Bầu ăn sứa được không? Ăn sứa mang lại những lợi ích gì cho mẹ bầu?
Sứa là một loại thực phẩm được tiêu thụ khá nhiều ở khu vực châu Á bởi hương vị vô cùng thú vị của nó. Mặc dù được xem là một loại thực phẩm mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn liệu mẹ bầu có nên sử dụng loại thực phẩm này hay không. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Hà An sẽ giúp bạn tìm hiểu những lợi ích mà sứa đem lại, đồng thời trả lời câu hỏi “Bầu ăn sứa được không?”
Bầu ăn sứa được không?
Bầu ăn sứa được không? Sứa là loại động vật biển, có hình chuông, được tìm thấy ở vùng biển và các đại dương trên thế giới. Sứa được coi là đặc sản của nhiều nước châu Á bởi có vô vàn cách chế biến khác nhau từ sứa. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn sứa mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như: Điều trị cao huyết áp, loãng xương và một số bệnh liên quan tới đường tiêu hóa do sứa có chứa một số thành phần dinh dưỡng như protein, chất chống oxy hóa và một vài khoáng chất quan trọng.
Cụ thể, trong 100 gram sứa khô có chứa các thành phần dưới đây:
- Calo: 36,2 kcal.
- Chất đạm: 5,5 gram.
- Canxi: 1,72 mg.
- Sắt: 2,28 mg.
- Phospho: 20,69 mg.
- Kẽm: 0,41 mg.
- Đồng: 0,14 mg.
- Một số loại vitamin như A, B3, D, E…
Những thành phần dinh dưỡng từ sứa cũng vô cùng quan trọng cho mẹ bầu cũng như thai nhi, vậy bà bầu ăn sứa được không? Câu trả lời là được. Món ăn này hoàn toàn không gây hại nếu biết cách chế biến đúng, đồng thời mẹ bầu chỉ nên ăn với hàm lượng vừa phải để tránh gặp những tác dụng không mong muốn.
![Bầu ăn sứa được không? Ăn sứa mang lại những lợi ích gì cho mẹ bầu? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bau_an_sua_duoc_khong_an_sua_mang_lai_nhung_loi_ich_gi_cho_me_bau_1_e96eba91a8.jpg)
Lợi ích của sứa đối với bà bầu
Cung cấp selen dồi dào
Sứa biển có chứa selen – một chất khoáng vô cùng cần thiết trong việc kích thích hoạt động của tuyến giáp, đồng thời tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể. Với khẩu phần ăn uống có đầy đủ selen sẽ giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc các bệnh về ung thư, tim mạch cũng như Alzheimer, từ đó mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Phòng bệnh liên quan đến đường hô hấp
Sứa có nhiều dưỡng chất quý giá, bởi vậy chúng được xem như một loại thuốc tự nhiên, có tác dụng phòng bệnh liên quan tới đường hô hấp như ho, viêm phổi khi mang thai… Đặc biệt, sứa là loại thực phẩm có ích đối với những mẹ bầu có sức đề kháng kém. Chính vì thế, việc bổ sung sứa vào khẩu phần ăn hằng ngày sẽ giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.
Giảm stress và tăng cường trí nhớ
Choline là một dưỡng chất được tìm thấy trong sứa, mà chất này vốn trong cơ thể không có đủ. Choline có chức năng tham gia vào quá trình tổng hợp ADN, hỗ trợ hệ thần kinh, sản xuất phospholipid cho màng tế bào, đồng thời cải thiện khả năng ghi nhớ của não bộ. Ngoài ra, có một số mẹ bầu gặp phải tình trạng stress khi mang thai, choline giúp giảm triệu chứng căng thẳng, lo lắng ngay lập tức.
Cung cấp collagen cho làn da khỏe mạnh
Trong sứa biển chứa hàm lượng collagen cao. Đây là chất tham gia vào cấu trúc của mô, gân, da. Vì vậy, việc ăn sứa biển sẽ giúp vết thương trở nên mau lành, giảm đau khớp, làm đẹp da, đồng thời giảm thiểu tác hại do tia UV từ ánh nắng mặt trời chiếu vào.
Một số nghiên cứu còn cho thấy lượng đường trong máu có thể giảm do sự có mặt của collagen, thế nên việc ăn sứa khá phù hợp với những mẹ bầu có các triệu chứng cao huyết áp thai kỳ.
![Bầu ăn sứa được không? Ăn sứa mang lại những lợi ích gì cho mẹ bầu? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bau_an_sua_duoc_khong_an_sua_mang_lai_nhung_loi_ich_gi_cho_me_bau_2_19e73a5814.jpg)
Tác dụng phụ có thể gặp phải khi ăn sứa
Bầu ăn sứa được không? Câu trả lời là được bởi sứa là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và có ích đối với mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu không được chế biến đúng cách, sứa có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thai kỳ, điển hình như ngộ độc do ăn phải nọc độc tiết ra từ sứa hoặc do ăn sứa sống dẫn đến nhiễm ký sinh trùng. Ngoài ra, do cơ địa không phù hợp, một số mẹ bầu khi ăn sứa có thể gặp hiện tượng dị ứng toàn thân.
Vì vậy, để phòng tránh các tác dụng phụ có thể gặp phải, mẹ bầu cần chú ý:
- Mẹ bầu chỉ nên sử dụng sứa đã qua chế biến để đảm bảo sức khỏe cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên sử dụng gỏi sứa sống.
- Cần mua sứa ở những cơ sở có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có uy tín. Ngoài ra mẹ bầu cũng nên chọn những con sứa biển có màu trắng nguyên vẹn, tránh những con sứa màu nâu bởi đây là sứa có dấu hiệu hư hỏng.
- Mẹ bầu không nên sử dụng sứa trong mùa sinh sản bởi lúc này cơ thể sứa chứa nhiều độc tố nhất.
- Đối với những mẹ bầu sử dụng sứa lần đầu thì chỉ nên ăn với một lượng nhỏ, sau đó quan sát cơ thể có thích nghi được hay không. Nếu xuất hiện các dấu hiệu dị ứng hay ngộ độc, mẹ bầu cần dừng ăn và đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
- Mẹ bầu cần chế biến sứa một cách kỹ càng. Cụ thể, trước khi nấu, cần sơ chế bằng cách ngâm sứa trong nước muối và phèn 3 lần nhằm loại bỏ độc tố chứa trong sứa.
Cách ăn sứa đúng và an toàn
Dưới đây là gợi ý những món ăn giúp mẹ bầu ăn sứa đúng và an toàn.
Bún sứa nước lèo
Nguyên liệu:
- 350 gram sứa.
- 500 gram thịt lợn.
- 500 gram tôm tươi.
- 400 gram bún rối.
- 2 quả cà chua.
- Gia vị: Hành lá, rau thơm, tỏi, ớt.
- Bột ngọt, hạt nêm, mắm ruốc…
Cách chế biến:
- Đầu tiên, cần rửa sạch thịt heo rồi luộc chín, sắt thành miếng mỏng.
- Rửa sạch tôm, sau đó bóc vỏ, bỏ phần đầu tôm rồi cũng đem luộc chín.
- Rửa sạch sứa, cắt thành từng sợi vừa ăn rồi chần sơ qua với nước sôi, sau đó để ráo.
- Làm nóng chảo, sau đó phi thơm tỏi, cho sứa, tôm, thịt vào đảo đều rồi vớt ra.
- Rửa sạch, cắt nhỏ, xào sơ qua cà chua rồi đổ vào nồi nước luộc tôm thịt ban đầu. Đun cho tới khi nước sôi thì nêm thêm 1 thìa cà phê mắm ruốc, 1 thìa hạt nêm và ớt vào khuấy đều cho đến khi cảm thấy vừa miệng.
- Bày các nguyên liệu vào tô rồi thưởng thức.
![Bầu ăn sứa được không? Ăn sứa mang lại những lợi ích gì cho mẹ bầu? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bau_an_sua_duoc_khong_an_sua_mang_lai_nhung_loi_ich_gi_cho_me_bau_3_f06aa9e61d.jpg)
Nộm sứa hành tây
Nguyên liệu:
- 500 gram sứa.
- 1 củ hành tây.
- 1 quả xoài xanh.
- 1 quả dưa chuột.
- 1 củ cà rốt
- 150 gram rau thơm.
- Gia vị: Ớt, tỏi, lạc rang, nước mắm, chanh, đường…
Cách chế biến:
- Gọt vỏ xoài xanh, cà rốt rồi bào sợi. Lột vỏ, cắt mỏng hành tây rồi ngâm trong nước đá 5 – 7 phút để giảm độ hăng và tăng độ giòn của hành.
- Rửa sạch sứa rồi chần sơ qua nước sôi, sau đó vớt ra ngâm trong nước đá 5 – 7 phút.
- Cho vào bát 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 2 thìa nước cốt chanh và tỏi ớt băm, sau đó khuấy đều để làm nước trộn gỏi.
- Trộn đều tất cả nguyên liệu với nhau để ngấm gia vị, sau đó cho ra đĩa, rắc lạc lên trên và thưởng thức.
![Bầu ăn sứa được không? Ăn sứa mang lại những lợi ích gì cho mẹ bầu? 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bau_an_sua_duoc_khong_an_sua_mang_lai_nhung_loi_ich_gi_cho_me_bau_4_f1bbb71d2a.jpg)
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Bầu ăn sứa được không?”, đồng thời đưa ra một số lưu ý khi chế biến sứa cho mẹ bầu. Chúc mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh và đừng quên theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Hà An nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp