Nấm họng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Nấm họng là một tình trạng phổ biến thường gặp hiện nay. Nấm họng thường làm cho bạn cảm thấy ngứa ngáy, ho và rát họng, sau đó làm khàn giọng hoặc mất tiếng. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng nấm họng và điều trị như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Những dấu hiệu và triệu chứng của nấm họng
Những người bị nấm họng thường có các dấu hiệu sau:
-
Đau rát cổ họng;
-
Cảm giác đau khi nuốt, khô, bỏng rát;
-
Cảm thấy nghẹn trong họng như có gì đó trong cổ họng;
-
Có thể nóng, ấm đầu;
-
Trong cổ họng xuất hiện những mảng màu trắng có kích thước không đều;
-
Niêm mạc có dấu hiệu sưng, có màu vàng. Đây là dấu hiệu đặc trưng của nấm họng;
-
Xuất hiện vết loét chảy máu trong niêm mạc;
-
Dễ cáu gắt.
Những dấu hiệu này có thể tăng lên khi ăn uống.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nấm họng
Nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng sau:
-
Áp xe amidan;
-
Nấm lây lan qua thực quản, thanh quản.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Thông thường nấm họng sẽ hết sau vài ngày chữa trị tại nhà. Tuy nhiên sau một vài ngày mà bạn vẫn cảm thấy những triệu chứng trên thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải nấm họng?
Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị nấm họng. Tuy nhiên trẻ em thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nấm họng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nấm họng:
-
Vệ sinh họng không đúng cách;
-
Người có sức đề kháng yếu;
-
Điều trị corticoid, kháng sinh phổ rộng kéo dài;
-
Bị các bệnh khác: Tiểu đường, thiếu máu mạn tính;
-
Người bị HIV/AIDS;
-
Sống trong môi trường bị ô nhiễm;
-
Hít phải khí độc, hóa chất hay uống rượu, sử dụng thuốc lá trong một khoảng thời gian dài.
Nguyên nhân dẫn đến nấm họng
Nguyên nhân gây ra nấm họng là do nấm Candida sống hoại sinh. Một số nấm Candida gây bệnh thường gặp là C. albicans, C. glabrata, C. krusei, C. tropicalis, C. parapsillosis, S. stellatoidea, C. intermedia, S. brumpti, C. sake.
Các yếu tố tạo điều kiện cho nấm Candida phát sinh và phát triển trong họng bao gồm:
-
Lạm dụng kháng sinh;
-
Đang xạ trị hoặc hóa trị ung thư;
-
Vệ sinh cổ họng không đúng cách;
-
Hít phải bào tử nấm trong không khí;
-
Ăn thực phẩm nhiễm nấm;
-
Người suy giảm hệ miễn dịch: HIV/AIDS, ung thư,…;
-
Người mắc một số bệnh mạn tính: Tiểu đường, thiếu máu,…
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nấm họng
Chế độ dinh dưỡng:
-
Bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin C, A, E, thực phẩm nhiều chất xơ.
-
Hạn chế thực phẩm nhiều đường.
-
Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, đồ lạnh, nước uống có ga, đồ ăn cay nóng, thức ăn có tính kích ứng họng…
Chế độ sinh hoạt:
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng.
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Phương pháp phòng ngừa nấm họng hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
-
Tập thể dục đều đặn để tăng sức đề kháng.
-
Hạn chế tiếp xúc bụi bẩn, khí thải, vi khuẩn, khói thuốc lá…
-
Hạn chế tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng họng.
-
Không hút thuốc lá, uống rượu.
-
Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ.
-
Khi trời lạnh cần phải giữ ấm cơ thể.
-
Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi hắt hơi hoặc ho.
-
Tập cho trẻ bỏ thói quen ngậm tay hay vật dụng khác.
-
Tránh dùng chung thức ăn, ly uống nước hoặc dụng cụ với người khác.
-
Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
-
Khám định kỳ để phát hiện nguy cơ bị nấm họng.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nấm họng
Nếu bạn gặp phải triệu chứng nấm họng, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ họng và tìm xem có các mảng trắng hay xám, sưng và đỏ không. Tiếp đó bác sĩ sẽ lấy một mẫu phẩm trong họng để tìm nấm Candida.
Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán là cơ sở để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó hướng dẫn, chỉ định điều trị hợp lý, tốt nhất cho người bệnh.
Phương pháp điều trị nấm họng hiệu quả
Với những trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần sử dụng nước súc miệng hoặc viêm ngậm kháng nấm trong 5 tới 10 ngày. Nếu không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống kháng nấm. Một số thuốc được dùng để điều trị nấm họng:
-
Nystan;
-
Dequalinium clorua;
-
Levorinum;
-
Fluconazole;
-
Itraconazole;
-
Amphotericin B.
Vì những thuốc kháng nấm có những tác dụng phụ không mong muốn với người bệnh đặc biệt là bệnh gan. Nên khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ thì bạn không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh gây nguy hiểm và tăng nguy cơ gây bệnh nặng hơn.