Bướu cổ di truyền và những điều mà bạn cần biết
Bướu cổ di truyền là một trong những nỗi lo lắng của nhiều người. Tuy nhiên, liệu bướu cổ có phải là bệnh lý di truyền và nguyên nhân nào gây nên bướu cổ. Hiểu rõ những thông tin này sẽ giúp bạn có cách xử trí và phòng chống bệnh tốt hơn. Vì vậy, đừng bỏ lỡ bài viết sau đây nhé!
Bướu cổ di truyền như thế nào? Nguyên nhân gây bướu cổ
Thực chất bướu cổ không phải là bệnh di truyền nhưng đây là bệnh lý có tính gia đình. Bởi chính thói quen ăn uống và sinh hoạt giống nhau nên nếu một thành viên trong gia đình bị bướu cổ thì những người khác cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
Nếu bướu cổ di truyền là một nhầm lẫn thì đâu mới là nguyên nhân gây bướu cổ. Hiện tượng tuyến giáp phì đại bất thường còn được gọi là bướu cổ trong dân gian đã được khoa học chứng minh do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng bao gồm:
- Chế độ ăn uống thiếu hụt i-ốt.
- Sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc cản quang (sử dụng trong chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh), thuốc thấp khớp, muối lithi,...
- Tuyến giáp bị ức chế khả năng tổng hợp hormon do ăn các loại thức ăn như khoai mì, măng, rau họ cải,...
- Phụ nữ thường có nguy cơ cao mắc bướu giáp hơn nam giới.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân hiếm gặp khác như: Hút thuốc lá làm cản trở hấp thu i-ốt, viêm giáp, thay đổi nội tiết tố nữ trong giai đoạn mang thai hoặc tiền mãn kinh,...
Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến kể trên, bướu cổ có thể do nhiều nguyên nhân hiếm gặp khác. Vì thế, để chẩn đoán chính xác tình trạng bướu cổ và nguyên nhân gây bướu cổ, bạn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tiến hành một số xét nghiệm kiểm tra cụ thể.
Phụ nữ mang thai bị bướu cổ có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Vì quan niệm bướu cổ có thể di truyền mà nhiều người băn khoăn rằng khi có thai bị bướu cổ sẽ có thể di truyền bệnh cho con. Tuy nhiên, như đã trình bày trước đó, bướu cổ không phải là bệnh di truyền.
Trường hợp bạn bị bướu cổ lành tính đơn thuần thì không cần lo lắng cho sức khỏe của bạn và con của bạn. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh bướu cổ có tình trạng cường giáp thì khả năng sảy thai rất cao. Đồng thời, đứa trẻ sinh ra thường cũng bị cường giáp giống mẹ.
Ngoài ra, nếu có sự xuất hiện của cơn ngộ độc giáp thì sẽ nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ lẫn con. Ngược lại, nếu thai phụ bị bướu cổ kèm suy giáp, thai nhi ra đời sẽ có nguy cơ bị thiểu năng giáp, chậm phát triển, trí tuệ đần độn.
Phụ nữ mang thai bị bướu cổ, nên làm gì để an toàn cho mẹ và con?
Trường hợp bị bướu cổ trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu luôn luôn cần sự theo dõi và tư vấn từ bác sĩ. Dù hiện nay cũng đã có một số thuốc kháng giáp dùng được cho phụ nữ mang thai và cho con bú song nhiều khuyến cáo đã chỉ ra rằng phụ nữ khi đang dùng thuốc kháng giáp liều cao thì không nên mang thai.
Vì thế chị em phụ nữ khi chuẩn bị mang thai cần kiểm tra sức khỏe cẩn thận và luôn theo dõi sức khỏe trong suốt thai kỳ, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi nhé!
Những phương pháp xử lý bướu cổ
Mặc dù bướu cổ đa số lành tính, không di truyền nhưng thường khó để điều trị. Bởi đa số bướu ở cổ đều chỉ được phát hiện khi chúng đã có kích thước quá lớn và hoặc chèn ép lên các cơ quan khác gây nên triệu chứng đau rát, khó thở, khó nuốt,...
Vì vậy khi phát hiện và bắt đầu điều trị bướu cổ, bác sĩ thường dựa trên kích thước, tính chất và nguyên nhân hình thành bướu để xác định liệu trình điều trị phù hợp. Trong nhiều lựa chọn điều trị hiện nay thì 3 phương pháp dưới đây là phổ biến nhất:
- Xạ trị tuyến giáp hay sử dụng đồng vị phóng xạ I-131 để tiêu diệt các tế bào tuyến giáp tăng sinh.
- Sử dụng thuốc để điều chỉnh hoạt động sản xuất hormone của tuyến giáp như thuốc kháng giáp khi có biểu hiện cường giáp hoặc thuốc thay thế hormone tuyến giáp nếu bị suy giáp.
- Điều trị ngoại khoa để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp tùy vào mức độ phát triển của khối u. Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khó nuốt và nhiều cảm giác khó chịu cản trở sinh hoạt thường ngày.
Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bướu cổ
Ngoài áp dụng các biện pháp điều trị kể trên, người bệnh bướu cổ cũng cần lưu ý:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với nhu cầu của cơ thể nhất là đảm bảo đủ i ốt. Đồng thời, chế độ ăn uống này nên cho cả gia đình có người mắc bệnh để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn để giữ cho tinh thần luôn thoải mái, hạn chế căng thẳng tinh thần khiến cho bệnh nghiêm trọng hơn.
- Tái khám đúng lịch hẹn và tuân thủ theo chỉ định điều trị từ bác sĩ.
Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của bướu cổ di truyền. Mặc dù không có tính di truyền nhưng bệnh lý này vẫn có tính gia đình. Vì thế khi có người thân trong gia đình bị bướu cổ thì những người khác cũng nên đi khám bác sĩ và kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện và xử lý bướu cổ (nếu có) trong giai đoạn sớm.
Vi Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp