Bầu ăn tôm được không? Lợi ích của tôm đối với sức khỏe mẹ bầu có thể bạn chưa biết
Tôm là một trong những loại hải sản mang đến giá trị dinh dưỡng rất cao cho người sử dụng. Song, có rất nhiều người thắc mắc liệu rằng bầu ăn tôm được không. Trong bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Hà An sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc này một cách chi tiết, đồng thời chia sẻ đến bạn đọc một số lợi ích sức khỏe mà tôm mang đến cho mẹ bầu cũng như cách ăn tôm đúng và an toàn. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
![Bầu ăn tôm được không? Lợi ích của tôm đối với sức khỏe mẹ bầu có thể bạn chưa biết 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Bau_an_tom_duoc_khong_loi_ich_cua_tom_doi_voi_suc_khoe_me_bau_co_the_ban_chua_biet_1_8a7edc681e.jpg)
Bầu ăn tôm được không?
Tôm là loại hải sản có chứa rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Các nghiên cứu dinh dưỡng chỉ ra rằng: Trong 100 gram tôm có chứa:
- 99 calo.
- 0,3 gram chất béo.
- 0,2 gram carbohydrate.
- 189mg cholesterol.
- 111mg natri.
- 24 gram protein.
- Ngoài ra còn chứa một số vitamin và khoáng chất cần thiết khác như: Vitamin B12, photpho, đồng, kẽm, canxi, magie, sắt…
Với thành phần dinh dưỡng này, có thể nói tôm là nguồn cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho mẹ bầu trong thời kỳ mang thai. Theo các bác sĩ sản khoa: Trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên hạn chế các loại thủy sản và hải sản để tránh nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Vậy bầu ăn tôm được không?
Câu trả lời là bà bầu hoàn toàn có thể ăn tôm. Tuy tôm thuộc nhóm hải sản nhưng hàm lượng thủy ngân có trong tôm lại tương đối thấp, do đó nếu mẹ bầu ăn với một lượng vừa phải thì không chỉ không gây hại mà còn giúp cung cấp một hàm lượng dưỡng chất lớn.
![Tôm là nguồn cung cấp các dưỡng chất rất tốt cho mẹ bầu và thai nhi](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/co_cau_an_tom_duoc_khong_thumb_1200x588_29b0a4aacc.jpeg)
Lợi ích sức khỏe mà tôm mang đến cho mẹ bầu và thai nhi
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, tôm mang đến những lợi ích sức khỏe vô cùng tuyệt vời cho mẹ và em bé. Cụ thể:
- Tôm có hàm lượng chất béo thấp do đó bà bầu hoàn toàn có thể yên tâm ăn tôm mà không cần lo lắng về việc bị tăng cân một cách đột ngột.
- Việc thêm tôm vào chế độ ăn uống giúp mẹ bầu bổ sung thêm lượng acid béo omega-3, giúp hỗ trợ phát triển não bộ, hệ thần kinh trung ương cũng như mắt của thai nhi.
- Với hàm lượng amino axit và protein dồi dào, tôm là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Trên thực tế, cơ thể mẹ không thể tự sản sinh được axit amin do đó mẹ bầu cần bổ sung thêm dưỡng chất này để đảm bảo cho thai nhi phát triển khỏe mạnh và toàn diện.
- Trong 100 gram tôm có chứa 1,8 gram sắt. Theo các chuyên gia phân tích, sắt là dưỡng chất quan trọng và cần thiết cho sự tăng trưởng cũng như phát triển của bé, đồng thời sắt cũng có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu trong suốt thai kỳ, giúp cung cấp máu để nuôi dưỡng thai nhi và giảm nguy cơ sinh non cho mẹ bầu.
- Tôm rất giàu astaxanthin - một chất chống oxy hóa carotenoid có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, chống lại sự phá hủy tế bào mà các gốc tự do gây ra, từ đó góp phần ngăn ngừa cũng như giảm tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm của mẹ bầu trong quá trình mang thai.
- Tôm là nguồn cung cấp các khoáng chất cần thiết trong thai kỳ như: Canxi, kali, natri và magie. Các khoáng chất này có tác dụng hỗ trợ sức khỏe xương khớp, điều chỉnh enzyme và duy trì sự cân bằng của chất lỏng. Theo nghiên cứu, 100 gram tôm tươi sẽ cung cấp 10mg canxi, 300mg photpho…
Ngoài ra, sự có mặt có các loại vitamin có trong tôm có tác dụng tăng cường chuyển hóa năng lượng đồng thời hỗ trợ cải thiện hệ miễn dịch của mẹ bầu.
![Bầu ăn tôm được không? Lợi ích của tôm đối với sức khỏe mẹ bầu có thể bạn chưa biết 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Bau_an_tom_duoc_khong_loi_ich_cua_tom_doi_voi_suc_khoe_me_bau_co_the_ban_chua_biet_3_95155cbda4.jpg)
Tác dụng phụ của việc mẹ bầu ăn quá nhiều tôm
Tuy tôm có giá trị dinh dưỡng cao, song mẹ bầu không nên quá lạm dụng. Việc mẹ bầu ăn quá nhiều tôm có thể dẫn đến dư thừa chất dinh dưỡng, hàm lượng thủy ngân tích tụ và tăng cao, điều này không tốt cho sức khỏe mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, ăn nhiều tôm cũng có thể khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng khó tiêu, đầy bụng, táo bón thậm chí là các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng khác. Do đó, việc ăn tôm với một lượng vừa phải và đa dạng trong cách chế biến là điều mẹ bầu nên làm.
Đối với những mẹ bầu có tiền sử dị ứng tôm thì không nên ăn tôm để tránh những ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và thai nhi.
Cách ăn tôm đúng và an toàn
Những lưu ý khi ăn tôm
Nếu bạn là tín đồ của những món ăn được chế biến từ tôm thì bạn cần nắm được một số lưu ý nhỏ này để vừa có thể thưởng thức món ăn ngon mà vẫn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé nhé:
- Không nên ăn quá 340 gram tôm một tuần để hạn chế tình trạng dư thừa chất đạm.
- Nên lựa chọn địa chỉ mua tôm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
- Nến sử dụng tôm tươi thay vì tôm đông lạnh để chế biến. Trường hợp mẹ bầu sử dụng tôm đông lạnh cần chắc chắn mẹ bầu đã rã đông đúng cách.
- Chỉ ăn tôm khi đã nấu chín và tuyệt đối không ăn tôm sống hoặc tái để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
![Mẹ bầu cần nắm được cách ăn tôm đúng và an toàn](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/image1_1658825910_706_width791height540_8f992dfd72.png)
Món ăn thơm ngon và bổ dưỡng từ tôm
Dưới đây là một số món ăn từ tôm mẹ bầu có thể tham khảo để bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình:
Tôm xào thập cẩm
Món ăn này là sự kết hợp tuyệt vời giữa tôm và các loại rau củ quả. Mẹ bầu vừa có thể hấp thu các dưỡng chất từ tôm mà còn được cung cấp thêm hàm lượng vitamin từ rau củ.
Nguyên liệu gồm: 200 gram tôm tươi, 1 củ cà rốt, nửa củ hành tây, 1 trái ớt chuông, 200 gram đậu que, 2 - 4 tép tỏi, gia vị.
Cách thực hiện:
- Tôm mua về rửa sạch, lột vỏ, lột bỏ chỉ lưng sau đó ướp tôm với 1 muỗng bột nêm.
- Rau củ rửa sạch và để ráo nước. Sau đó thái miếng vừa ăn sau đó chần sơ qua bằng nước sôi.
- Tỏi đập dập và băm nhỏ.
- Đặt chảo lên bếp cho dầu và tỏi phi thơm, sau đó cho tôm vào xào cho tới khi săn lại và múc ra bát.
- Cho cà rốt vào xào chín tới, sau đó cho lần lượt nấm, ớt chuông, đậu vào xào đều. Khi rau củ chín cho tôm và hành tây vào đảo khoảng 3 phút đồng thời nêm nếm gia vị vừa miệng.
- Tắt bếp, múc ra đĩa và thưởng thức.
Canh tôm bí đỏ
Ngoài các món mặn, mẹ bầu còn có thể chế biến tôm thành các món canh và canh tôm bí đỏ là một sự lựa chọn hoàn hảo. Canh bí đỏ nấu với tôm vừa thanh mát lại thơm ngon vô cùng.
Nguyên liệu: 1 quả bí đỏ, 300 gram tôm tươi, 1 bông nấm tuyết khô, hành tím, hành lá, gia vị.
Cách thực hiện:
- Bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ sau đó cắt thành từng miếng vừa ăn.
- Tôm rửa sạch, ngâm với nước muối loãng trong vòng 5 phút sau đó rửa sạch, lột vỏ và lột chỉ lưng. sau đó ướp tôm với gia vị trong vòng 15 phút.
- Nấm tuyết rửa sạch và ngâm trong nước ấm để nấm nở và mềm ra sau đó cắt bỏ hết phần gốc.
- Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
- Đặt nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn và hành tím phi thơm lên sau đó cho bí đỏ, tôm cùng với nấm tuyết vào xào sơ qua. Đảo đều tay cho đến khi tôm săn lại thì cho một bát ô tô nước vào đun sôi, nêm gia vị vừa miệng. Đun khoảng 15 phút nữa thì tắt bếp.
- Múc ra bát và thưởng thức.
![Bầu ăn tôm được không? Lợi ích của tôm đối với sức khỏe mẹ bầu có thể bạn chưa biết 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Bau_an_tom_duoc_khong_loi_ich_cua_tom_doi_voi_suc_khoe_me_bau_co_the_ban_chua_biet_5_63050f687b.jpg)
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh chủ đề bầu ăn tôm được không. Hy vọng với những chia sẻ của Nhà Thuốc, mẹ bầu có thể hiểu hơn về những lợi ích sức khỏe tôm mang lại, tác dụng phụ nếu mẹ bầu ăn quá nhiều tôm cũng như cách ăn tôm đúng và an toàn. Chúc mẹ bầu vượt cạn thành công! Đừng quên theo dõi trang web của Nhà Thuốc Hà An để cập nhật thêm nhiều bài viết bổ ích khác nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Hellobacsi