phương pháp chữa viêm xoang bằng cà độc dược được nhiều người biết hơn cả.
Với bài thuốc này, người ta sẽ chuẩn bị một nắm lá cà độc dược khô rồi thực hiện các bước như sau:
- Bước 1: Bạn lấy 1 lon sữa bột đã dùng hết đem rửa sạch, để ráo nước. Ở nắp hộp, bạn đục một lỗ to bằng ngón tay cái.
- Bước 2: Bạn lấy lá cà độc dược khô đã chuẩn bị đem cắt nhỏ, cho vào lon và đậy nắp thật kín. Tiếp theo, bạn cho lon lên bếp, đun với lửa ngọn cho đến khi thấy khói bay lên là được.
- Bước 3: Bạn lấy tờ giấy hoặc bìa cứng cuộn tròn thành hình phễu, sau đó đặt đầu lớn vào phía nắp lon để hứng lấy khói, còn đầu nhỏ bạn đem ghé sát mũi. Bạn thực hiện hít luồng hơi bốc ra, sau đó thở bằng miệng.
Theo kinh nghiệm dân gian, hơi của cà độc dược sẽ đi vào trong xoang mũi, giúp tiêu diệt vi khuẩn trú ẩn, các xoang sẽ trở nên thông thoáng hơn. Phương pháp được hướng dẫn thực hiện đều đặn 2 lần mỗi ngày, mỗi lần trong khoảng 3 - 6 phút.
Có nên áp dụng cách chữa viêm xoang bằng cà độc dược?
Liệu sử dụng cây cà độc dược chữa viêm xoang có phải là giải pháp an toàn, hiệu quả như dân gian truyền miệng hay không? Theo các bác sĩ, đây là phương pháp chưa được kiểm chứng và có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu dùng một cách tùy tiện.
Khoa học phân tích trong phần thân, hoa và lá của cây cà độc dược chứa 2 thành phần hoạt chất chính là hyoxin và atropin. Đây đều là những thành phần nằm trong danh sách chất độc thuộc bảng A, tức là cần đặc biệt thận trọng bởi có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong. Những tác động cụ thể được khoa học chỉ ra như sau:
- Atropin: Có khả năng tác động đến não, ức chế thần kinh trung ương, làm xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, hô hấp tăng, sốt, thậm chí là liệt tứ chi.
- Hyoxin: Hoạt chất này cũng tương tự như Atropin, khiến cho thần kinh bị ức chế nhiều hơn. Do đó, chất này thường chỉ được ứng dụng điều trị bệnh lý thần kinh với sự kiểm soát chặt chẽ từ bác sĩ.
Do đó, với câu hỏi “có nên áp dụng cách chữa viêm xoang bằng cà độc dược hay không” thì câu trả lời là không nên bạn nhé! Trong trường hợp muốn sử dụng, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ, nêu rõ tiền sử bệnh lý, cơ địa bản thân để được đưa ra lời khuyên chính xác nhất.
Ngoài ra, một số đối tượng sau cũng được khuyến cáo không nên sử dụng bất kỳ bộ phận nào trên cây cà độc dược, dù với lượng nhỏ để tránh gặp nguy hiểm:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú;
- Bệnh nhân bị suy tim;
- Táo bón;
- Người bệnh bị sốt;
- Viêm loét dạ dày hoặc có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản;
- Người bị huyết áp cao hoặc rối loạn tâm thần.
Lưu ý khi điều trị viêm xoang
Không giống như nhiều căn bệnh khác, viêm xoang là bệnh lý rất dễ tái phát, khó điều trị dứt điểm, có xu hướng dẫn đến mạn tính. Việc tự ý điều trị bằng các mẹo dân gian chưa được khoa học kiểm chứng không những làm bệnh trở nên phức tạp hơn mà còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, bạn cần được thăm khám đầy đủ và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc giảm viêm xoang để sớm đẩy lùi các triệu chứng của bệnh.
Ngoài ra, bạn cần chú ý các yếu tố sau để không làm bệnh trầm trọng hơn và quá trình trị bệnh đạt hiệu quả:
- Chú ý giữ gìn vệ sinh tai, mũi, họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể, nhất là khi chuyển mùa.
- Khi thời tiết hanh khô, bạn nên sử dụng máy làm ẩm không khí để bù ẩm trong phòng ngủ.
- Chú ý vệ sinh không gian nhà ở, phòng ngủ, giặt giũ chăn ga gối nệm thường xuyên để tránh gây dị ứng và ảnh hưởng xấu đến xoang mũi.
- Bạn cần tránh xa các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật,…
Với các thông tin trên đây, Hà An Pharmacy đã giúp bạn hiểu thêm về cà độc dược cũng như đưa ra lựa chọn cho câu hỏi liệu rằng có có nên áp dụng cách chữa viêm xoang bằng cà độc dược không. Việc tự ý thực hiện phương pháp truyền miệng luôn tiềm ẩn nguy cơ, do đó bạn cần đặc biệt thận trọng và nên tham khảo bác sĩ trước khi thực hiện nhé!
Xem thêm: