Suy giáp: Bệnh rối loạn hormone phổ biến và các phương pháp điều trị
Bệnh suy giáp (hay còn gọi là giảm năng tuyến giáp, nhược giáp) là một dạng rối loạn chức năng tuyến giáp (một tuyến nội tiết ở cổ). Tuyến giáp kiểm soát cách các tế bào của cơ thể bạn sử dụng năng lượng từ thức ăn, một quá trình được gọi là quá trình trao đổi chất. Nếu bạn không có đủ hormone tuyến giáp, các quá trình trong cơ thể của bạn sẽ chậm lại, cơ thể bạn tạo ra ít năng lượng hơn và sự trao đổi chất của bạn trở nên trì trệ.
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp
Các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt hormone. Các dấu hiệu và triệu chứng suy giáp có thể bao gồm:
Biểu hiện chuyển hoá: Không chịu được lạnh, tăng cân nhẹ, hạ thân nhiệt.
Biểu hiện thần kinh: Hay quên, dị cảm đầu ngón tay và ngón chân, làm chậm pha phục hồi của phản xạ gân sâu.
Các biểu hiện tâm thần: Thay đổi về nhân cách, mờ các nếp nhăn trên khuôn mặt, chứng mất trí hoặc loạn thần (chứng điên phù niêm).
Biểu hiện da: Mặt phù; phù niêm; lông thưa, thô và khô; tóc khô, thưa, dễ gãy; da dày, khô, bong vảy, caroten huyết, đặc biệt đáng chú ý trên lòng bàn tay và lòng bàn chân, lưỡi to do lắng đọng chất nền có protein trong lưỡi.
Các biểu hiện mắt: Sưng phù quanh mắt, mí mắt giảm vận động do giảm kích thích giao cảm.
Biểu hiện đường tiêu hóa: Táo bón.
Biểu hiện phụ khoa: Rong kinh hoặc vô kinh thứ phát.
Các biểu hiện tim mạch: Nhịp tim chậm (giảm cả hormone tuyến giáp và kích thích giao cảm gây ra nhịp tim chậm), khám thấy tim to.
Các biểu hiện khác: Tràn dịch màng phổi hoặc ổ bụng, giọng khàn và nói chậm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi không có lý do hoặc có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác của bệnh suy giáp, chẳng hạn như da khô, mặt nhợt nhạt, sưng húp, táo bón hoặc khàn giọng. Nếu bạn đang điều trị hormone điều trị suy giáp, hãy lên lịch tái khám thường xuyên theo khuyến nghị của bác sĩ.
Những ai có nguy cơ mắc suy giáp?
Suy giáp xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến ở người phụ nữ lớn tuổi, nó có thể biểu hiện một cách tinh vi và khó nhận biết.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy giáp
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy giáp, bao gồm:
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
- Mắc bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 1 hoặc bệnh Celiac.
- Đã được điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp.
- Nhận bức xạ vào cổ hoặc ngực trên của bạn.
- Đã từng phẫu thuật tuyến giáp (cắt một phần tuyến giáp).
- Đã mang thai hoặc sinh con trong vòng sáu tháng qua.
Nguyên nhân dẫn đến suy giáp
Suy giáp là kết quả khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Suy giáp có thể do một số nguyên nhân sau đây bao gồm:
Bệnh tự miễn: Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là một rối loạn tự miễn dịch được gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto. Rối loạn tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các kháng thể tấn công các mô của chính bạn.
Đáp ứng quá mức với điều trị cường giáp: Những người sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) thường được điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp. Đôi khi, điều chỉnh cường giáp có thể làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp quá nhiều, dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.
Phẫu thuật tuyến giáp: Loại bỏ tất cả hoặc một phần lớn tuyến giáp của bạn có thể làm giảm hoặc ngừng sản xuất hormone.
Xạ trị: Bức xạ được sử dụng để điều trị ung thư đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp của bạn và có thể dẫn đến suy giáp.
Thuốc men: Một số loại thuốc có thể góp phần vào chứng suy giáp. Một loại thuốc như vậy là lithium, được sử dụng để điều trị một số rối loạn tâm thần.
Bệnh bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra với một tuyến giáp bị khiếm khuyết hoặc không có tuyến giáp. Trong hầu hết các trường hợp, tuyến giáp không phát triển bình thường vì những lý do không rõ, nhưng một số trẻ có dạng rối loạn di truyền.
Rối loạn tuyến yên: Một nguyên nhân tương đối hiếm của suy giáp là do tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) - thường là do một khối u lành tính của tuyến yên.
Thai kỳ: Một số phụ nữ phát triển chứng suy giáp trong hoặc sau khi mang thai (suy giáp sau sinh), thường là do họ tự sản xuất kháng thể cho tuyến giáp của mình.
Thiết cân bằng chất iot: Quá ít i-ốt có thể dẫn đến suy giáp và quá nhiều i-ốt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giáp ở những người đã mắc bệnh này.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy giáp
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Chế độ dinh dưỡng:
Chế độ ăn thiếu iod sẽ không cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất nội tiết tố giáp gây ra suy giáp. Vì thế, nên ăn thức ăn giàu i-ốt như cá, hải sản, tảo biển, muối có i-ốt.
Người mắc bệnh nên bổ sung các thực phẩm có chỉ số glycemic thấp như: Khoai tây, ngô, cà rốt, chuối, cam, dứa, đu đủ, dưa hấu; giảm những thực phẩm giàu tinh bột như bột mì, đường, ngũ cốc.
Giảm các thực phẩm làm chậm chức năng hoạt động của tuyến giáp như bông cải xanh, bắp cải, củ cải, viên sắt, viên calci, mù tạt.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Phương pháp phòng ngừa suy giáp hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Bệnh nhân có anti-TPO tăng mà chưa có biểu hiện lâm sàng suy giáp thì cần theo dõi và xét nghiệm định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi chuẩn bị có thai cần được làm xét nghiệm tầm soát sớm bệnh suy giáp vì 3 tháng đầu thai kỳ khi thai nhi chưa hình thành tuyến giáp thì cần đến lượng hormone tuyến giáp lớn cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh, nếu trong quá trình này mà thiếu hormone do mẹ bị suy giáp thì trẻ sinh ra dễ bị kém phát triển trí tuệ và đần độn.
Những đứa trẻ là con của bà mẹ bị bệnh suy giáp cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay những ngày đầu sau sinh để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp.
Xét nghiệm hormone giáp cần làm ở những cặp vợ chồng vô sinh.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy giáp
Nếu bạn có các triệu chứng của suy giáp, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone thường bao gồm hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và T4 (thyroxine).
Nếu mức T4 thấp hơn bình thường thì có nghĩa là bạn có nguy cơ bị suy giáp. Tuy nhiên, một số người có thể bị tăng mức TSH trong khi có mức T4 bình thường. Đây được gọi là suy giáp cận lâm sàng (nhẹ). Nó được cho là một giai đoạn đầu của suy giáp.
Nếu kết quả xét nghiệm hoặc khám sức khỏe tuyến giáp của bạn bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm tuyến giáp hoặc chụp tuyến giáp để kiểm tra các nốt hoặc tình trạng viêm.
Phương pháp điều trị suy giáp hiệu quả
Các chế phẩm hormone tuyến giáp khác nhau có thể điều trị thay thế, bao gồm các chế phẩm T4 tổng hợp (l-thyroxine) levothyroxine, T3 (liothyronine), sự kết hợp của 2 hormone tổng hợp, và chiết xuất tuyến giáp động vật đông khô. L-Thyroxine được ưu tiên hơn; liều duy trì thông thường là 75 đến 150mcg uống 1 lần/ngày, tùy thuộc vào độ tuổi.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân bị bệnh tim, liệu pháp bắt đầu với liều lượng thấp, thường là 25 mcg một lần/ngày. Liều được điều chỉnh mỗi 6 tuần cho đến khi đạt được liều duy trì. Liều duy trì cần tăng ở phụ nữ mang thai. Cũng có thể cần tăng liều nếu dùng đồng thời các thuốc làm giảm hấp thu T4 hoặc tăng độ thanh thải chuyển hóa của nó. Liều dùng nên là thấp nhất để phục hồi nồng độ TSH huyết thanh xuống khoảng giữa của giá trị bình thường (mặc dù tiêu chuẩn này không thể dùng ở những bệnh nhân bị suy giáp thứ phát). Trong suy giáp thứ phát, liều L-thyroxine nên đạt được mức độ T4 tự do ở khoảng giữa của giá trị bình thường.
Không nên dùng Liothyronine đơn độc để thay thế lâu dài vì thời gian bán hủy ngắn và những đỉnh T3 huyết thanh lớn mà nó tạo ra. Ở những bệnh nhân suy giáp thứ phát, l-thyroxine không nên được kê toa cho đến khi có bằng chứng bài tiết đủ cortisol (hoặc phải có liệu pháp điều trị cortisol), bởi vì l-thyroxine có thể thúc đẩy cơn suy thượng thận.