Biểu hiện khi trẻ bị viêm amidan mà bạn cần biết
Viêm amidan là một trong những căn bệnh về đường hô hấp phổ biến hiện nay khi thời tiết chuyển mùa hay do việc chăm sóc sức khỏe không đúng cách. Bệnh xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ mắc phải nhất khi hệ miễn dịch yếu, cấu trúc amidan chưa được hoàn thiện.
Nguyên nhân trẻ bị viêm amidan
Trẻ bị viêm amidan nguyên nhân hay gặp nhất là do vi rút và do thời tiết, trẻ nhạy cảm đồ lạnh. 2 nhóm nguyên nhân viêm amidan này chiếm 80% và 20% còn lại viêm amidan do vi khuẩn, trong đó, nhóm vi khuẩn hay gặp nhất là liên cầu, phế cầu,…
Do thời tiết
Cơ thể trẻ vốn non nớt, vì vậy trước sự biến đổi đột ngột của thời tiết sức khỏe trẻ thường không kịp thích ứng. Hệ hô hấp của trẻ sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn. Và khi đó amidan hoàn toàn có thể bị các vi khuẩn tấn công gây tổn thương, sưng tấy.
Do cấu trúc amidan
Amidan vốn có cấu trúc khe hốc. Quá trình ăn uống thường làm cho các thức ăn mắc lại. Đây chính là môi trường thuận lợi để các vi rút và vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Vệ sinh cho trẻ không sạch sẽ
Cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ khiến trẻ bị viêm amidan. Bởi trẻ vốn hiếu động, nên thường xuyên dùng tay đùa nghịch với các đồ vật xung quanh. Khi tiếp xúc với chất bẩn mà không được rửa tay tiệt trùng bằng xà phòng. Trẻ vô tình đưa tay lên miệng sẽ giúp những mầm bệnh xâm nhập được vào cơ thể.
![](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/2015111961611401_f13a5b0cf7.jpg)
Trẻ bị mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp khác
Khi trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp nhưng không được điều trị dứt điểm. Chúng sẽ rất dễ bị biến chứng và gây viêm amidan ở trẻ em.
Biểu hiện trẻ bị viêm amidan
Biểu hiện trẻ bị viêm amidan theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau:
- Viêm amidan do vi rút chỉ khiến amidan đỏ không có mủ, viêm đau không nhiều.
- Viêm amidan do vi khuẩn sẽ sưng nhiều, đỏ do xung huyết hoặc đỏ có xuất huyết. Trường hợp hay gặp là có mủ trắng trên bề mặt amidan hay giả mạc amidan (màng mủ trắng bao phù toàn bộ amindan). Những trường hợp này có thể gặp trong viêm amidan do bạch hầu nhưng rất ít.
- Viêm amidan cấp tính kèm biểu hiện sốt cao, đau họng vừa phải trong viêm do vi rút và đau nhiều khi viêm do vi khuẩn, viêm nhiệt. Một số triệu chứng cấp tính biểu hiện rõ kèm theo sốt viêm là trẻ ăn uống khó, nói khó, hơi thở hôi.
Bên cạnh đó, các triệu chứng chính của viêm amidan là viêm và sưng amidan, đôi khi rất nghiêm trọng có thể gây nghẹt đường thở. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau họng;
- Amidan đỏ tấy;
- Có một lớp phủ màu trắng hoặc vàng trên amidan;
- Vết lở hoặc loét trên cổ họng;
- Đau đầu;
- Ăn mất ngon;
- Đau tai;
- Khó nuốt hoặc phải thở bằng miệng;
- Sưng các tuyến trong vùng cổ hoặc cằm;
- Sốt, ớn lạnh;
- Hơi thở khác lạ;
- Buồn nôn;
- Đau bụng.
![](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/179f3325d6643f3a6675_a254509ce6.jpg)
Nếu trẻ sơ sinh bị viêm amidan còn quá nhỏ để có thể mô tả cảm giác của chúng, dấu hiệu của viêm amidan có thể bao gồm:
- Chảy nước dãi do khó nuốt hoặc đau đớn
- Bỏ ăn
- Quấy khóc bất thường
Điều trị viêm amidan ở trẻ
80% trẻ bị viêm amidan nguyên nhân là do vi rút bởi vậy kháng sinh sẽ không dùng để điều trị. Nếu trẻ dùng kháng sinh điều trị bệnh do nguyên nhân môi trường, vi rút sẽ góp phần khiến trẻ bị kháng kháng sinh. Nguy cơ lâu dài sẽ lây nhiễm sang người kháng nếu có vi khuẩn kháng kháng sinh sau này. Điều quan trọng nhất là việc chăm sóc trẻ về ăn uống để giữ gìn, nâng cao thể trạng hoặc có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt nếu sốt cao, đau nhiều.
Ngoài ra, trẻ sẽ được vệ sinh dùng nước súc họng để tránh bội nhiễm vi khuẩn do amidan sau khi sốt vi rút.
Nếu trẻ bị viêm amidan do vi khuẩn cần phải dùng kháng sinh, giảm viêm, cộng với súc họng hoặc dùng thuốc hạ sốt, giảm đau vài hôm. Thông thường, trẻ dùng thuốc 5 hôm hoặc 7 hôm sẽ khỏi vì các vấn đề của amidan đã được giải quyết.
Trẻ điều trị không tốt hoặc để lâu sẽ dẫn đến tình trạng viêm amidan, áp xe xung quanh amidan, viêm tấy quanh amidan. Những trường hợp nặng như này, trẻ phải dùng đường tiêm truyền để điều trị.
Trẻ em bị viêm amidan cần nhiều dưỡng chất và nghỉ ngơi. Nếu bé nuốt rất đau, việc ăn uống là khó khăn, hãy cố gắng cho bé ăn chất lỏng và các thực phẩm mềm như súp, sữa, sinh tố.
![](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/1563511568207_1091398_9211386a94.jpg)
Cần cho bé nghỉ ngơi nhiều. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, như acetaminophen hoặc ibuprofen khi bé bị đau nhiều ở họng. Tuy nhiên, bố mẹ không nên cho bé uống aspirin hoặc các sản phẩm khác có chứa aspirin vì chúng có thể khiến trẻ có nguy cơ bị hội chứng Reye, một bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, bố mẹ hãy cho bé dùng ly và các đồ dùng để ăn riêng và rửa chúng trong nước nóng và xà bông. Tất cả các thành viên trong gia đình nên rửa tay thường xuyên. Cố gắng giữ cho trẻ em tránh xa những người đã bị viêm amidan hoặc đau họng và đảm bảo mọi người trong gia đình bạn rửa tay kỹ.
Nhân Tâm