Bị nấm họng nên ăn gì để không ảnh hưởng sức khỏe?
Nấm họng là bệnh viêm họng do loại nấm mốc làm tổn thương niêm mạc, gây cảm giác khó chịu ở vùng hầu họng, nhất là khi ăn uống nuốt vào. Để việc điều trị đạt hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tái phái bạn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và kiêng ăn những loại thực phẩm khiến nấm phát triển mạnh. Vậy nấm họng nên ăn gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này nhé!
Bệnh nấm họng là bệnh gì?
Bệnh nấm họng còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bệnh nấm amidan, viêm họng do nấm, viêm amidan nấm, nhiễm nấm họng, nhiễm nấm họng, tưa miệng. Đây là bệnh viêm họng do nấm làm tổn thương niêm mạc vùng hầu họng. Loại nấm gây bệnh là loại nấm men hiếm thuộc loại nấm mốc.
Nấm họng là bệnh lý thường hay gặp ở những người suy giảm sức đề kháng, hoặc trường hợp dùng thời gian dài thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc gây độc tế bào, chấn thương do quá trình viêm mạn tính ở cổ họng, tiểu đường, lao phổi và thiếu vitamin cũng góp phần phát triển thành bệnh nấm họng.
![bệnh nấm họng là bệnh gì?](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_hong_nen_an_gi_de_khong_anh_huong_suc_khoe_2_d2fc7a64b5.png)
Nấm họng nên ăn gì?
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, thực đơn dành riêng cho bệnh nhân bị nấm miệng sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh được hiệu quả hơn. Một số loại thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung vào thực đơn của mình như sau:
Thực phẩm mềm, dễ nuốt
Trong giai đoạn điều trị bệnh, nên bổ sung các thực phẩm mềm, dễ nuốt giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu khi ăn. Đồng thời, thực phẩm mềm giảm độ cọ xát vùng hầu họng đang bị viêm, sưng, tránh làm trầm trọng thêm tình trạng. Các món ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp, nước canh hầm,... Tuy nhiên, khi chế biến các món này hạn chế dầu mỡ để các món ăn nên thanh đạm, đảm bảo dinh dưỡng.
Đồng thời, bạn có thể kết hợp với các loại rau củ quả để cho ra những món ngon, giàu dinh dưỡng như súp bí đỏ, cháo bí đỏ, cháo táo đỏ, cháo hạt sen, cháo yến mạch, súp rau củ, súp gà hầm,...
Những thực phẩm có tính mát
Đây là những thực phẩm có đặc tính khá nhiều nước giúp giảm cơn đau khó chịu ở cổ họng. Đồng thời, dễ nuốt giảm sự xước và va chạm vòm họng đang viêm. Một số thực phẩm có tính trơn mát như canh mồng tơi, rau đay, canh bí, canh bầu,...
Thực phẩm giàu vitamin C
Bổ sung vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại các mầm bệnh, các loại vi khuẩn, nấm gây tổn thương hầu họng. Ngoài ra, bổ sung vitamin C còn giúp giảm đau hiệu quả cho người bệnh. Vitamin C thường có trong các loại trái cây và rau quả như cam, quýt, ổi, bưởi, xoài, chuối, ớt chuông, mâm xôi, cải bó xôi, súp lơ,...
Thực phẩm giàu kẽm
Bên cạnh vitamin C thì kẽm cũng là nguyên tố giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm gây hại cho cơ thể. Một số thực phẩm giàu kẽm có trong thịt, động vật có vỏ (hàu, ngao, cua, sò,...), cây họ đậu, sữa, trứng, các loại hạt,...
Đối với các loại đậu và hạt cứng sẽ làm bệnh nhân khó chịu và tổn thương khi nuốt vào. Do đó, có thể chế biến dưới dạng hấp, luộc hay nghiền để mềm, nhỏ dễ ăn hơn.
![Nấm họng nên ăn gì?](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_hong_nen_an_gi_de_khong_anh_huong_suc_khoe_3_9d56cd97eb.png)
Sữa chua
Tuy sữa chua không có tác dụng tiêu diệt nấm Candida, nhưng nó vẫn thường được dùng để trị nấm miệng. Do sữa chua được chứng minh là nguồn bổ sung lợi khuẩn dồi dào hỗ trợ tăng cường miễn dịch, giúp kìm hãm và ngăn sự phát triển của nấm. Việc bổ sung sữa chua cho cơ thể giúp hệ vi sinh trong khoang miệng được thiết lập cân bằng.
Hơn nữa, người bệnh nấm miệng sẽ gặp khó khăn trong việc nhai nuốt, đau xót niêm mạc miệng khi ăn. Do đó, sữa chua có thể chất mềm và thơm ngon rất phù hợp. Để tốt cho sức khỏe, người bệnh nên bổ sung sữa chua không đường.
Nước chanh
Nước chanh có tính sát khuẩn nên có khả năng diệt được một số loại vi khuẩn và nấm. Bạn chỉ cần cho 1 thìa nước cốt chanh hòa vào nước ấm để súc miệng hoặc uống sẽ giúp cải thiện nấm miệng. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng nước chanh đậm đặc, vì sẽ khiến vết thương bị đau xót, thậm chí khó lành do acid mạnh trong nước chanh.
Nấm họng nên kiêng gì?
Một chế độ dinh dưỡng không phù hợp sẽ thúc đẩy tình trạng bệnh thêm trầm trọng, càng làm bệnh nhân thêm khó chịu và khó hồi phục. Do đó, trong thời gian nấm họng nên hạn chế:
Thực phẩm nhiều đường và tinh bột
Đường và một phần tinh bột chính là nguồn thức ăn ưa thích của loài nấm khuẩn gây bệnh. Vì vậy, ăn quá nhiều đồ ngọt và tinh bột sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho loại nấm men này phát triển mạnh mẽ và gây bệnh trong khoang miệng. Vì thế, bạn cần hạn chế nạp các loại thực phẩm như đường, bánh kẹo, bánh nướng, nước ngọt, nước trái cây đóng hộp,…
Hải sản
Hầu như hải sản có khả năng gây dị ứng và làm tăng nhiệt độ trong cơ thể. Điều này làm cơ thể ngứa ngáy, nóng rát , dễ làm nấm phát triển nặng hơn. Các loại hải sản nên tránh: Sứa, cua, bạch tuộc, cá biển, tôm,...
Đồ ăn cay nóng
Thực phẩm cay nóng làm tình trạng tổn thương, lở loét thêm nghiêm trọng như gây viêm, sưng tấy, khó chịu hơn. Đồng thời, đồ cay nóng còn gây khô họng và ho nhiều hơn. Một số thực phẩm nên tránh như tiêu, ớt, tương ớt, mù tạt,...
Đồ ăn nhiều chất béo
Thức ăn nhanh, đóng hộp, chiên rán, mỡ động vật,... là những thực phẩm chứa chất béo không tốt cho sức khỏe. Và những thực phẩm này càng thúc đẩy mạnh mẽ nấm phát triển.
![Bị nấm họng nên kiêng ăn gì?](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nam_hong_nen_an_gi_de_khong_anh_huong_suc_khoe_4_5951af71d0.png)
Chất kích thích
Thông thường, chất kích thích gây hại có trong cà phê, nước có ga, rượu, bia… Các sản phẩm này có thể gây ra sự mất cân bằng vi sinh của cơ thể và kích thích nấm phát triển làm tình trạng thêm trầm trọng.
Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc nấm họng nên ăn gì? Việc sử dụng các loại thực phẩm trên sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, để tình trạng bệnh mau khỏi và có thể ngăn chặn dứt điểm người bệnh vẫn cần đến thăm khám các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ hơn.
Thy Võ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp