Cách chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh ba mẹ nên biết
Viêm tiểu phế quản là tình trạng phổi bị viêm nhiễm chủ yếu do virus gây ra. Thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, gây viêm và tắc nghẽn các tiểu phế quản ở phổi. Bệnh thường bùng phát vào mùa đông. Triệu chứng ban đầu tương tự như cảm lạnh thông thường, nhưng sau đó phát triển thành ho, thở khò khè và đôi khi khó thở. Để chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh như thế nào thì theo dõi tiếp bài viết dưới nhé.
Dấu hiệu viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm tiểu phế quản là tình trạng thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Viêm tiểu phế quản thường bắt đầu bằng sổ mũi ở trẻ. Sau đó, trẻ có thể sốt cao, bỏ bú, toàn thân tím tái, thở nhanh có thấy ngực lõm vào, cánh mũi phập phồng.
Đối với bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em thường khó nhận biết. Do các biểu hiện của bệnh thường rất giống với các bệnh viêm đường thở khác và ba mẹ không để ý kỹ sẽ thường bỏ qua vì trẻ chưa. Tuy nhiên, các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ nhận biết trẻ bị viêm tiểu phế quản mà không cần thăm khám.
Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ sơ sinh là: Ho, có thể có đờm, có thể sốt cao, sốt từng cơn hoặc liên tục, thậm chí có trẻ không sốt, trẻ bị nghẹt mũi, có đờm vàng hoặc xanh, trẻ thở khò khè, bỏ bú,...
![Chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh ba mẹ nên biết 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chua_viem_tieu_phe_quan_o_tre_so_sinh_ba_me_nen_biet_2_e6b59826be.png)
Chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Hơn 90% trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là do virus nên việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh là không cần thiết. Tuy nhiên trên thực tế có đến 90% đơn thuốc điều trị viêm tiểu phế quản sử dụng kháng sinh.
Sử dụng kháng sinh chỉ được sử dụng khi có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như thể trạng kém, sốt dai dẳng, nghi ho gà, nguy cơ biến chứng viêm phổi, trẻ suy giảm miễn dịch,... Việc điều trị viêm tiểu phế quản chỉ tập trung chữa triệu chứng và dùng kháng sinh nếu cần.
Hạ sốt
Mặc dù các nghiên cứu gần đây cho thấy ở trẻ sốt nhẹ đến vừa sẽ mau lành hơn cố tình hạ sốt. Tuy nhiên ở trẻ sốt cao cần hạ sốt để tránh biến chứng. Có hai loại thuốc hạ sốt chính được dùng cho trẻ là acetaminophen và ibuprofen. Nhưng thuốc ibuprofen phải được chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng.
Nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao từ 39 độ C trở lên hoặc trẻ sốt dưới 39 độ C nhưng trẻ khó chịu quấy khóc, cơ thể lừ đừ,… Đối với trẻ mắc các bệnh về tim, phổi, thần kinh,… bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc hạ sốt.
Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ, vì thuốc có nhiều tác dụng phụ. Ngoài ra có cách hạ sốt cho trẻ là lau mát cơ thể, mặc đồ thông thoáng mồ hôi. Hiện nay, trên thị trường có miếng dán hạ nhiệt cho trẻ được nhiều ba mẹ sử dụng, nhưng hiệu quả không cao.
![Chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh ba mẹ nên biết 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chua_viem_tieu_phe_quan_o_tre_so_sinh_ba_me_nen_biet_1_be47107a54.jpeg)
Điều trị ho
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo rằng không nên dùng thuốc trị ho cho trẻ em dưới 2 tuổi vì ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể, có tác dụng tống đờm, dị vật trong đường thở ra ngoài.
Nhưng nếu trẻ ho đến nôn mửa, mất ngủ,... thì ba mẹ có thể sử dụng một số phương pháp an toàn như xoa bóp gan bàn chân. Nếu cần dùng thuốc, hãy chọn các loại siro ho thảo dược dành cho trẻ sơ sinh được bác sĩ khuyên dùng. Trẻ thường chỉ ho nhiều trong tuần đầu, sau đó giảm dần và tự khỏi.
Thuốc trị nghẹt mũi
Không nên dùng thuốc kháng histamine và các loại thuốc thông mũi khác để làm thông mũi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi vì nhóm này có nhiều nguy cơ bị tác dụng phụ. Tốt nhất nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, họng cho trẻ.
Cần giữ độ ẩm trong phòng với máy tạo ẩm và lọc không khí có thể giúp giảm tình trạng khô mũi. Không cần sử dụng khí dung hoặc thuốc giãn phế quản nếu trẻ không thở khò khè hoặc thở khò khè nhưng không đáp ứng với thuốc.
Thuốc làm loãng đờm
Trên thị trường có nhiều loại thuốc làm loãng đờm, giảm độ đặc quánh của đờm. Tuy nhiên, hiệu quả của những loại thuốc này ở trẻ không cao. Thuốc chỉ hiệu quả khi trẻ uống nhiều nước. Vì nước là tốt nhất để làm loãng chất nhầy do đó nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước là một biện pháp tốt nhất để hỗ trợ điều trị viêm tiểu phế quản.
Thuốc giãn phế quản khí dung
Nếu con bạn thở khò khè do co thắt phế quản, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản dạng khí dung. Tuy nhiên, chỉ sử dụng phun khí dung nếu xuất hiện tình trạng thở khò khè. Sau lần sử dụng đầu tiên, nếu có một số cải thiện nhất định thì không cần thực hiện lần hai. Vì vậy, bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc và quyết định có nên sử dụng tiếp thuốc giãn phế quản hay không. Do hiệu quả thuốc khá thấp mà lại có tác dụng phụ như run tay, hồi hộp, nóng bừng,…
![Chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh ba mẹ nên biết 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chua_viem_tieu_phe_quan_o_tre_so_sinh_ba_me_nen_biet_3_99e7799e7a.jpeg)
Thuốc kháng virus
Nhìn chung, thuốc kháng virus không được khuyến khích sử dụng thường quy trong trường hợp viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ có thể kiểm tra xem trường hợp nào thì nên uống thuốc kháng virus trong vòng 36 giờ đầu kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng để có hiệu quả.
Thuốc kháng sinh
Chỉ sử dụng khi trẻ có nguy cơ biến chứng thành bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi,... Thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định liều lượng thích hợp.
Với những thông tin vừa chia sẻ, mong rằng các bậc phụ huynh đã có thể hiểu rõ cách chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh, từ đó có phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nặng nề mà trẻ có thể mắc phải.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp