Bệnh nhân tiểu đường ăn khoai môn được không?
Người bị tiểu đường cần hạn chế ăn tinh bột và các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Với người bình thường, khoai môn là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng. Nhưng với người tiểu đường, liệu đây có phải thực phẩm cần kiêng tuyệt đối? Thắc mắc bệnh tiểu đường ăn khoai môn được không sẽ được giải đáp chi tiết nhất trong bài viết dưới đây!
Thành phần dinh dưỡng của khoai môn
Khoai môn là loại khoai họ ráy, có cuống lá dài, lá hình tim to bản. Rễ chính phình to và phát triển thành củ. Củ khoai môn có lớp vỏ màu nâu sần sùi, ruột bên trong màu tím nhạt hoặc trắng. Phần củ này khi nấu chín ngọt, bùi, bở tơi ăn rất ngon. Củ khoai môn có thể chế biến thành các món như nấu canh, làm bánh, chiên, hấp, luộc,...
Không chỉ thơm ngon, khoai môn còn là loại khoai giàu dinh dưỡng. Trong thành phần dinh dưỡng của củ khoai môn chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như tinh bột, chất xơ, vitamin B6, vitamin B9, vitamin C, vitamin E cùng các khoáng chất như mangan, magie, photpho, đồng, kali, kẽm,…
Với thành phần dinh dưỡng như trên và hương vị béo bùi, khoai môn được sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm này làm đa dạng thực đơn, cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng bệnh nhân tiểu đường ăn khoai môn được không vẫn còn là vấn đề nhiều người chưa biết.
![tieu-duong-an-khoai-mon-duoc-khong-1.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_an_khoai_mon_duoc_khong_1_40937419a1.jpg)
Tiểu đường ăn khoai môn được không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị đái tháo đường hoàn toàn có thể ăn khoai môn. Người bị tiểu đường được khuyên là ăn ít tinh bột, hạn chế ăn đường nhưng không có nghĩa là kiêng khoai môn tuyệt đối chỉ vì khoai môn chứa tinh bột. Hơn nữa, có thể nhiều người bệnh chưa biết, nếu được sử dụng đúng cách, đủ lượng, khoai môn không làm họ tăng đường huyết sau khi ăn.
Bệnh nhân tiểu đường, thậm chí phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ nên dùng khoai môn để thay thế một phần các thực phẩm cung cấp tinh bột khác vì những lý do như:
Chỉ số đường huyết thực phẩm dưới 55
Khoai môn có chỉ số đường huyết thực phẩm ở mức thấp. Khoai môn luộc có chỉ số đường huyết khoảng 53. Mà theo các chuyên gia, thực phẩm có chỉ số < 55 sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường ổn định đường huyết. Vì vậy, khoai môn là thực phẩm hoàn toàn phù hợp với họ.
Cải thiện độ nhạy insulin
Ngoài ra, các nghiên cứu đã cho thấy loại tinh bột có trong khoai môn giúp cải thiện độ nhạy insulin. Điều này giúp cơ thể chuyển hóa đường hiệu quả hơn, hạn chế đường dư thừa trong máu làm tăng đường huyết.
![tieu-duong-an-khoai-mon-duoc-khong-4.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_an_khoai_mon_duoc_khong_4_594e74bbf7.jpg)
Vitamin A kích thích chuyển hóa đường và sản xuất insulin
Bệnh nhân không cần lo lắng tiểu đường ăn khoai môn được không bởi đây là thực phẩm tốt cho họ. Thành phần vitamin A trong củ khoai môn cũng giúp ổn định đường huyết, kích thích chuyển hóa đường và mỡ dư thừa. Việc cơ thể thiếu vitamin A cũng liên quan đến việc giảm sản xuất hormone insulin. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường dễ bị giảm thị lực. Vitamin A lại có tác dụng bảo vệ niêm mạc, tăng cường thị lực cho bệnh nhân tiểu đường.
Khoai môn giàu chất xơ
Ngoài tinh bột, khoai môn cũng cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể. Chất xơ không làm tăng đường huyết sau khi ăn. Bên cạnh đó, nó làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó làm chậm quá trình tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, chất xơ cũng hỗ trợ rất tốt cho quá trình tiêu hóa, phòng ngừa khó tiêu, táo bón.
Giúp giảm cholesterol và tăng độ nhạy insulin
Tinh bột có trong khoai môn là dạng tinh bột kháng tự nhiên. Loại tinh bột này có thể thúc đẩy quá trình lên men và chuyển hóa chất béo. Từ đó, nó có thể giảm cholesterol, phòng ngừa nguy cơ tắc nghẽn động mạch. Khi lượng cholesterol và chất béo giảm cũng sẽ cải thiện nồng độ insulin trong máu. Điều này tốt cho những bệnh nhân tiểu đường.
![tieu-duong-an-khoai-mon-duoc-khong-3.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_an_khoai_mon_duoc_khong_3_75ae850c7a.jpg)
Cách ăn khoai môn phù hợp với người tiểu đường
Dù khoai môn tốt cho bệnh nhân tiểu đường nhưng không có nghĩa họ được ăn tùy tiện. Có một số lưu ý dành cho người đái tháo đường khi ăn thực phẩm này như:
Sơ chế kỹ càng
Ở lớp vỏ khoai môn có chất gây ngứa. Vì vậy, người dùng cần sơ chế thật sạch trước khi chế biến. Cách sơ chế tốt nhất là làm sạch vỏ, rửa và ngâm khoai nhiều lần với nước muối hoặc baking soda. Thời gian ngâm ít nhất 10 phút trước khi chế biến. Khi sơ chế khoai, bạn cũng đừng quên dùng găng tay để tránh bị kích ứng da tay nhé!
Lưu ý lượng ăn phù hợp
Khoai môn có thể dùng để chế biến thành nhiều món, từ nấu canh, làm bánh, nấu chè, làm kem, làm thạch,... Không giống các loại khoai khác, khoai môn thơm hơn nên ăn rất ngon miệng. Bệnh nhân tiểu đường khi ăn các món từ khoai môn cần đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát liều lượng. Tiêu thụ quá nhiều khoai môn chắc chắn không tốt cho người bệnh. Mỗi bữa, bạn không nên ăn quá 300g khoai môn. Mỗi tuần không nên ăn quá 3 lần. Và sau mỗi lần ăn, bệnh nhân nên kiểm tra và theo dõi đường huyết để có thể điều chỉnh lượng ăn nếu cần thiết.
Kết hợp ăn khoai môn và rau xanh
Bản chất khoai môn vẫn là thực phẩm giàu tinh bột. Khi ăn khoai môn, người bệnh có thể kết hợp ăn cùng rau xanh. Chất xơ trong rau xanh sẽ làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, giúp ổn định đường huyết.
![tieu-duong-an-khoai-mon-duoc-khong-2.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_an_khoai_mon_duoc_khong_2_71d0809b72.jpg)
Chế biến theo cách đơn giản
Khoai môn có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Nhưng cách chế biến tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường là luộc hoặc hấp. Cách chế biến này không những giảm lượng calo mà còn giảm đường, muối, chất béo,... Đây đều là những thành phần không có lợi cho người tiểu đường.
Chọn khoai môn tươi mới
Khoai môn cũng giống các loại khoai khác, đều tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do nấm mốc hoặc vi khuẩn. Khi chọn mua khoai môn, bạn nên chọn củ lành lạnh, tươi mới, không bị sâu thối. Nếu chưa có kinh nghiệm, khi mua khoai bạn cũng nên chọn lựa kỹ để tránh mua và ăn phải khoai ngứa.
Hy vọng với bài viết này, bạn đã biết tiểu đường ăn khoai môn được không. Người tiểu đường có thể yên tâm ăn khoai môn, miễn là ăn đúng cách và ăn đủ lượng. Tốt nhất, sau mỗi lần ăn bệnh nhân nên kiểm tra đường huyết để điều chỉnh lượng ăn cho phù hợp.