Lao phổi: Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách phòng bệnh
Lao phổi (Pulmonary Tuberculosis) là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis tấn công chủ yếu vào phổi. Bệnh gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm đau ngực, khó thở và ho dữ dội. Lao phổi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Những dấu hiệu và triệu chứng của lao phổi
Bệnh nhân có các biểu hiện đặc trưng sau đây:
- Ho dai dẳng kéo dài trên 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất;
- Đau tức ngực, khó thở;
- Sốt, ớn lạnh về chiều;
- Đổ mồ hôi ban đêm (đặc biệt trẻ em);
- Chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Cảm giác mệt mỏi kéo dài.
Nếu không điều trị, bệnh lao có thể gây tử vong. Bệnh hoạt động không được điều trị thường ảnh hưởng đến phổi của bạn, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể bạn.
Hiểu rõ triệu chứng, hành động ngay: Các triệu chứng khi mắc lao phổi là gì và bệnh lao phổi có nguy hiểm không?
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lao phổi
- Ho ra máu. Bệnh lao làm hoại tử thành của một động mạch, là biến chứng gây tử vong trong vòng vài phút.
- Tràn khí màng phổi do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi, là biến chứng nặng. Vi khuẩn lao từ hang lao nhiễm vào màng phổi và gây ra tràn mủ - tràn khí màng phổi. Điều trị khó khăn, vừa điều trị lao, vừa phải đặt ống dẫn lưu màng phổi.
- Tràn dịch màng phổi có thể xảy ra sau khi bệnh lao đã được chữa khỏi tạo thành các di chứng của bệnh lao phổi.
- Giãn phế quản.
- Suy hô hấp mãn.
- U nấm phổi do vi nấm Aspergillus fumigatus sinh sản trong một hang lao cũ trong phổi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải lao phổi?
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao phổi gồm:
- Người có sức đề kháng kém hoặc chưa hoàn chỉnh (đặc biệt là trẻ em) có tiếp xúc gần với những người mắc bệnh lao phổi.
- Người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ung thư...
- Người mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm đa khớp dạng thấp…
- Người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, suy thận mạn…
- Người nghiện ma túy, nghiện rượu, thuốc lá.
- Người bệnh đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lao phổi
Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Hoa Kỳ), các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lao phổi bao gồm:
Suy giảm hệ miễn dịch: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất. Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người nhiễm HIV/AIDS, ung thư, hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (như corticosteroids), dễ bị lao hơn.
Tiếp xúc với người mắc lao: Sống hoặc làm việc gần người có bệnh lao phổi, đặc biệt trong môi trường kín hoặc không thông thoáng, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Điều kiện sống cộng đồng đông đúc: Những người sống trong các cơ sở tập trung đông như nhà tù, trung tâm tạm giam, hoặc trại tị nạn cũng có nguy cơ nhiễm lao cao hơn do việc chia sẻ không gian và tiếp xúc gần.
Yếu tố lối sống: Hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia hoặc ma túy là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao do hệ miễn dịch suy giảm và tổn thương phổi.
Bệnh lý nền: Các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng làm tăng khả năng mắc lao phổi.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh hiện nay là do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) thuộc họ Mycobacteriaceae. Vi khuẩn lao được Robert Koch phân lập năm 1882, được gọi tắt là BK (Bacille de Koch).
Trực khuẩn lao kháng lại cồn và acid ở nồng độ diệt được vi khuẩn khác. Trực khuẩn lao sống được trong đờm trong vòng vài tuần, trong rác ẩm và tối, chết ở nhiệt độ 1000C/5 phút và dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời. Bệnh lao phổi rất dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp. Khả năng lây lan mạnh trong thời gian chưa được điều trị. Theo thống kê cứ 1 người bị lao phổi có ho khạc ra vi khuẩn có thể lây cho 10-15 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, trại tập trung... trước khi người bệnh được điều trị.
Tìm hiểu để bảo vệ bản thân: Bệnh lao phổi lây qua đường nào?
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lao phổi
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho người mới bệnh thì mới giúp tăng hiệu quả điều trị và đẩy mạnh tiến độ hồi phục. Một số loại thực phẩm cần bổ sung trong chế độ ăn của bệnh nhân bao gồm:
- Bổ sung thịt bò, gan, hạt bí ngô, ngũ cốc, hạt hướng dương…
- Vitamin A, E, C trong các loại rau, củ, quả, cá biển, thịt, gan.
- Bổ sung sắt trong mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành hay lòng đỏ trứng…;
- Bổ sung Vitamin K, B6 từ rau xanh, gan, thịt lợn, đậu, đỗ, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt…
Bệnh nhân mắc lao phổi có thể trạng kém, chán ăn do tác dụng phụ từ thuốc do vậy cần phải đa dạng các món ăn, lựa chọn những món ăn mà người bệnh thích đồng thời chia nhỏ các bữa ăn.
Tìm hiểu ngay: Lao phổi ho ra máu nên ăn gì, kiêng gì để nhanh đỡ bệnh?
Chế độ sinh hoạt
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế stress
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
Dự phòng lây nhiễm cho người thân
Dùng khẩu trang hoặc che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho.
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, nên khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên.
Vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh luôn đảm bảo thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ, ô thoáng), có ánh nắng.
Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân như chiếu, chăn, màn.
Tìm hiểu ngay để bảo vệ bản thân: Những điều cần biết về vắc xin lao phổi
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lao phổi
Sau khi thăm khám lâm sàng và chẩn đoán phân biệt với các bệnh giãn phế quản, COPD, ung thư phổi, các bác sĩ sẽ tiến hành làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
- Nhuộm soi đờm trực tiếp tìm AFB;
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao;
- Chụp X-quang phổi;
- Xét nghiệm Xpert MTB/RIF ;
- Dùng phương pháp sinh học phân tử PCR.
Chẩn đoán xác định bệnh: Phải có ít nhất 1 mẫu có AFB (+) và hình ảnh X quang nghi lao hoặc khi có 2 mẫu đờm (+).
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời: Chụp X quang phổi và tất cả những điều cần biết
Phương pháp điều trị lao phổi hiệu quả
Bệnh lao có thể điều trị khỏi do đó bệnh nhân phải được điều trị càng sớm càng tốt ngay khi có kết quả chẩn đoán lao. Tuy nhiên, điều trị lao đòi hỏi thời gian dài, bệnh nhân cần phải tuân thủ những nguyên tắc điều trị: Dùng thuốc đúng liều, đều đặn, đủ thời gian.
Nguyên tắc điều trị lao phổi
- Phối hợp cùng lúc nhiều thuốc chống lao để tránh sự đề kháng thuốc của vi khuẩn lao.
- Dùng thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian
- Trong giai đoạn tấn công phải phối hợp từ 3-4 thuốc trở lên, giai đoạn duy trì phối hợp 2 - 3 thuốc.
Điều trị dùng thuốc
Điều trị lao phổi qua 2 giai đoạn
Tấn công: Kéo dài từ 2 - 3 tháng, mục đích là làm giảm nhanh số lượng vi trùng kể cả những vi trùng đang ngủ, để ngăn chặn đột biến kháng thuốc.
Duy trì: Kéo dài 4 - 6 tháng, mục đích là tiêu diệt toàn bộ các vi trùng còn sót lại để tránh tái phát.
Các thuốc chống lao thiết yếu (hàng 1) là:
- Isoniazid (H);
- Rifampicin (R);
- Pyrazinamid (Z);
- Streptomycin (S);
- Ethambutol (E).
Hiện nay, BYT đã khuyến cáo bổ sung 2 loại thuốc chống lao hàng 1 là Rifabutin (Rfb) và Rifapentine (Rpt). Các thuốc chống lao thiết yếu hàng 1 cần phải bảo quản trong nhiệt độ mát, tránh ẩm.
Thuốc chống lao hàng 2: Các thuốc chống lao hàng 2 chủ yếu có thể phân ra thành các nhóm như sau:
- Thuốc chống lao hàng 2 loại tiêm: Kanamycin (Km); Amikacin (Am); Capreomycin (Cm);
- Thuốc chống lao hàng 2 thuộc nhóm Fluoroquinolones như: Levofloxacin (Lfx); Moxifloxacin (Mfx); Gatifloxacin (Gfx); Ciprofloxacin (Cfx); Ofloxacin (Ofx);
- Thuốc chống lao hàng 2 uống: Ethionamide (Eto); Prothionamide (Pto); Cycloserine (Cs); Terizidone (Trd); Para-aminosalicylic acid (PAS); Para-aminosalicylate sodium (PAS-Na);
- Các thuốc hàng 2 thuộc nhóm 5 bao gồm: Bedaquiline (Bdq); Delamanid (Dlm); Linezolid (Lzd); Clofazimine (Cfz); Amoxicilline / Clavulanate (Amx / Clv); Meropenem (Mpm); Thioacetazone (T); Clarithromycin (Clr).