Bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không? Bệnh có tái phát không?
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra, bệnh lây truyền qua đường tình dục là phổ biến. Vậy bệnh lậu có điều trị được không? Bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không?
Tổng quan về bệnh lậu
Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Hiện nay, bệnh này cực kỳ phổ biến, thường xuất hiện với triệu chứng không rõ ràng và có thể điều trị thành công. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là thanh thiếu niên có đời sống tình dục không lành mạnh.
Nguyên nhân
Bệnh lậu là do quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh. Nhiễm trùng có thể lây lan qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng vì vi khuẩn tồn tại trong tinh dịch và dịch âm đạo. Các bộ phận của cơ thể dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm dương vật, âm đạo, cổ tử cung, niệu đạo, cổ họng, hậu môn và mắt. Bệnh có thể lây lan ngay cả khi dương vật chưa đi hết vào hậu môn hoặc âm đạo. Các cách lây nhiễm khác bao gồm:
- Chạm vào mắt khi tay bạn bị nhiễm chất lỏng bị nhiễm bệnh.
- Lây truyền từ mẹ sang con (nếu mẹ bị bệnh lậu).
Bệnh này không lây lan qua tiếp xúc thông thường như dùng chung đồ ăn, đồ uống, ôm, hôn, nắm tay, ho, hắt hơi,...
Triệu chứng
Phụ nữ mắc bệnh lậu thường không nhận thấy các triệu chứng rõ ràng. Nếu có, các dấu hiệu thường sẽ xuất hiện trong vòng một tuần sau khi bị nhiễm trùng, bao gồm:
- Đau hoặc rát khi đi tiểu.
- Dịch tiết âm đạo bất thường, màu vàng hoặc lẫn máu.
- Chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh.
Đối với nam giới, các triệu chứng bệnh lậu có xu hướng rõ ràng hơn như:
- Dương vật tiết dịch màu trắng, vàng hoặc xanh.
- Đi tiểu đau hoặc rát.
- Đau hoặc sưng tinh hoàn.
Bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm qua hậu môn khi quan hệ tình dục thông qua đường này. Một số triệu chứng có thể nhận thấy gồm:
- Ngứa xung quanh hoặc bên trong hậu môn.
- Hậu môn tiết dịch bất thường.
- Đau hậu môn khi đại tiện.
Ngoài ra, nếu bệnh lậu tiến triển ở vùng họng thì dấu hiệu điển hình nhất là đau họng.
![Bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không? Bệnh có tái phát không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_lau_uong_thuoc_khang_sinh_co_khoi_khong_benh_co_tai_phat_khong_1_f5ebc1f432.jpg)
Biến chứng bệnh lậu
Bệnh lậu không gây ra triệu chứng rõ ràng và có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Một số biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Nhiễm trùng lây lan đến tử cung và ống dẫn trứng, gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID). Ban đầu, PID có thể không có triệu chứng rõ ràng nhưng thường để lại tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến đau mãn tính, vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung.
- Nhiễm trùng lan đến ống dẫn tinh gây tổn thương tinh hoàn và thậm chí là vô sinh.
- Tăng khả năng nhiễm trùng hoặc lây truyền HIV/AIDS.
- Nhiễm trùng lây lan đến máu, da, tim hoặc khớp, gây ra các vấn đề sức khỏe, thậm chí tử vong.
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu có thể truyền sang con khi sinh, có nguy cơ gây mù lòa, nhiễm trùng khớp, nhiễm trùng máu và thậm chí tử vong.
Bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không?
Bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không? Bệnh lậu có thể điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên một số chủng vi khuẩn có khả năng kháng thuốc nên rất khó tiêu diệt. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh ở dạng tiêm hoặc uống. Các phương pháp điều trị tiếp theo được thực hiện trong vòng 7 ngày. Bệnh nhân nên xét nghiệm lại bệnh lậu 3 tháng sau lần điều trị đầu tiên để đánh giá tác dụng của thuốc cũng như khả năng tái nhiễm. Trong thời gian này, tuyệt đối tránh quan hệ tình dục cho đến khi bình phục. Nhiều trường hợp cho thấy các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một tuần nếu áp dụng phương pháp điều trị thích hợp.
Bệnh lậu có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc không có khả năng phục hồi tổn thương vĩnh viễn do bệnh gây ra nếu có. Trong trường hợp bệnh lậu ở giai đoạn nhẹ, vi khuẩn gây bệnh lậu có thể bị tiêu diệt thông qua điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Loại kháng sinh cụ thể này có thể được sử dụng ở dạng viên hoặc dung dịch tiêm. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kháng sinh và lựa chọn loại kháng sinh phù hợp. Trong một số trường hợp, điều trị bằng kháng sinh không mang lại kết quả như mong muốn thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chuyển sang phương pháp điều trị khác.
![Bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không? Bệnh có tái phát không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_lau_uong_thuoc_khang_sinh_co_khoi_khong_benh_co_tai_phat_khong_3_d8f492e7ee.jpg)
Cách chẩn đoán bệnh lậu
Cách duy nhất để xác định xem bạn có mắc bệnh lậu hay không là làm xét nghiệm. Phương pháp chẩn đoán thường được thực hiện trong vòng 2 ngày đến 1 tuần sau khi quan hệ tình dục. Cách xét nghiệm giữa nam và nữ giới khác nhau. Cụ thể như sau:
Đối với nữ giới
Bác sĩ thường sẽ dùng tăm bông để lấy mẫu dịch từ âm đạo, cổ tử cung hoặc niệu đạo (ống nước tiểu). Đối với phụ nữ, xét nghiệm nước tiểu thường cho kết quả kém chính xác nên không được yêu cầu trong chẩn đoán bệnh lậu.
![Bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không? Bệnh có tái phát không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_lau_uong_thuoc_khang_sinh_co_khoi_khong_benh_co_tai_phat_khong_2_5ad143e7bd.jpg)
Đối với nam giới
Đối với nam giới, bác sĩ sẽ yêu cầu cung cấp mẫu nước tiểu hoặc dùng tăm bông để lấy mẫu dịch từ đầu dương vật. Đối với phương pháp thứ nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh không đi tiểu trước đó khoảng 2 giờ. Điều này có thể rửa trôi vi khuẩn ra ngoài và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Đối với tình trạng nhiễm trùng cổ họng, mắt, trực tràng
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng trực tràng, cổ họng hoặc mắt thì sẽ lấy dịch từ những vị trí này để xét nghiệm. Hầu hết các trường hợp này nghĩa là bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng.
Bệnh lậu có tái phát không?
Thời gian điều trị bệnh lậu thường kéo dài từ 1 - 2 tuần tùy theo mức độ nặng nhẹ. Sau thời gian này, nếu triệu chứng vẫn không cải thiện, bác sĩ sẽ khám và chỉ định phương pháp mới.
Chữa bệnh lậu hiệu quả không có nghĩa là sẽ không tái nhiễm. Tình trạng này rất có thể sẽ xảy ra lần nữa trong tương lai. Theo thống kê, tỷ lệ tái phát bệnh lậu cấp và bán cấp là 6.3%, bệnh mãn tính là 5.2% và bệnh lậu biến chứng là 4.5%.
Các đợt tái phát trung bình được quan sát thấy khoảng 5 ngày sau khi điều trị các trường hợp mới và 9 ngày sau khi điều trị bệnh mãn tính. Trong đó, tỷ lệ điều trị bằng kháng sinh và phối hợp lần lượt là 50.2% và 49.8%.
Tỷ lệ tái phát lần 1 xảy ra ở 85.6% trường hợp, tái phát từ 2 lần trở lên chiếm 14.4%. Tỷ lệ tái phát bệnh sau điều trị bằng penicillin, aminoglycoside và tetracycline lần lượt là 6.5%, 6.9% và 4.2%.
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra và cần được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Bạn nên tuân thủ điều trị của bác sĩ trong việc dùng thuốc kháng sinh và sinh hoạt hàng ngày. Bài viết trên đã giải đáp bệnh lậu uống thuốc kháng sinh có khỏi không từ đó bạn có thể yên tâm điều trị và hồi phục.
Xem thêm: Dấu hiệu khỏi bệnh lậu mới nhất mà nhiều người chưa biết