Bướu cổ dưới cằm và những thông tin mà bạn cần biết
Hầu hết các trường hợp bướu cổ đều ít hoặc không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ nghi ngờ mắc bệnh khi sờ thấy bướu cổ dưới cằm hoặc ở phần cổ thấp. Vậy bướu cổ liệu có phải là dấu hiệu của ung thư không và điều trị thế nào, tất cả sẽ được giải đáp trong những thông tin sau đây.
Bướu cổ dưới cằm là gì?
Bướu cổ (hay còn gọi là bướu giáp) là tình trạng phì đại tuyến giáp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ chế độ ăn uống thiếu i ốt cho đến rối loạn nội tiết tố đều có nguy cơ dẫn đến bướu cổ.
Thông thường, bướu cổ ít khi biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm nhưng khi kích thước của u bướu tăng dần, chúng sẽ dễ dàng quan sát được bằng mắt thường và có thể kèm theo một vài triệu chứng khó chịu khác. Dựa trên nguyên nhân gây bệnh và đặc tính của từng loại nhân giáp mà bướu cổ có thể được chia thành các loại sau:
- Bướu giáp lành tính trong trường hợp có kích thước đủ to sẽ gây cảm giác khó nuốt, khó thở (do chèn vào khí quản, thực quản) hoặc lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ.
- Bướu tuyến giáp ác tính là loại ung thư có nguy cơ xâm lấn các cơ quan xung quanh mà gần như là chuỗi hạch bạch huyết ở cổ và dưới cằm. Ngoài ra, bướu giáp ác tính cũng có thể di căn gây tổn thương gan, thận, tủy xương,...
- Bướu tuyến giáp liên quan đến rối loạn chức năng nội tiết chẳng hạn như bướu giáp do suy giáp hoặc cường giáp đều ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như: Gây sụt hoặc tăng cân không rõ lý do, suy nhược cơ thể, đổ mồ hôi tay chân, run tay, đánh trống ngực,...
Bướu cổ dưới cằm có phải là dấu hiệu của ung thư?
Các khối có kích thước to và xu hướng lan đến dưới cằm thường được nghi ngờ là bướu cổ di căn hạch. Mặc dù phần lớn các trường hợp bệnh nhân bướu cổ là lành tính nhưng vẫn tồn tại khoảng 5% khối u tuyến giáp là ác tính. Bên cạnh đó, vị trí khối u dưới cằm còn thường được xem là dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng giai đoạn sớm (hình thành do các tế bào khối u ác tính di căn từ tuyến giáp đến).
Để xác định bướu cổ dưới cằm là loại bướu lành tính hay ác tính di căn, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm như: siêu âm tuyến giáp, chụp MRI, xét nghiệm máu, chọc hút dịch tế bào khối u,... Đồng thời, nếu là khối u ác tính, chúng thường xuất hiện các bước phát triển sau:
- Quan sát và nhận biết khối u khi nuốt nước bọt, nếu là khối u lành tính sẽ di chuyển lên xuống, ngược lại khối u ác tính thì không.
- Khản tiếng do bướu giáp, đặc biệt nghiêm trọng khi khối u phát triển lớn, chèn ép đến hộp âm thanh nằm phía sau tuyến giáp.
- Bướu cổ có thể chất cứng, bờ rõ, bề mặt gồ ghề hoặc nhẵn và có sự xuất hiện của các hạch mềm dọc theo dưới cằm, cổ, có khả năng di động và nằm cùng bên với khối u.
Lưu ý rằng bạn tuyệt đối không tự chẩn đoán bướu cổ tại nhà mà nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám và đưa ra phương án xử trí phù hợp.
Bướu cổ dưới cằm, khi nào cần điều trị?
Không phải trường hợp bướu cổ nào cũng cần điều trị. Đôi lúc bệnh nhân chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ nhưng một số trường hợp khác cần dùng thuốc hoặc có biện pháp can thiệp nhanh chóng.
Các trường hợp bướu cổ không cần điều trị
Một số trường hợp bướu cổ sau đây chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ mà chưa cần điều trị ngay:
- Bướu cổ lành tính và hoặc không có ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tổ chức khác.
- Những trường hợp bướu cổ suy tuyến giáp nhẹ có TSH dưới 10 mIU/mL.
Các trường hợp cân nhắc điều trị khi cần thiết
Với các trường hợp bướu giáp sau, bác sĩ có thể cung cấp thông tin để giúp bạn lựa chọn điều trị hoặc không:
- Bướu lành tính không chèn ép các cơ quan khác nhưng có kích thước to, gây mất thẩm mỹ.
- Bướu cổ ác tính có kích thước nhỏ hoặc nghi ngờ ung thư.
Các trường hợp cần phải có biện pháp điều trị phù hợp
Nếu bướu cổ có một trong các đặc điểm sau đây, bạn sẽ cần có phương pháp để can thiệp nhằm kiểm soát chúng:
- Bướu lành tính có dấu hiệu chèn ép các cơ quan khác.
- Khối u ác tính hoặc nghi ngờ khối u ác tính (có kích thước từ 1 cm trở lên).
- Cường giáp hoặc nhiễm độc giáp lâm sàng.
- Suy giáp với mức TSH > 10 mIU/mL.
Các phương pháp điều trị bướu cổ dưới cằm
Tùy thuộc vào từng người với các điều kiện bệnh lý kể trên mà bác sẽ có thể đề xuất liệu trình điều trị với một trong các phương pháp sau đây:
Điều trị nội khoa bằng thuốc tương ứng với các nguyên nhân gây bướu cổ. Ví dụ như thuốc kháng giáp được dùng trong các trường hợp bệnh cường giáp hay thuốc thay thế hormone tuyến giáp được chỉ định khi bệnh nhân bị suy giáp,...
Xạ trị tuyến giáp với đồng vị I-131 (đồng vị i ốt phóng xạ). Đây là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào tuyến giáp đang tăng sinh bất thường, để đưa hoạt động của cơ quan này trở về lại quỹ đạo vốn có. Điều trị ngoại khoa để cắt bỏ bướu giáp bao gồm các phương pháp như: Cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp.
Hy vọng các thông tin trên đây đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về bướu cổ dưới cằm. Mặc dù bướu cổ phát triển dưới cằm thường được nghi ngờ là ung thư di căn hạch nhưng bạn đừng quá lo lắng, ung thư tuyến giáp vẫn được tiên lượng tốt hơn so với nhiều loại ung thư khác, nhất là khi chúng được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Chính vì thế, khi sờ thấy cục u ở khu vực dưới cằm và cổ, hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ để được tầm soát ung thư kịp thời, bạn nhé!
Vi Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp